Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024 | 21:15

Yên Bái thúc đẩy phát triển lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, không để nông sản dư thừa và thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển, trong những năm qua, Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Từ vùng cây ăn quả có múi ở Văn Chấn

Từ chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 8 xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn vào những năm 2000, các xã vùng ngoài của huyện đã hình thành và xây dựng phát triển vùng cây ăn quả có múi, chủ yêu là cây cam mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển theo phong trào, chất lượng cây giống không đồng đều, công tác đầu tư chăm sóc hạn chế, vùng cam suy giảm cả diện tích và chất lượng…

Năm 2024, huyện Văn Chấn trồng mới, trồng cải tạo 100 ha cam, quýt, từng bước xây dựng vùng cây ăn quả chất lượng cao.

Thời kỳ hưng thịnh nhất ở vùng cây ăn quả có múi (chủ yếu là cam) thuộc các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn có diện tích trên 2.000 ha, sản lượng hàng chục ngàn tấn. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, lại có hàng chục ngôi nhà mới mọc lên, ô tô, xe máy theo đó cũng nhiều thêm và biết bao con em người dân vốn lam lũ nơi ruộng đồng đã được học hành, đỗ đạt cao. 

Vùng thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Minh An, Thượng Bằng La, Bình Thuận, Tân Thịnh cứ bước chân ra ngõ là gặp triệu phú và đã hình thành cả làng triệu phú giầu có từ trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, vùng cây ăn quả có múi ở 8 xã vùng ngoài bắt đầu suy giảm nghiêm trọng cả về diện tích, chất lượng và sản lượng, người trồng cây đứng ngồi không yên. Theo thống kê, đến hết tháng 3/2024, toàn huyện còn 1.600 ha cây ăn quả, trong đó có 1.300 ha cam, quýt, 150 ha bưởi, 150 ha chanh, sản lượng đạt trên 11.000 tấn. 

Về chủng loại, giống cam chủ yếu là cam Đường Canh, CT36, CS1, cam V2, cam sành, cam Vinh..; giống bưởi da xanh, bưởi Diễn và chanh tứ mùa… Diện tích cây ăn quả chủ yếu trồng trên đất đồi thấp và đất bãi. 

Văn Chấn từng là địa phương đi đầu trong việc trồng và phát triển vùng cây ăn quả tập trung lớn tại các xã: Minh An, Thượng Bằng La, Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Cát Thịnh… Không chỉ trồng mà các địa phương còn hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn quả có múi. Tuy nhiên, diện tích trồng cây ăn quả chủ yếu dựa vào thế đất của mỗi hộ gia đình và trồng theo kinh nghiệm truyền thống, có không ít diện tích trồng theo phong trào, tự phát… Từ đó dẫn đến mức độ tập trung không cao, quá trình canh tác chưa tuân thủ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra chưa ổn định, người nông dân sản xuất phụ thuộc phần lớn vào các thương lái, làm ra sản phẩm nhưng lại không có quyền định giá sản phẩm của mình.

Nguy hiểm hơn, thiệt hại lớn hơn là từ năm 2016 trên một số diện tích cam của các hộ dân thuộc thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Minh An, Thượng Bằng La xuất hiện bệnh vàng lá thối rễ. Đến năm 2018, bệnh phát triển ngày một mạnh hơn, nhiều diện tích cam đã phải chặt bỏ chuyển đổi sang cây trồng khác. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay đã có gần 1.000 ha cam, quýt nhiễm bệnh gây chết cây và một số diện tích không có khả năng thu hoạch. 

Khi cây cam, quýt xuất hiện sâu bệnh, huyện Văn Chấn và ngành nông nghiệp cũng có không ít đề tài nghiên cứu nguyên nhân và biện pháp phòng trừ nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Diện tích cam, quýt mắc bệnh vẫn xảy ra và mỗi năm hàng trăm héc-ta vẫn bị chặt bỏ gây thiệt hại kinh tế vô cùng lớn cho người nông dân nơi đây. Để bám lấy nghề, nhiều hộ dân đã chủ động đầu tư mua giống trồng lại trên diện tích cam bị chết bằng giống cam CS1, cam Đường Canh, cam Vinh… Tuy nhiên, giống chủ yếu mua của các nhà vườn ở Hưng Yên, Hà Nội nguồn gốc không rõ ràng, sau trồng 2 - 3 năm vẫn xảy ra tình trạng bị bệnh rồi chết. Chỉ duy nhất có diện tích trồng mới của Hợp tác xã trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận với 70 ha cam Đường canh sản xuất theo quy trình VietGAP thì cây sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng hàng năm đạt trên 1.000 tấn. Một số diện tích nhân dân các xã chủ động chuyển đổi sang trồng hồng xiêm, na, xoài…

Trước thực trạng đó, ngay trong những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4/2024, các ban, ngành của tỉnh và huyện Văn Chấn đã vào cuộc giải cứu vùng cam bằng những cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…; hỗ trợ trồng mới, trồng cải tạo lại diện tích cam có chất lượng với quy mô phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, mở rộng sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân. 

