Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 6 năm 2023 | 15:46

Vượt thách thức, HTX nông nghiệp “sống khỏe” trên “sân nhà”

Những năm qua, nhờ kết quả của công tác xúc tiến thương mại, nhiều HTX đang rất thành công với các mặt hàng xuất khẩu.

Nhiều HTX ven đô đang mở rộng dịch vụ hoa - cây cảnh và phát triển tốt.

Trước khi nghĩ tới những mục tiêu xa hơn trên con đường xuất khẩu, với thị trường trong nước hơn 100 triệu dân, chỉ cần thắng trên sân nhà, các HTX nông nghiệp đã có thể “sống khỏe”.

Thách thức và cơ hội 

Tại các địa phương ven đô Hà Nội, diện tích đất nông nghiệp đang dần thu hẹp bởi quy hoạch phát triển giao thông, đô thị. Để tồn tại và phát triển, các hợp tác xã (HTX) phải tái cấu trúc, tập trung tốt dịch vụ đang có, mở dần các loại hình dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhiều HTX ven đô đã định hình dịch vụ mới và cũng có nhiều nơi còn loay hoay...

HTX nông nghiệp Tân Lập, huyện Đan Phượng là một trong những HTX ven đô, hiện 100% diện tích đất sản xuất của địa phương đã được quy hoạch vào phát triển giao thông, đô thị. Để thích ứng tình hình mới, theo ông Nguyễn Hữu Tuy, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Tân Lập, hơn một năm nay, đơn vị đã mở thêm dịch vụ kinh doanh hoa - cây cảnh.

"Ngoài trồng hoa - cây cảnh, chúng tôi đã mở được 2 gian hàng cung ứng các loại hoa cây cảnh, cây xanh, phân bón, dụng cụ làm vườn… phục vụ nhân dân trong và ngoài địa phương. Thêm nữa, nhờ cung ứng dịch vụ tốt, HTX đã và đang cung ứng cây xanh, vật tư… cho các hội đoàn thể, khu dân cư tự quản của địa phương trồng tại các tuyến đường hoa, cây xanh", ông Tuy chia sẻ.

Không chỉ năng động với các loại hình dịch vụ mới, các loại dịch vụ truyền thống của HTX như kinh doanh điện, quản lý chợ cũng đang thực hiện khá tốt.

Tương tự, HTX nông nghiệp Đông Lao (xã Đông La, huyện Hoài Đức), mới đây, nông dân địa phương bàn giao hơn 60ha đất nông nghiệp phục vụ dự án Vành đai 4. Ngoài ra, diện tích đất phục vụ các dự án giao thông, đấu giá đất… khiến diện tích đất canh tác của địa phương giảm mạnh. Tuy vậy, HTX đã đầu tư, hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang VietGAP và theo hướng hữu cơ…

Ông Phan Huy Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Lao cho biết: "Với vùng nhãn chín muộn 40ha, chúng tôi đã có 13,5ha đạt chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, các vùng chuyên canh rau màu chất lượng cao như cà chua cũng được đầu tư nhà màng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Mỗi năm, HTX cung ứng hàng trăm tấn nông sản chất lượng cao cho thị trường nội đô".

Còn nhiều trăn trở

Có thể thấy, bên cạnh việc chuyển dịch tích cực thì các HTX nông nghiệp vùng ven đô đang gặp không ít khó khăn trong quá trình đô thị hóa.

Các HTX nông nghiệp ven đô khó ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Phan Huy Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Lao nói: HTX muốn xây dựng trụ sở cũng như có kho bảo quản nông sản tạm thời trước khi đi tiêu thụ nhưng qua nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng hoặc chuyển đổi một phần đất nông nghiệp của HTX đều rất khó. Đã qua “3 đời chủ tịch xã”, chúng tôi kiến nghị rất nhiều nhưng đến nay chưa được giải quyết, trong khi đó, HTX ven đô mà không sản xuất, cung ứng dịch vụ nông sản chất lượng cao thì không thể cạnh tranh.

