Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2019 | 13:24

Bài học về sự phát triển nóng nhiều loại cây trồng - vật nuôi

Không ít bài học xương máu về phát triển “nóng” phải trả giá đắt, nhưng việc tự phát mở rộng diện tích cây trồng ngoài quy hoạch tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương.

Việc trồng và canh tác, nuôi trồng các loại cây như cà phê, hồ tiêu, cam,  mắc ca, cao su, chăn nuôi gà… vượt quy hoạch đã gây nên nhiều hệ lụy.

Đây là căn nguyên tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nguồn cung nông sản vượt cầu, sản phẩm dư thừa, nông dân thiệt hại lớn về kinh tế, cạn kiệt tài nguyên đất, nước..., ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.

 

tr6.jpg

Diện tích hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên vượt xa so với quy hoạch và định hướng chung của ngành nông nghiệp. Ảnh: Lê Huy Hải

 

Kỳ 1:  Tự phát “vượt rào quy hoạch”

Việc phát triển quá “nóng” một số loại cây trồng, nông sản không chỉ phá vỡ quy hoạch cây trồng và mà còn để lại nhiều hệ lụy như dịch bệnh, giá cả xuống thấp, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái...

Những hệ lụy nói trên tạo ra nhiều thách thức ảnh hưởng đến sản xuất bền vững, làm mất niềm tin của người sản xuất.

“Vỡ trận” bài toán quy hoạch

Hiện, Tây Nguyên có diện tích canh tác hồ tiêu lớn nhất nước, ước gần 100.000ha; trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có diện lớn nhất với hơn 38.600ha, kế đến là Đắk Nông hơn 36.000ha, Gia Lai hơn 16.000ha... Ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên, đến nay, diện tích hồ tiêu đều vượt xa so với quy hoạch và định hướng chung của ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết, cách đây khoảng 5 năm, giá cả hồ tiêu tăng cao, ở mức trên 200.000 đồng/kg nên diện tích tiêu phát triển nóng ở nhiều nơi, kể cả về trồng tập trung lẫn trồng xen trong vườn cây cà phê.

Thống kê đến năm 2018, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước với hơn 38.000ha, sản lượng hơn 60.000 tấn; chiếm hơn 25% về diện tích và hơn 30% về sản lượng tiêu của cả nước. Chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018, diện tích hồ tiêu ở Đắk Lắk đã tăng thêm hơn 17.200ha.

Thời gian qua, các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển cây tiêu chủ yếu chạy theo giá cả thị trường nên dẫn đến tăng trưởng “nóng”.

“So với định hướng quy hoạch diện tích cây hồ tiêu đến 2020 là 17.800ha, sản lượng 43.700 tấn và đến năm 2030 diện tích tiêu toàn tỉnh đạt 19.000 ha, sản lượng đạt 48.200 tấn thì hiện nay diện tích hồ tiêu đã tăng gấp đôi, phá vỡ quy hoạch cây trồng chung của tỉnh”, ông Dương cho biết.

So với các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Nông là địa phương phát triển hồ tiêu muộn hơn và có diện tích tập trung với sản lượng lớn hơn. Diện tích hồ tiêu tại Đắk Nông liên tục tăng mạnh trong các năm qua và có thời điểm dẫn đầu cả Tây Nguyên.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, hồ tiêu hiện nay vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh. Diện tích, sản lượng hồ tiêu tăng liên tục trong các năm gần đây. Năm 2014, diện tích hồ tiêu trên địa bàn chỉ gần 14.000ha thì đến năm 2018  tăng lên hơn 36.000ha, tức hơn 2,5 lần. Sản lượng ước đạt gần 46.000 tấn. Con số 36.000 ha hồ tiêu tại Đắk Nông đã vượt xa quy hoạch của tỉnh.

Nhiều vạt đất bazan được thực bì rừng nguyên sinh tích tụ làm cho màu mỡ cả ngàn năm nay đang bị biến thành đất trồng tiêu. Nhiều khu vực, nhất là tại các huyện Đắk Song, Tuy Đức, việc trồng tiêu được nhiều nông dân ví là dễ như trồng… khoai lang.

Nhiều hộ dân chỉ cần lấn chiếm đất rừng, lấy chính cây rừng làm cọc tiêu và “giâm” vào đó vài nhánh tiêu giống, các vấn đề phân bón, nước tưới hầu như không cần phải bận tâm. Không dừng lại ở đó, lợi nhuận hấp dẫn từ hồ tiêu khiến nhiều nông dân trồng tiêu ở cả những khu vực không phù hợp về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Kết quả là tình trạng khô hạn, dịch bệnh tràn lan tại nhiều khu vực.

Tại tỉnh Gia Lai, sau khi trừ khoảng 5.500 ha hồ tiêu bị chết, diện tích còn lại đang canh tác khoảng 12.000 ha, cũng vượt gấp 2 lần quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT. “Do đó, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề và định hướng phát triển hồ tiêu theo hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững”, ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai cho biết.