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Việc đẩy mạnh đầu tư theo hướng phát triển bền vững, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho từng vùng của huyện, hình thành mô hình tiêu biểu, có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của địa phương để phát triển nhân rộng; thu hút nguồn lực đầu tư trong nhân dân để hình thành vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao”. 

Diện tích trồng mới, trồng cải tạo năm 2024 này là 100 ha trên địa bàn các xã: Tân Thịnh, Đại Lịch, Bình Thuận, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú. Hỗ trợ cho các hộ gia đình, thành viên tổ hợp tác tham gia trồng mới, trồng cải tạo lại cây cam với diện tích từ 0,5 ha/hộ trở lên; mức hỗ trợ 30.000 đồng/cây giống; mật độ trồng cam đạt 525 cây/ha (bao gồm 5% cây trồng dặm) tương đương với khoảng cách cây cách cây 4 m, hàng cách hàng 5 m. Hỗ trợ giống cây ghép có đường kính gốc từ 1,2 - 1,5 cm, chiều cao trung bình từ 1 - 1,2 m trở lên, có 2 - 3 cành cấp một. 

Giống đảm bảo sạch bệnh, có nguồn gốc và lý lịch rõ ràng, cơ sở sản xuất và cung ứng giống được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ưu tiên sử dụng giống phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu đã được chứng minh qua sản xuất như giống cam V2, CS1, cam Đường Canh... Tổng vốn đầu tư từ giống, phân bón, công… là trên 11 tỷ đồng. 

Chủ trương, giải pháp cải tạo vùng cây ăn quả có múi là rất phù hợp, cần có sự vào cuộc tích cực của người dân trong quá trình triển khai sản xuất, cũng như cùng các cấp giám sát trong quá trình thực hiện, chắc chắn sẽ xây dựng và phục hồi lại vùng cây ăn quả có múi chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản 5,55%

Năm 2023, tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Yên Bái tăng 5,29%, nằm trong top 10 toàn quốc và đứng thứ 3 trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đóng góp quan trọng tăng trưởng GRDP toàn tỉnh.

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Đó là kết quả của việc tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, hướng đến nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của nông sản.

Hết năm 2023, các chỉ tiêu chính của ngành nông nghiệp đều hoàn thành, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra như: tổng sản lượng lương thực có hạt vượt 2,6% kế hoạch; tổng đàn gia súc chính tăng 21,4% so với cùng kỳ; trồng rừng vượt 3,6% kế hoạch; sản lượng thuỷ sản đạt đạt 100,6% kế hoạch; duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%… 

Các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều. Ngành Nông nghiệp đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp; kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng chỉ hành nghề cho các cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Cơ giới hóa trong sản xuất đã được quan tâm áp dụng để nâng cao năng suất lao động...

Tỉnh đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thuỷ sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu. Các vùng sản xuất hàng hóa phát triển ổn định mang lại những giá trị kinh tế cao cho người dân.

Năm 2024, để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản 5,55%; cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 21% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của Trung ương, của tỉnh; đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã; thu hút các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị…

Thu hút 20 dự án chế biến nông lâm, thủy sản

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, không để nông sản dư thừa và thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển, trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Như dự án đầu tư Nhà máy sản xuất ván ghép thanh có công suất tương đương 36.000m3/năm, sản xuất viên nén gỗ công suất 60.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát; Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất 5.000 tấn/năm, sản phẩm viên nén nhiên liệu 100.000 tấn/năm của Công ty TNHH chế biến gỗ Mai Lâm Yên Bái; Nhà máy chế biến măng Yamazaki Việt Nam có công suất 500 tấn măng muối lên men và 150 tấn măng khô/năm...

Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã từng bước cơ cấu lại và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng nguyên liệu; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ FSC; thâm canh tăng năng suất và chất lượng các sản phẩm chè, cam, sắn, quế, măng tre... tạo nguồn nguyên liệu ổn định. 

Đồng thời, tỉnh thu hút và hoàn thành đầu tư một số nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao, sản xuất một số sản phẩm mới tơ tằm, viên nén gỗ). Một số doanh nghiệp chủ động trong đầu tư cải tạo dây chuyền sản xuất, nâng cao được sản lượng, chất lượng sản phẩm sản xuất một số sản phẩm chủ lực theo mô hình liên kết chuỗi: chè, quế, măng tre, gỗ, dược liệu, dâu tơ tằm, sơn tra… tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động công nghiệp, phát triển các vùng nguyên liệu trong nông thôn tạo việc làm, thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương.

 

Theo baoyenbai.com.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top