Thực tế tại các HTX ven đô cho thấy, nếu không có tư duy quản lý và định hướng phát triển nông nghiệp đô thị đúng tầm thì việc phát triển đa số theo hình thức chắp vá, vừa làm, vừa lo lắng. Ông Nguyễn Hữu Tuy, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Tân Lập (huyện Đan Phượng) cho biết, toàn xã còn 268ha đất nông nghiệp quy hoạch giao thông, đô thị.

"Chúng tôi kiến nghị, khi đất nông nghiệp đã được quy hoạch thì nên triển khai nhanh chóng, không để quy hoạch treo. Thực trạng hiện nay của địa phương là nông dân trồng lúa không hiệu quả, mà đầu tư chuyên sâu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì vướng quy hoạch", ông Tuy nói.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Tiến Phong nhận xét: Các HTX nông nghiệp ven đô đang gặp nhiều rào cản và thách thức trong phát triển. Quá trình đô thị hóa làm cho diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, đất đai còn lại thường có giá trị cao, việc mở rộng hoạt động nông nghiệp của HTX trở nên khó khăn, đòi hỏi đầu tư lớn. Mặt khác, quản lý HTX khu vực ven đô với nhiều loại hình dịch vụ mới cần kiến thức và kỹ năng đa dạng từ quản lý sản xuất, tiếp thị, tài chính đến quản lý nhân lực. Trong khi vấn đề này luôn là khâu khó với các HTX nông nghiệp khi chuyển dịch từ dịch vụ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ thương mại, đô thị.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trương Văn Dũng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu: Nghịch lý đối với nhiều HTX trong quá trình đô thị hóa là nhiều diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch đất ở, đất đô thị… song quy hoạch bị bỏ trống nhiều năm, làm khó cả nông dân và HTX. Nông dân không mặn mà sản xuất, chờ bồi thường nên HTX khó mở rộng dịch vụ...

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các HTX cần tái cấu trúc và tập trung vào các dịch vụ có sẵn. HTX nên xem xét lại mô hình hoạt động hiện tại, tập trung vào dịch vụ nông nghiệp mà họ đã phát triển thành công. Điều này bao gồm tăng cường năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hiện có, đáp ứng nhu cầu thị trường đô thị. Ngoài ra, các HTX nên khám phá cơ hội phát triển các loại hình dịch vụ mới phù hợp yêu cầu và xu hướng của xã hội đô thị. Các dịch vụ có thể liên quan đến nông nghiệp sạch, sản xuất hữu cơ, du lịch nông nghiệp, nhà hàng nông nghiệp, thậm chí kinh doanh nông sản chế biến...

Những biện pháp này có thể giúp các HTX ven đô thích ứng và tìm ra cơ hội phát triển trong bối cảnh đô thị hóa. Tuy nhiên, mỗi HTX có thể đòi hỏi một phương pháp phù hợp tình hình và đặc thù, trong đó, quan trọng là giải pháp cần linh hoạt dựa trên tình huống cụ thể...

Bắt đầu từ “sân nhà”

HTX nông nghiệp Đại Đồng (Yên Thủy, Hòa Bình) xuất khẩu thành công lô bưởi đầu tiên sang thị trường Anh vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua là một ví dụ điển hình. Quả bưởi xuất khẩu được HTX Đại Đồng sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch, chọn quả, đóng gói đến vận chuyển, bảo quản... và mẫu mang đi kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn an toàn. Đây là điểm tựa để HTX đưa thương hiệu bưởi Yên Thủy đi xa hơn.

Hay như HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng mỗi năm sản xuất trên 4.000 tấn chuối, cung ứng cho thị trường Nhật Bản (khoảng 80 tấn) và thị trường trong nước, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng.

HTX cần giữ vững thị trường nội địa trên 100 triệu dân trước khi nghĩ tới mở rộng xuất khẩu.

Tại Bắc Giang, nhiều năm qua, HTX sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (Lục Ngạn) đã đẩy mạnh sản xuất 30ha vải thiều theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, duy trì đưa sản phẩm vải tươi sang thị trường Trung Đông, Nhật Bản và xuất vải thiều khô sang Đài Loan.

