Những năm trước, cuộc sống của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) chủ yếu dựa vào chăn nuôi bò và trồng trọt, thời vụ sản xuất phụ thuộc vào thời tiết và canh tác lúa theo tập quán. Nhưng nay, bà con đã tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành nhiều mô hình kinh tế mới.
Đồng bào Khmer xã An Hảo tích nước để trồng trọt mùa khô.
Những điểm sáng phum, sóc
Nhắc đến vùng Bảy Núi, người ta nhớ ngay đến “Chương trình điểm sáng An Giang”, ai cũng coi chương trình này như “bước khởi sự” huấn luyện và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phục vụ sản xuất và đời sống đồng bào Khmer.
Ông Chau Kim Sêng, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang kể, khi chương trình triển khai, bà con mới biết đến phương pháp canh tác lúa ngắn ngày, trồng rau màu và chăn nuôi (chủ yếu nuôi bò) đạt hiệu quả. “Đây là bước tiến bộ, giúp đồng bào thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi”, ông Sêng nói. Bấy giờ, chương trình do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam khởi xướng, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.
Khi tổ chức điểm trình diễn trồng cây đậu xanh và nuôi bò lai tại các xã Ô Lâm, Lê Trì (huyện Tri Tôn) và An Hảo, Tân Lợi (huyện Tịnh Biên), đồng bào Khmer nhiệt tình đón nhận, rồi mạnh dạn ứng dụng. Điển hình như ấp Mằng Rò (xã Văn Giáo) xuất hiện mô hình “cho nuôi bò rẽ” của ông Chau Siêm, chuyên giúp người nghèo địa phương. “Hồi còn làm Bí thư Đảng ủy xã, tôi khuyến khích nhân rộng mô hình, đàn bò của ông Siêm có lúc lên tới 100 - 200 con. Nhờ vậy, người nghèo trong phum, sóc có công ăn việc làm, xóa được hộ đói, giảm được hộ nghèo”, ông Lê Văn Hạnh, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tịnh Biên, nhớ lại. Sau này, mô hình lồng ghép vào Chương trình Heifer của Đại học Cần Thơ, tiếp tục phát huy hiệu quả.
Nằm trong khuôn khổ thí điểm, xã Lê Trì được đầu tư giống bò Zebu và Sind, hướng dẫn chăm sóc khoa học và phương pháp thụ tinh nhân tạo. Các thành viên tham gia từng giành giải “Bàn tay vàng” của Chương trình Heifer. Đối với anh Chau Sát (ấp Trung An), đây không chỉ là vinh dự của người chăn nuôi mà còn là ấn tượng khó phai khi gia đình trở nên khá - giàu, nhiều năm liền được tỉnh công nhận là “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. “Cuộc sống của bà con đa số còn khó khăn, đâu có tiền mua bò giống. Với cách làm phù hợp nên mọi người đồng tình rất cao”, anh Sát nói.
Ngày càng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả
Theo anh Chau Chanh Đa, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo (huyện Tịnh Biên), việc tập huấn, dạy nghề và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tối đa vùng đồi núi và khu vực đất gò cao. Chẳng hạn như Chau Ny (ấp An Lợi), sau khi tiếp cận chương trình khuyến nông, khuyến lâm đã mạnh dạn lập vườn đồi, vườn rừng, thu hút du khách tham quan núi Cấm, mỗi năm có thu trên 100 triệu đồng.
Còn anh Chau Rên (ấp An Thạnh) sản xuất “2 vụ màu - 1 vụ lúa” trên đất gò, vừa tăng thu nhập, vừa tạo thêm việc làm cho người lao động.
Ông Mao Oanh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Soài Chếk, cho biết, nhờ tiếp cận tiến bộ kỹ thuật nên Chau Pho La làm ăn luôn hiệu quả, từ hộ khó khăn trở nên khá - giàu. “Mô hình của Chau Pho La chủ yếu là trồng rau dưa, đậu xanh, đậu phộng (lạc)…, thích hợp với vùng đất pha cát, năng suất khá cao. Anh La còn tận dụng phụ phẩm trồng trọt để chăn nuôi, đảm bảo thức ăn xanh giữa mùa khô hạn”, ông Oanh nhận xét.
