Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 4 năm 2024 | 13:14

Mục tiêu tăng tốc, nhiều kết quả tích cực

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030.

Tại kỳ họp thứ 6, khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%. Theo nhiều tổ chức kinh tế quốc tế có uy tín, đây là mục tiêu nhiều thách thức bởi thị trường quốc tế còn yếu (xuất khẩu là một trong 3 trụ cột chính của tăng trưởng), nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được tháo gỡ triệt để.

Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt chỉ tiêu cho năm 2024: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,2 - 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD.

Năm 2024, phấn đấu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%.

Tuy phải đối diện với nhiều thách thức nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ nhằm gỡ khó cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chủ động, đồng bộ để kích cầu, tạo việc làm, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút FDI và hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu.

Kết quả là, trong quý I/2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,04 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu trên 8,08 tỷ USD. Số liệu này cho thấy xuất khẩu đạt kết quả tích cực, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi, phát triển vững chắc.

Kết quả tích cực của nền kinh tế quý I, là cơ sở để các tổ chức kinh tế, các ngân hàng uy tín trên thế giới đưa ra dự báo tốt cho năm 2024 của nền kinh tế nước ta. Cụ thể, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 ở mức 6,7%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 là 6%, Ngân hàng HSBC dự báo tăng 6,3%; S&P dự báo tăng 6,8%...

Bức tranh tăng trưởng kinh tế quý I/2024 cho thấy khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn đóng vai trò trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, vừa đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu vừa tăng giá trị, kim ngạch xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,9 - 3% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất siêu đạt 3,36 tỷ USD, tăng 96,5% so với cùng kỳ năm 2023. Có 5 nhóm hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Cà phê đứng vị trí thứ hai với 1,9 tỷ USD. Thủy sản đứng vị trí thứ ba với 1,86 tỷ USD. Tiếp đến là mặt hàng Gạo với 1,37 tỷ USD và Rau quả 1,23 tỷ USD.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD của ngành hoàn toàn trong tầm tay bởi thị trường chính ngạch tiếp tục được mở rộng với nhiều loại nông sản, đặc biệt là việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi,… Thêm nữa, giá những nông sản chủ lực của ta như cà phê, hồ tiêu, cao su, gạo,… luôn ở mức cao. Thứ ba, chất lượng nông sản tiếp tục áp sát yêu cầu theo chuẩn quốc tế. Thứ tư, vùng sản xuất hàng hóa được cấp mã số tiếp tục được mở rộng. Thứ năm, liên kết chuỗi ngành hàng được củng cố với niềm tin giữa các đối tác cùng tăng. Thứ sáu, sự vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ của các cơ quan chức năng đã hỗ trợ tốt trong mở cửa thị trường, định hướng sản xuất. Thứ bảy, nhiều thị trường trọng điểm đã hồi phục sức mua…

Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý một số vấn đề, nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh, kim ngạch một số ngành hàng quan trọng. Đó là vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên - những vùng trọng điểm cây ăn trái, cà phê, hồ tiêu. Biến đổi khí hậu khó lường đã ảnh hưởng tới vụ vải thiều ở vùng vải lớn nhất – Bắc Giang. Việc cạnh tranh ngày càng gay gắt về giá, chất lượng tại tất cả các thị trường do các nước nhập khẩu muốn đa dạng nguồn hàng ngày càng khốc liệt. Đâu đó, chất lượng nông sản của chúng ta chưa đảm bảo yêu cầu (vụ 30 lô hàng sầu riêng bị Trung Quốc xác định có hàm lượng kim loại nặng vượt ngưỡng) là cảnh báo cần nghiêm túc xem xét thấu đáo để xử lý triệt để

Để thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, làm tiền đề cho năm 2025 và về đích kế hoạch 5 năm 2020 – 2025, ngành nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh, xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng bền chặt, đẩy mạnh chế biến sâu, đồng thời với xây dựng thương hiệu, hình ảnh thân thiện và niềm tin với người tiêu dùng toàn cầu. Đây là xu hướng tất yếu.

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top