Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 10 năm 2022 | 14:31

Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa để cho năng suất cao

Trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa đang được nông dân các địa phương ứng dụng, vừa giảm chi phí nhân công vừa tạo giá trị cao cho sản phẩm.

Làm nông nhàn hạ nhờ ứng dụng kỹ thuật tiên tiến

Gieo mạ khay, cấy máy hoặc dùng máy gieo sạ, công cụ sạ hàng, phun thuốc trừ sâu bằng máy phun áp lực rộng 20m. Sử dụng phân bón tổng hợp phân "nhả chậm" và bón phân bằng máy phun phân bón, áp dụng tưới nước tiết kiệm nông - lộ - phơi. Bên cạnh đó, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, vừa giúp giảm chi phí sản xuất vừa góp phần cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đang được nông dân ứng dụng vào sản xuất, canh tác lúa.

Máy cấy mạ khay được nông dân đưa ra ruộng làm thay sức người.

Ông Trần Đức Phổ, người dân xã Đình Cao (Phù Cừ, Hưng Yên) chia sẻ: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy 1 mẫu lúa, trong đó có 5 sào cấy giống lúa Gia Lộc 516 trong mô hình ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến. Nhờ tham gia mô hình, gia đình tôi được tiếp cận với một số kỹ thuật canh tác mới, trong đó đặc biệt là kỹ thuật cấy máy, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái… Hiện nay, lao động nông nghiệp ở địa phương ngày càng giảm và già hóa nên các biện pháp kỹ thuật tiên tiến sẽ giúp sản xuất nông nghiệp thuận lợi và hiệu quả hơn. Tôi mong muốn, việc ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến được nhân rộng hơn để hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa, tạo thuận lợi cho tiêu thụ, từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nông dân bám ruộng làm giàu. 

Còn ông Lê Văn Tị - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Kinh doanh Tổng hợp xã Liên Hà cho biết, sau khi huyện Đông Anh tổ chức đoàn lãnh đạo các HTX đi thăm mô hình mạ khay, cấy máy ở xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, nơi làm tiên phong của TP Hà Nội; về HTX lại tổ chức cho cán bộ của mình đi xuống đó một lần nữa để học tập cho thật kỹ rồi về mới triển khai.

Theo ông Tị, khi làm mạ khay, cấy máy sẽ giúp chủ động về sản xuất mạ, không phụ thuộc vào thời tiết, tăng hiệu quả kinh tế. Hiện khoảng 55 - 60% diện tích lúa ở xã Liên Hà là được cấy bằng mạ khay, máy cấy và nông dân càng ngày càng ưa chuộng nó bởi công đi cấy bằng tay mỗi lúc một đắt, trung bình 350.000 - 400.000 đồng/sào trong khi đó cấy máy chỉ 320.000 đồng/sào, lại kèm theo cả giống, gia đình không phải lo chăm sóc đám mạ nữa. Hơn thế, cấy máy giảm công phòng trừ sâu bệnh do cấy thưa hơn, cây lúa phát triển thông thoáng hơn, đồng ruộng ít sâu hơn, năng suất thêm được cỡ 30 kg thóc/sào.

Giám đốc HTX NN Sông Hồng được ông Lê Văn Tám cho biết, HTX chúng tôi là đơn vị đầu tiên ứng dụng và triển khai mạ khay cấy tại một số huyện trên địa bàn của Thủ đô Hà Nội, ưu điểm của cấy lúa bằng mạ khay là năng suất cao hơn nhiều so với phương thức cấy lúa truyền thống trước kia, người nông dân không còn phải “chân lấn, tay bùn” vào những ngày giá rét của mùa đông nữa. Làm nông như vậy nhàn hơn rất nhiều.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, thành phố có diện tích gieo trồng lúa hằng năm khoảng 160.000 ha, là một trong những tỉnh, thành phố có diện tích đất trồng lúa lớn ở miền Bắc.