Cũng từ câu chuyện tăng trưởng “nóng”, cách đây hơn 1 năm, mắc ca được tỉnh Đắk Nông nói chung và huyện Tuy Đức nói riêng xem là cây xóa đói giảm nghèo. Nhằm thực hiện mục đích này, năm 2014, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông đã cho triển khai trồng loại cây này. Riêng huyện Tuy Đức, đến thời điểm này, đã có gần 700ha mắc ca. Tuy nhiên, hiệu quả từ loại cây này chưa thấy đâu, nhưng người dân đã bắt đầu lo lắng.

Hay mới đây là mô hình chăn nuôi gà phát triển đột biến, việc mở rộng chăn nuôi ồ ạt với kỳ vọng sẽ bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi, cộng với nguồn thịt gà nhập khẩu khó kiểm soát đã khiến giá gà  giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Với mức giá này, người chăn nuôi lỗ khoảng 50%, khiến nông dân dở khóc dở cười khi “giá gà rẻ hơn giá rau”.

Khuyến khích nuôi - trồng mà “quên” tính… đầu ra

Ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ra nhiều tỉnh, thành phố, tổng đàn lợn giảm mạnh, trước nguy cơ thiếu thịt đang hiện hữu, Bộ Nông nghiệp và PTNT có chủ trương khuyến khích người dân chuyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm, gia súc lớn (trâu, bò). Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tổng đàn gia cầm tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2019.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tổng đàn gia cầm của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Ở những vùng chăn nuôi lớn, số lượng đàn gà tăng đột biến.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện tổng đàn gà của tỉnh đạt 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so với cuối năm 2018. Đó là chưa kể đàn cút 6,6 triệu con, đàn vịt, ngan gần 1,2 triệu con.

“Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tăng mạnh do thời gian qua người nuôi heo bỏ nghề chuyển sang nuôi gia cầm rất nhiều. Dự báo sẽ thiếu thịt lợn trong thời gian tới do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi đã khiến ngành chăn nuôi gia cầm hút thêm nhiều dự án đầu tư khiến tổng đàn tăng rất mạnh. Cộng với lượng thịt gà nhập khẩu tương đối lớn đã khiến giá gà giảm liên tục”, ông Đoán nói.

Trong khi người chăn nuôi trong nước đang lao đao vì giá gà giảm thì mỗi ngày lượng gà nhập với giá rẻ vẫn tung hoành khắp thị trường. Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho thấy, từ năm 2016 – 2018, bình quân chúng ta nhập khoảng 85.000 – 128.000 tấn thịt gia cầm với kim ngạch nhập khẩu 80 – 116 triệu USD; nhưng chỉ tính riêng 7 tháng năm 2019, lượng thịt gia cầm nhập khẩu đã lên đến 87.800 tấn,  kim ngạch 78,6 triệu USD, bằng cả những năm trước cộng lại.

“Điều đáng buồn là, chăn nuôi trong nước luôn đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc thì những loại gà nhập này lại không đòi hỏi truy xuất nguồn gốc, giá vô cùng rẻ. Điều này không công bằng cho người chăn nuôi”, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, với việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, thủy sản, gia cầm, dự báo lượng thực phẩm được cung cấp trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu của xã hội và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ ở mức chúng ta chấp nhận được.

Nhưng rõ ràng, việc khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi mà không tính đến thị trường, không kiểm soát chặt nguồn thịt nhập khẩu đã cho thấy những hệ quả ngay trước mắt, mà nông dân là người phải gánh chịu.

Những bài học đắt giá

Có thể thấy, việc phát triển các loại cây trồng không theo quy hoạch đã để lại những bài học nhãn tiền. Điển hình cho tình trạng này là việc phải giải cứu dưa hấu, chuối...  Không chỉ rủi ro về thị trường, việc phát triển ồ ạt cây ăn quả không theo quy hoạch có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh. Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Giang đã từng xuất hiện bệnh vàng lá với cây có múi như cam, quýt hoặc bệnh lá nhỏ…, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái cây.

Thực tế, việc nông dân tự ý mở rộng diện tích các loại cây trồng, vượt rào quy hoạch sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Khi quy hoạch bị phá vỡ, diện tích nhân rộng một cách ồ ạt sẽ dẫn đến hậu quả trước mắt là sản lượng tăng đột biến, sản phẩm có nguy cơ rơi vào tình trạng ứ đọng, bị ép giá, không tiêu thụ được. Và điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng”  tái diễn mà không có hồi kết. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc những năm qua Nhà nước và nhiều cấp, ngành, tổ chức đã phải tiến hành “giải cứu” các loại nông sản.

Ngoài ra, việc tự ý mở rộng các loại cây trồng còn làm mất thương hiệu cho các sản phẩm mang tính chủ lực, được quy hoạch sản xuất. Cụ thể như cam Cao Phong (Hòa Bình) vốn là sản phẩm có thương hiệu, được người tiêu dùng cả nước tin tưởng, tuy nhiên, nhiều địa phương thuộc 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh nông dân tự ý phá bỏ vải trồng cam khiến chất lượng giống cam này kém đi, khi tiêu thụ trên thị trường, thương lái lại mượn mác cam Cao Phong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu sản phẩm.

 

Kỳ 2: Định hướng thị trường, phát triển bền vững

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top