Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 10 năm 2016 | 12:29

Agribank chung tay giải quyết “bài toán hóc búa” Bảo hiểm nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam với trên 70% dân số nước ta gắn bó với nông nghiệp. Tuy nhiên lĩnh vực này luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại hàng năm vào khoảng 1,5% GDP. Trước thực trạng đó, Đảng, Chính phủ và đông đảo người dân rất quan tâm vấn đề bảo hiểm cho nông nghiệp.

Là người bạn thủy chung với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhiều năm nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã cùng với Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) tham gia mạnh mẽ trong công tác Bảo hiểm nông nghiệp để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm đời sống người dân vùng nông thôn và an sinh xã hội.

Bảo hiểm nông nghiệp - chỗ dựa vững chắc cho người nông dân

Là nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đối tượng bảo hiểm của Bảo hiểm nông nghiệp là các rủi ro phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp như rủi ro gắn liền với cây trồng, vật nuôi, vật tư, hàng hóa, nguyên vật liệu, nhà xưởng… Bảo hiểm nông nghiệp là công cụ tài chính cần thiết và cấp bách, góp phần quan trọng duy trì sự phát triển ổn định của sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nguồn lực tài chính và đảm bảo an sinh xã hội. Nói một cách khác thì Bảo hiểm nông nghiệp chính là điểm tựa cho người nông dân mỗi khi họ gặp thiên tai, thảm họa, biến động giá cả của thị trường thế giới v.v…

Với những ảnh hưởng sâu rộng của Bảo hiểm nông nghiệp, loại hình bảo hiểm này đã được các nước trên thế giới và khu vực triển khai từ lâu, dưới nhiều hình thức khác nhau và khá thành công tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Ethiopia, Mỹ, Canađa, Tây Ban Nha v.v… Tuy nhiên, với tính chất khó khăn, phức tạp của Bảo hiểm nông nghiệp nên Chính phủ ở nhiều nước đã phải đứng ra can thiệp hỗ trợ cho lĩnh vực này. Với các nước phát triển như Canađa, Mỹ, Tây Ban Nha, con số tài trợ từ các nguồn tài chính công chiếm 40% số tiền chi trả cho thiệt hại.

“Bài toán hóc búa” đối với Việt Nam

Để thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Đảng “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đồng thời nhanh chóng triển khai hiệu quả Nghị định 55/2015/NĐ-CP về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nông dân từ chính sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi nhanh chóng và sâu sắc bộ mặt nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, triển khai Bảo hiểm nông nghiệp là chủ trương phù hợp góp phần ổn định phát triển nông nghiệp - lĩnh vực được coi là “bản lề” trong chính sách tăng trưởng ổn định, bền vững kinh tế của nước ta, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Một điều dễ nhận thấy rõ nhất, người dân Việt Nam chưa hiểu biết nhiều về Bảo hiểm nông nghiệp, chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích do loại hình bảo hiểm này đem lại. Mặt khác, do đặc thù về khí hậu và địa lý của nước ta, thiên tai thường tập trung vào một số khu vực dẫn tới việc chỉ những người dân vùng hay bị thiên tai mới muốn tham gia Bảo hiểm nông nghiệp, ngược lại nơi ít thiên tai thì không muốn tham gia. Một lý do khác đó là tài chính của người nông dân không dư dả, thậm chí còn rất khó khăn nên việc bỏ ra một khoản tiền để tham gia Bảo hiểm nông nghiệp cũng ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của họ, khiến họ cũng cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Đó là những lý do khiến cho Bảo hiểm nông nghiệp khó thành công nếu như Nhà nước không đứng ra hỗ trợ.

Trên thực tế, Bảo hiểm nông nghiệp đã được một số doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm từ những năm 1980- 1990, như Bảo Việt triển khai thí điểm bảo hiểm một số vật nuôi và cây trồng (bò sữa, lúa) tại Nam Định, Hà Tĩnh. Groupama Việt Nam (doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn của Pháp) đã từng triển khai thí điểm bảo hiểm đối với vật nuôi (bò, lợn) ở Tây Nam bộ nhưng tất cả đều chưa thành công.

Với những lý do trên, Bảo hiểm nông nghiệp được ví như một “bài toán hóc búa” mà lời giải chính là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và sự góp sức của các cơ quan ban ngành, các tổ chức tài chính- ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và tất nhiên là không thể thiếu sự tham gia của đông đảo người dân.

Thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp – con đường còn nhiều gian nan

Trong Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020” của Bộ Công Thương được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010, Bảo hiểm nông nghiệp sẽ được thực hiện thí điểm ở một số khu vực và cho một số loại nông, thủy sản… Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp được tham gia vào chương trình thí điểm này.

Ngày 01/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 315/QÐ-TTg về việc thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 tại 20 tỉnh trên toàn quốc. Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến nay, có 304.017 hộ nông dân tham gia bảo hiểm, trong đó số hộ nghèo là 233.361 hộ (chiếm 76,8%), hộ cận nghèo 45.944 hộ (chiếm 15,1%), hộ thường 24.711 hộ (chiếm 8,1 %); có 1 tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm. Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng (trong đó giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm vật nuôi 2.713,2 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm thủy sản 2.883,7 tỷ đồng). Số tiền bồi thường là 712,9 tỷ đồng; doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mặc dù hệ thống chính sách để triển khai bảo hiểm nông nghiệp tương đối đầy đủ (Bộ Tài chính ra 4 quyết định, 2 thông tư; Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành 2 thông tư hướng dẫn; UBND các tỉnh ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình trồng lúa, chăn nuôi, nuôi thủy sản phù hợp với đặc thù địa phương) nhưng quá trình triển khai bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, mới chỉ dừng lại mở mức thí điểm, tỷ lệ tái tham gia bảo hiểm thấp. Đơn cử như Hà Nội, một trong những địa phương thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên vật nuôi, đến thời điểm này, sau khi hết thời gian thí điểm, đồng nghĩa với việc hết hỗ trợ thì tỷ lệ hộ tham gia tái bảo hiểm hầu như rất ít, nếu như không muốn nói là chẳng còn ai.

Bảo an tín dụng – hy vọng của người nông dân

Ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống, trên cơ sở đã thực hiện thành công, ABIC tiếp tục hoàn thiện, mở rộng kênh phân phối Ngân hàng- Bảo hiểm (Bancassurance), góp phần phát triển mạnh hệ thống sản phẩm dịch vụ của Agribank. Sau 9 năm thành lập, ABIC đã triển khai thành công Bảo an tín dụng trên toàn quốc, sản phẩm này đã trở thành điểm tựa cho cả người nông dân và ngân hàng trong quá trình đưa đồng vốn đến với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. ABIC đã mang lại lợi ích cho một bộ phận không nhỏ khách hàng; đặc biệt là các tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và hộ nông dân sinh sống, hoạt động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn...

Tại Agribank, khách hàng vừa được tư vấn tiếp cận nguồn vốn, vừa được tư vấn tham gia bảo hiểm cho chính mình và cho chính khoản vay của mình đối với ngân hàng. Qua đó tạo được sự yên tâm về tinh thần cho người được bảo hiểm vì luôn có nguồn tài chính cần thiết để đối phó với những rủi ro trong cuộc sống; giảm được gánh nặng nợ nần của người thân hoặc không bị thanh lý tài sản khi rủi ro xảy ra, trong khi Agribank sẽ giảm được các khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi.

Đến nay, ABIC đã đạt được những thành công đáng khích lệ, như tăng trưởng cao về doanh thu qua các năm, các chi tiêu tài chính đều đạt và vượt kế hoạch. ABIC đã xây dựng được tổ chức bộ máy khắp toàn quốc và đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam. ABIC đã được Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm – Bộ Tài chính xếp vào nhóm Doanh nghiệp loại 1A. Năm 2016, được Công ty Cổ phần báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) xếp vào nhóm 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam.

Do tính chất phức tạp của loại hình bảo hiểm này đã khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phải tiếp tục “nghe ngóng” chờ cơ chế, chính sách cụ thể của Nhà nước, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính…,. Mạnh dạn tham gia giải quyết “bài toán hóc búa” Bảo hiểm nông nghiệp là minh chứng cụ thể việc Agribank tiếp tục khẳng định vai trò luôn là người bạn thủy chung của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Qua đây cũng thể hiện trách nhiệm của một Định chế tài chính lớn của Agribank trong quá trình tham gia vào thị trường Bảo hiểm nông nghiệp, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của đông đảo người dân đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm đời sống người dân vùng nông thôn và an sinh xã hội.

PV

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top