Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 7 năm 2023 | 11:23

Yên Bái phát huy tiền năng các vùng sản xuất nông nghiệp

Dựa trên đặc điểm về địa hình, thổ nhưỡng và thời tiết, những năm gần đây, Yên Bía đã hình thành và phát huy hiệu nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cải thiện đời sống nhân dân.

Trạm Tấu - vùng sản xuất 600 ha khoai sọ

Tính đến tháng 6 năm 2023, toàn huyện Trạm Tấu đã có 600ha trồng khoai sọ, năng suất bình quân đạt 140 tạ/ha.

Với năng suất 140 tạ/ha, trừ chi phí ban đầu, khoai sọ đem về cho nông dân Trạm Tấu trên 120 triệu đồng/ha.

Trong những năm qua, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trọng tâm là chuyển đổi những diện tích lúa nương, ngô kém hiệu quả sang trồng khoai sọ. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong huyện và sự hưởng ứng tích cực của người dân, diện tích trồng khoai sọ ở Trạm Tấu ngày càng tăng. 

Đến nay, toàn huyện đã trồng 600 ha; tập trung nhiều ở các xã: Xà Hồ 100 ha, Bản Mù 130 ha, Bản Công 110 ha, Trạm Tấu 70 ha, Pá Hu 50 ha, Pá Lau 20 ha, Túc Đán 25 ha, Tà Xi Láng 30 ha….

Với năng suất bình quân 140 tạ/ha, trừ chi phí ban đầu, mỗi héc-ta khoai sọ đem về cho nông dân Trạm Tấu trên 120 triệu đồng, tạo nguồn thu nhập lớn cho nhân dân, giúp nhiều hộ đồng bào Mông vươn lên thoát nghèo.

Với chất lượng thiết thực, khoai sọ nương Trạm Tấu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu; sản phẩm khoai sọ nương của Hợp tác xã Hưng Thùy đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. 

Huyện đang tiếp tục rà soát, mở rộng diện tích khoai sọ nương, phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện đạt trên 1.000 ha; đồng thời xây dựng chuỗi tiêu thụ và xây dựng sản phẩm khoai sọ nương đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Để nhân dân yên tâm sản xuất, Trạm Tấu đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất cây khoai sọ, tạo hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện theo hướng liên kết sản xuất, phát huy những cây trồng chủ lực, đặc sản, giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước hình thành chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm. 

Mù Cang Chải 348 cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung

Phát huy lợi thế của địa phương, thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, qua đó góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Nhờ được hỗ trợ vốn theo Nghị quyết 69, đến nay, ông Hờ Cáng Sang, bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha có 13 con trâu, hàng năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Theo đó, hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn  phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thực hiện tốt công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ; tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi theo kế hoạch giao; thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh.

Cùng với đó, huyện Mù Cang Chải còn triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 69 của HĐDN tỉnh; duy trì và phát triển các cơ sở chăn nuôi tập trung trâu, bò, lợn, gia cầm; tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng tập trung, thực hiện có hiệu quả cơ chế lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ xây dựng, duy trì và phát triển các cơ sở chăn nuôi. 

Đến nay, toàn huyện có 348 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung bao gồm: 113 cơ sở chăn nuôi trâu bò tập trung quy mô từ 10 con trở lên; 192 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung quy mô từ 30 con trở lên; 9 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô trên 1.000 con/lứa, 34 cơ sở chăn nuôi dê từ 30 con trở lên….

Văn Chấn phát huy tiềm năng 3 vùng sản xuất nông nghiệp

Dựa trên đặc điểm về địa hình, thổ nhưỡng và thời tiết, huyện Văn Chấn đã hình thành và phát huy hiệu quả 3 vùng sản xuất nông nghiệp gồm: vùng trong, vùng ngoài, vùng cao và thượng huyện.

Mô hình trồng cây Ngưu bàng tại thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn.

Trong đó, vùng trong gồm 4 xã, thị trấn: Đồng Khê, thị trấn Sơn Thịnh, Sơn Lương, thị trấn nông trường Liên Sơn. Đây là vùng tương đối bằng phẳng, giáp ranh với thị xã Nghĩa Lộ. Vùng này có lợi thế để phát triển sản xuất lúa chất lượng cao Séng cù, Chiêm hương gắn với xây dựng và quảng bá sản phẩm gạo Mường Lò; phát triển cây ăn quả, nhất là cây ăn quả có múi, cây nhãn; xây dựng các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi lợn công nghệ cao, chăn nuôi gia cầm hàng hóa; xây dựng vùng trồng rau sạch, an toàn và phát triển trồng rừng gỗ lớn đồng thời có thể nghiên cứu phát triển diện tích trồng cây mắc ca. 