Thu hoạch đậu xanh trên đất núi ở xã Châu Lăng.
Tại xã An Cư (huyện Tịnh Biên) còn có ông Chau Chhiêng (ấp Chơn Kô) nuôi bò lai Sind, nguồn thức ăn tận dụng từ vỏ và thân cây bắp, vừa tiết kiệm, vừa khắc phục được việc thiếu đồng cỏ chăn thả. “Cây bắp dễ trồng, bán chạy, lợi nhuận khá. So với các cây ngắn ngày khác, bắp thu lợi được nhiều thứ”, ông Chhiêng phấn khởi.
Trên địa bàn Tri Tôn có 8 xã, thị trấn thuộc khu vực miền núi và là vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Theo ông Trần Nam Dương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thông qua chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã lan tỏa, xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú người Kinh và Khmer trong các phum, sóc. “Tập quán sản xuất và đời sống của đồng bào đã thay đổi, có nhiều tiến bộ hơn trước. Việc trồng trọt cũng đa dạng, đưa các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày vào trồng, cho thu nhập khá. Bây giờ đất đai ở miền núi, khu vực gò cao đều được đồng bào Khmer khai thác, sản xuất liền vụ, không bỏ đất trống như trước kia”, ông Dương nói.
Ứng phó thời tiết bất lợi
Toàn vùng Bảy Núi có trên 7.500ha đất gò cao và ven triền núi, do đồng bào Khmer canh tác. Sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư trạm bơm điện 3-2 (huyện Tịnh Biên) và các trạm bơm Châu Lăng, Lê Trì, Lương Phi, An Tức (huyện Tri Tôn), khoảng 3.500ha đã có nước tưới, còn trên 4.000ha phải “chờ hứng nước trời”. Vấn đề thủy lợi vùng cao đang được các ngành, các cấp ở An Giang tiếp tục tháo gỡ.
Theo ông Chau Chhuôn (ấp An Lợi, xã Châu Lăng), tùy theo khu vực, trước mắt nông dân có thể sản xuất 2 vụ lúa ngắn ngày + 1 vụ rau màu hoặc 2 vụ rau màu + 1 vụ lúa ngắn ngày, cho hiệu quả tốt.
Bản thân ông Chau Chhuôn cũng áp dụng mô hình này trên 10 công (1 công = 1.000m2) đất lúa 2 vụ, riêng 1,5 công đất núi ông trồng dưa gang, thu được 18 triệu đồng/vụ. “Kết quả này có được sau khi tôi tham gia lớp tập huấn “Gieo trồng đa dạng - Thu hoạch an toàn thích ứng biến đổi khí hậu” do Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL và Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức”, ông khoe. Ngoài ra, ông Chau Chhuôn còn tham gia chương trình khuyến nông có sự tham gia - PAEX và sinh hoạt trong câu lạc bộ nông dân.
Cuối tháng 12, đồng bào Khmer Bảy Núi thu hoạch xong cây lúa ngắn ngày, hay còn gọi cây lúa… hứng nước trời. Tranh thủ mặt đất độ ẩm còn tốt, bà con gieo rau màu các loại, đậu xanh, đậu phộng, mè, khoai lang, khoai mì để thu hoạch trước cao điểm mùa khô. “Đối với khu vực không có nước tưới, bà con cố gắng sản xuất, tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo việc làm, mà đất đai cũng không bị bỏ hoang”, ông Chau Sa Im (ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm) nói rõ hơn.
Trước diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, đồng bào Khmer đã thay đổi phương thức canh tác, áp dụng các mô hình để thích nghi, ứng phó hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
“An Giang hiện có 2.749 cá nhân người Khmer đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi”, với mức thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/người/năm. Các xã, thị trấn ở 2 miền núi huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đều có câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác trồng trọt và chăn nuôi”, ông Châu Văn Ly, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang, cho biết. |
Phan Trọng Ân
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.