Những năm gần đây nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống: Đưa các giống lúa mới vừa có năng suất cao, chất lượng ngon vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Cùng với áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung. Từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa, nâng cao đời sống cho người nông dân và bảo đảm an ninh lương thực, là cơ sở vững chắc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Hiệu quả kinh tế tăng lên rất cao

Tại tỉnh Hưng Yên các huyện Văn Lâm, Tiên Lữ, Ân Thi, Phù Cừ, Kim Động, Yên Mỹ, trong đó vụ xuân 4 mô hình với diện tích 55ha, vụ mùa 6 mô hình với diện tích 135ha. Các mô hình thực hiện làm đất bằng máy; mạ khay, cấy máy. Trong quá trình chăm sóc và bảo vệ lúa, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, phân NPK với liều lượng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cây. Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc phòng, trừ cỏ dại và phòng, trừ sâu bệnh hại, trong đó ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo dược, sinh học để phòng, trừ theo nguyên tắc “4 đúng”.

Cây lúa trong các mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, cứng cây, lá đòng đứng, cứng, đẻ nhánh khỏe (10-15 dảnh hữu hiệu/khóm), số hạt/bông đạt 160, tỷ lệ hạt lép thấp (7-8,7%), số bông/m2 cao (285-290 bông), năng suất đạt 245-265 kg/sào. So với gieo cấy lúa Bắc thơm số 7, mô hình ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến giảm 60-70% công lao động, giảm 15-25% lượng phân bón, giảm 10% tổn thất sau thu hoạch. Ngoài ra, do ít bị nhiễm sâu bệnh hại nên các diện tích lúa trong mô hình giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trung bình, các mô hình chỉ phải phun phòng, trừ sâu bệnh 1-2 lần/vụ, thậm chí có diện tích không phải phun phòng, trừ. Qua đánh giá hiệu quả kinh tế, các mô hình đem lại lợi nhuận cao hơn 17,4% so với gieo cấy lúa Bắc thơm số 7.

Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc phòng trừ cỏ dại tại xã Việt Hưng (Văn Lâm)

Theo ông Hoàng Văn Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dị Chế (Tiên Lữ) cho biết: Vụ mùa này là vụ thứ 2 chúng tôi ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trên lúa, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực. Việc chăm sóc lúa trong mô hình nhàn hơn vì cây lúa khỏe, đẻ nhánh tốt, ít sâu bệnh hại. Ở vụ mùa này, trong khi nhiều diện tích lúa ngoài mô hình bị nhiễm sâu bệnh nặng làm giảm năng suất thì các diện tích lúa của mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt, bông lúa dài, mẩy. Năng suất đạt 230-240kg/sào, cao hơn so với năng suất lúa bình quân của địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Khoa học kỹ thuật tiên tiến đã và đang ngày càng được ứng dụng nhiều trong sản xuất lúa, từ nghiên cứu, chọn tạo giống; kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch... Trên cơ sở hiệu quả mà mô hình ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trên giống lúa Gia Lộc 516 theo chuỗi giá trị trong thời gian qua sẽ là căn cứ, tiền đề để Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu với tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích nhằm thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao. Khoa học kỹ thuật tiên tiến giúp cải tiến quy trình sản xuất lúa, nâng cao năng suất, chất lượng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đây cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng.

Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào canh tác lúa không phải thuận tiện, dễ dàng, mà còn có những khó khăn. Qua thực tế triển khai có thể thấy hiệu quả từ mô hình ứng dụng mạ khay cấy máy trong sản xuất lúa vụ xuân năm 2022 tại Hà Nội là rất lớn cả về mặt kinh tế và xã hội. Vì vậy, để mở rộng diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho rằng, Thành phố và Sở NN&PTNT cần tiếp tục hỗ trợ giống, vật tư, máy cấy, dây truyền gieo mạ khay để khuyến khích mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy. Hỗ trợ hình thành mỗi huyện từ 1 - 2 trung tâm sản xuất mạ khay, là điểm tham quan học tập cho các địa phương lân cận.

Đồng thời, tiếp tục có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân mua máy và tăng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân mua máy có công suất lớn, máy tốt.

Có cơ chế chính sách hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức thực hiện cho các Hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian đầu. Tạo điều kiện cho các Hợp tác xã nông nghiệp vay vốn để mua máy, không phải thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không ai có thể phủ nhận việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào canh tác lúa, vừa giảm bớt sức lao động vất vả cho bà con nông dân, vừa đạt được năng suất và hiệu quả cao. Do đó, canh tác lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung không thể thiếu việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top