Vùng ngoài gồm 9 xã, thị trấn: Đại Lịch, Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La, thị trấn Nông trường Trần Phú, Cát Thịnh. Đây là khu vực có hệ thống giao thông đối ngoại phát triển đáp ứng yêu cầu về kết nối của tỉnh với các tỉnh lân cận như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, Hà Nội. Khu vực này có lợi thế để phát triển cây chè theo hướng thâm canh, cải tạo và thay thế diện tích kém hiệu quả, cung cấp nguyên liệu chế biến chè đen xuất khẩu gắn với các cơ sở chế biến. Đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển vùng cây ăn quả có múi; phát triển chăn nuôi thủy đặc sản như: ba ba, cá nước lạnh... 

Vùng cao và thượng huyện gồm 11 xã: Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, An Lương, Nậm Lành, Nghĩa Sơn, Sùng Đô, Nậm Mười, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ. Vùng này có độ cao trung bình so với mực nước biển 600 m trở lên, có tiềm năng về đất đai, lâm nghiệp, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc, du lịch sinh thái. Đây là vùng phát triển cây chè Shan, hình thành vùng nguyên liệu chè sạch phục vụ chế biến chè xanh chất lượng cao; chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả, chăn nuôi lợn vùng cao; phát triển trồng rừng, trồng quế, mắc ca. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều tiềm nằng, lợi thế thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử địa phương và bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng, phát triển được gần 200 sản phẩm OCOP. Với mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt, chất lượng đảm bảo, các sản phẩm OCOP này được người dân trong, ngoài tỉnh tin tưởng sử dụng và đang từng ngày khẳng định thương hiệu nông sản Yên Bái trên thị trường.

Ông Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay Hợp tác xã (HTX) Thái Sơn, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ông Đàm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Thái Sơn cho biết: "Tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm được đánh giá thông qua bộ tiêu chí chặt chẽ, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng. HTX cũng tham gia các kênh xúc tiến thương mại, trang mạng xã hội, trong đó có sản phẩm Dầu lạc đỏ đạt chuẩn OCOP 3 sao, có mặt tại sàn postmart.vn nên sản phẩm OCOP của đơn vị đã có thể tiếp cận được nhiều thị trường mới, nâng cao chất lượng, thương hiệu của sản phẩm nông sản Yên Bái”. 

Cũng là một sản phẩm được sản xuất từ cây đao riềng trồng tại địa phương, đến nay, các sản phẩm miến đao của HTX Khởi nghiệp xanh Toàn Nga đã được nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận và Hà Nội yêu thích và tin dùng. 

Ông Đỗ Danh Toàn - Chủ tịch HTX Khởi nghiệp xanh Toàn Nga, thôn Thịnh Ân, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên cho biết: "Cuối năm 2022, sản phẩm miến đao của chúng tôi đã được công nhận đạt chuẩn 3 sao. Để nâng cao giá trị sản phẩm, chúng tôi luôn chú trọng nguồn nguyên liệu như tuân thủ quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm nên được khách hàng gần xa ưa chuộng. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường trên 1 tấn sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương”. 

Sau gần 4 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 170 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm thuộc 4 nhóm ngành là thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí, thảo dược, đồ uống và 7 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn. 

Với mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, thời gian qua, các cấp ngành ở Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể làm OCOP trong phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. 

Bên cạnh đó, các địa phương ở tỉnh đang cơ cấu lại vùng sản xuất, đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, qua đó nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm này. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh xúc tiến thương mại và chuyển đổi số. 

Đến nay, có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn. Số lượt khách truy cập trên sàn giao dịch thương mại điện tử Yên Bái, website Sở Công Thương ngày một tăng, đến nay có hơn 18 triệu lượt truy cập; hỗ trợ đăng tải thông tin 183 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử tỉnh Yên Bái; tạo mã QR mua bán trực tuyến cho 183 sản phẩm OCOP của tỉnh để giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh...

Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững hơn nữa, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, từ truyền thống đến thương mại điện tử...

V.N (tổng hợp theo baoyenbai.com.vn)

Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top