Việc xúc tiến xuất khẩu là vô cùng quan trọng, tuy nhiên, theo chuyên gia, các HTX cũng cần dành sự quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa bằng những sản phẩm xanh, sạch, chất lượng cao.

Tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” mới đây, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế nên bắt đầu bằng bước đi đầu tiên trên thị trường 100 triệu dân nội địa.

Theo ông Cường: "Chúng ta sẽ không thể đi xa và đi được lâu nếu không có nền tảng vững chắc từ trong nước. Nếu không có nền tảng này, khách hàng quốc tế cũng sẽ thiếu lòng tin với sản phẩm của chúng ta. Đây là đối tượng khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta cần chăm sóc".

Có một thực tế là nông sản xuất khẩu giá cao nhưng tỷ lệ phân bổ lại cho nông dân còn rất thấp. Điển hình như tại Bắc Giang xuất khẩu vải thiều qua Mỹ, nhưng khi cân đối giữa giá xuất khẩu và giá bán tại Hà Nội, TP.HCM thì nhận thấy bức tranh không nhiều “màu hồng” như trên những con số.

“Vì vậy, cần phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy xây dựng thương hiệu trong nước. Niềm tin tiêu dùng nông sản trong nước là bệ đỡ để xuất khẩu nông sản ra thế giới", một chuyên gia nông nghiệp nhận định.

Xây dựng nền tảng từ trong nước

Thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân rõ ràng là “mỏ vàng”. Vì vậy, trong thời gian qua, đã có nhiều HTX mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận và có được thành công tích cực.

Điển hình như HTX rau sạch Yên Dũng (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Sau 7 năm phát triển, HTX đang có tổng diện tích canh tác hơn 60ha, trong đó có 12ha chăm sóc theo mô hình nhà lưới công nghệ cao.

Chị Trần Thị Kim Trang, Phó Giám đốc HTX cho biết nhờ thay đổi trong tư duy sản xuất, chú trọng khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm chất lượng vượt trội, HTX đã từng bước tạo dựng được thương hiệu “Rau sạch Yên Dũng” trên thị trường.

Đến nay, HTX xây dựng được hơn 35.000m2 nhà lưới công nghệ cao, ứng dụng công nghệ linh hoạt trong sản xuất; cuối năm 2022, HTX đã tăng doanh thu lên khoảng 40 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho 85 lao động với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, HTX rau sạch Yên Dũng  trở thành một trong những nhà cung cấp rau củ quả hàng đầu cho các chuỗi siêu thị lớn như Winmart, Coopmart, Big C và các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Rõ ràng, việc thay đổi trong phương thức sản xuất đang giúp HTX Yên Dũng dần chinh phục được người tiêu dùng trong nước, duy trì doanh thu hàng chục tỷ đồng. Đây là minh chứng cho việc các HTX chỉ cần thắng trên “sân nhà” là đã có thể phát triển bền vững, trước khi hướng tới xuất khẩu.

Giữ thị trường nội địa rõ ràng là vô cùng quan trọng, song với sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu nước ngoài chất lượng cao, điều này là thách thức không nhỏ cho các HTX, doanh nghiệp trong nước.

Để phát triển bền vững, các HTX rất cần chuyển đổi dịch vụ sang sản xuất hữu cơ, du lịch nông nghiệp...

Để làm được, trước hết, các HTX, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất, ứng dụng công nghệ và chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học thân thiện môi trường vào canh tác. Theo thống kê, việc này có thể giúp tiết kiệm chi phí khoảng 30-40%.

Riêng các HTX cần chủ động tận dụng lợi thế sản phẩm đa dạng, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường, tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, chất lượng cao...

Bên cạnh sự nỗ lực của HTX, các cơ quan quản lý cần triển khai thực hiện các chính sách, các giải pháp hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, thực hiện chuyển đổi số một cách thiết thực và minh bạch nguồn gốc xuất xứ nông sản (truy xuất được nguồn gốc).

Song song đó, cần thêm các chính sách khuyến khích xây dựng và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, truyền thống của các địa phương. Đặc biệt, cần tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và uy tín của nông sản nội địa, từ đó thuyết phục người Việt dùng hàng Việt./.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top