Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 8 năm 2021 | 2:56

“Bờ xôi, ruộng mật” bị bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích

Trước tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, hệ thống kênh mương bị xuống cấp, đất nông nghiệp không thể sản xuất do ảnh hưởng từ các dự án đã quy hoạch, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của người dân…

Việc, lựa chọn khôi phục sản xuất hay thu hồi diện tích đất nông nghiệp đang trở thành thách thức lớn trong việc phát triển đô thị của địa phương. Bên cạnh đó, còn xuất hiện ngày càng nhiều diện tích đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích, tự ý xây dựng nhiều hạng mục công trình trái phép, để xử lý được những vấn đề này vẫn là một bài toán không đơn giản đối với các cấp chính quyền địa phương hiện nay.
 
 “Bờ xôi, ruộng mật” bị bỏ hoang
 
Cánh đồng tại thôn Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) từng là “bờ xôi ruộng mật” đối với những người nông dân, nhưng đã bị bỏ hoang hơn 7 năm qua. “Nghe nói để làm dự án gì đó, nhưng đến nay, vẫn chưa thấy thực hiện”, ông N – người dân thôn Quang Châu nhìn đồng ruộng, thở dài tiếc nuối.
Được biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 38 ha đất nông nghiệp không thể sản xuất được từ nhiều năm qua, mà nguyên nhân chủ yếu là do các dự án chậm triển khai. Chỉ riêng xã Hòa Châu có 6 dự án bị “treo”.
 
Một diện tích lớn đất nông nghiệp trên địa bàn xã Hòa Châu rơi vào tình trạng hoang hóa, không thể canh tác, sản xuất, khiến đời sống của hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho thấy, tổng diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được trên địa bàn Thành phố hiện là 348,44 ha. Trong đó, diện tích nằm trong dự án quy hoạch hơn 276 ha; diện tích nằm ngoài quy hoạch trên 72 ha.
 
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho biết, diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được chủ yếu tập trung ở các quận, huyện như Hòa Vang (193,62 ha); Ngũ Hành Sơn (gần 62 ha); Cẩm Lệ (hơn 57 ha); Liên Chiểu (gần 37 ha). Nguyên nhân chính khiến hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp phải bỏ hoang là do ảnh hưởng từ các dự án, tuyến kênh mương bị bồi lấp, nhiều khu ruộng bị nước thải khu dân cư xả ra gây ô nhiễm…
 
Đất nông nghiệp bị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, mà hàng năm TP Đà Nẵng phải chi một khoản không nhỏ để hỗ trợ người nông dân. Được biết, từ năm 2014, TP Đà Nẵng đã phải hỗ trợ người dân với mức 3.000 đồng/m2 đất nông nghiệp, riêng xã Hòa Châu mỗi năm phải hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho người dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
 
Được biết, TP Đà Nẵng đã quyết định chi gần 4 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ dân có đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng bởi việc thi công các dự án trong năm 2019, với diện tích là 145,59 ha.
 
Bỏ hoang đất nông nghiệp cũng đang trở thành thách thức cho việc phát triển đô thị ở Đà Nẵng. Lựa chọn khôi phục sản xuất hay thu hồi diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang là bài toán không đơn giản đối với các cấp chính quyền TP Đà Nẵng hiện nay.
 
Để giải quyết tình trạng này, huyện Hòa Vang, địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhất của Đà Nẵng đề xuất, đối với đất nông nghiệp không sản xuất được nằm ngoài quy hoạch, thì tiến hành khôi phục sản xuất đất nông nghiệp đối với khoảng 4,08 ha và quy hoạch dự án 60,96 ha.
cánh-đồng-bị-bỏ-hoang-tại-huyện-hòa-vang-tp-đà-nẵng.jpg
Cánh đồng bị bỏ hoang tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Ngoài ra, UBND huyện Hòa Vang đề xuất điều chỉnh mục đích quy hoạch khu đất dự trữ ven sông phía Bắc Khu E - Khu tái định cư Nam cầu Cẩm Lệ thành dự án quy hoạch mới vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ đô thị để kêu gọi đầu tư, với diện tích 7,57 ha.
 
Với hơn 276 ha đất nông nghiệp không sản xuất được nằm trong quy hoạch dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho biết, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng đang lập đề án để xử lý. Còn với đất nông nghiệp không sản xuất được nằm ngoài quy hoạch (diện tích hơn 72 ha) thì đề xuất khôi phục sản xuất 13,39 ha; diện tích các khu đất không khôi phục được đề nghị nghiên cứu quy hoạch là 58,67 ha…
 
Ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng), cho biết, do Thành phố đang trong quá trình đô thị hóa, nên diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được thường xuyên biến động; nhiều dự án treo kéo dài cũng ảnh hưởng của sự biến động diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang.
 
“Bỏ hoang đất nông nghiệp là rất lãng phí. Vì vậy, cần rà soát lại quy hoạch để có hướng xử lý hợp lý đối đất nông nghiệp bị bỏ hoang trong dự án; còn đối với đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngoài quy hoạch, cần làm rõ cơ sở pháp lý để thu hồi. Thành phố đang xây dựng giải pháp cụ thể để giải quyết việc này”, ông Cường nói.

Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do hệ thống kênh tưới xuống cấp

Trong khi, toàn xã Sơn Châu (Hương Sơn – Hà Tĩnh) có hệ thống kênh các cấp với chiều dài hơn 12km, phục vụ tưới tiêu cho 199 ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống kênh mương trên địa bàn hầu hết đã xuống cấp, nhiều đoạn không phát huy tác dụng, dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cụ thể, sau trận mưa lớn gần đây, tuyến kênh tại thôn Tháp Sơn bị đổ sập, đất đá vùi lấp với chiều dài khoảng 15m làm tắc nghẽn dòng chảy. Đây là tuyến kênh cấp 2, phục vụ tưới tiêu cho gần 25 ha lúa của một số thôn trên địa bàn xã. Trong khi đó, lúa hè thu đang vào kỳ trổ bông rất cần nước tưới để sinh trưởng.

Bà Vũ Thị Tâm - Bí thư Chi bộ thôn Tháp Sơn cho biết: Do xây dựng lâu năm, trải qua nhiều trận mưa lũ nên tuyến kênh trên địa bàn thôn đã xuống cấp. Người dân trong thôn đã nhiều lần bỏ tiền ra sửa chữa nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Chỉ một vài trận mưa lại hư hỏng, không đảm bảo cho việc tưới tiêu.

“Nhà tôi hiện có 2 sào lúa hè thu đang vào kỳ trổ bông nhưng tuyến kênh vừa bị sập, nước không thể đến chân ruộng. Đây cũng là tình trạng chung mà gần 20 ha diện tích lúa ở sau kênh bị hư hỏng đang gặp phải” – bà Tâm lo lắng.

 

ht1.jpg

 

ht.jpg
Đây là tuyến kênh cấp 2, phục vụ tưới tiêu cho gần 25 ha lúa của một số thôn trên địa bàn xã (Ảnh/Nguồn: Báo Hà Tĩnh).

Theo người dân địa phương, hệ thống kênh này phục vụ cả tưới và tiêu thoát. Thế nhưng, kênh thiết kế quá nhỏ nên không đáp ứng nguồn nước tưới kịp thời trong khi mưa lớn lại gây ngập úng. Việc tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

Tuyến kênh chính đầu nguồn dài hơn 6km cũng có nhiều đoạn bị hư hỏng, rò rỉ nguồn nước ảnh hưởng đến nguồn tưới nhiều diện tích nằm cuối kênh.

Một số đoạn tuyến ở thôn Đình, thôn Đông và thôn Nam Đoài bị hư hỏng nặng, có chỗ người dân phải dùng cọc tre để chống đỡ.

Ông Trần Công Tĩnh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Châu cho hay: Hệ thống kênh của xã được xây dựng từ năm 2001. Hiện nay, nhiều đoạn tuyến đã bị xói lộng, mặt bằng bị võng xuống nên khi bơm tưới có chỗ bị tràn, nơi lại thiếu nước. Để đáp ứng đủ nước tưới, hợp tác xã phải tăng thời lượng từ 3 lên 5 ngày, tốn kém về chi phí. 

 

ht2.jpg
Tuyến kênh chính đầu nguồn dài hơn 6km cũng có nhiều đoạn bị hư hỏng, rò rỉ nguồn nước ảnh hưởng đến nguồn tưới nhiều diện tích nằm cuối kênh.

“Những ngày bơm tưới, chúng tôi hết sức vất vả, hằng ngày phải đi kiểm tra dọc các tuyến kênh để phát hiện nguồn nước rò rỉ" – ông Tĩnh bày tỏ.

Hệ thống kênh mương trên địa bàn đã xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng cây trồng của xã. Tuy nhiên, ngân sách xã hạn hẹp nên chỉ có thể gia cố tạm thời những chỗ hư hỏng. Chúng tôi rất mong huyện quan tâm bố trí kinh phí đầu tư để nâng cấp toàn bộ tuyến kênh, đảm bảo tưới tiêu, ổn định sản xuất cho bà con nông dân.

Dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp

Theo đó, tại khu vực núi Thần Đinh thuộc thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh có trường hợp vợ, chồng ông Nguyễn Văn Dũng và bà Võ Thị Cúc đã thực hiện san gạt mặt bằng, xây dựng hàng rào kiên cố với diện tích bao quanh khoảng 800m2 đất; xây dựng nhà cấp 4 kiên cố 1 tầng với diện tích xây dựng khoảng 150m2.

Toàn bộ diện tích xây dựng ngôi nhà thuộc thửa đất số 12, tờ bản đồ số 17 đất trồng cây hàng năm khác (đất nông nghiệp); thửa đất này ông Dũng và bà Cúc chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, trong tháng 7-2021, Phòng Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) phối hợp với UBND xã Trường Xuân đã tiến hành kiểm tra, xác định, hành vi sử dụng đất trồng cây hàng năm khác vào mục đích làm nhà ở của vợ, chồng ông Dũng và bà Cúc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Luật Đất đai.

 

qn.jpg
Vợ, chồng ông Nguyễn Văn Dũng và bà Võ Thị Cúc đã cho san gạt đất, xây dựng hàng rào kiên cố với diện tích bao quanh khoảng 800m2 đất nông nghiệp.

Do đó, UBND xã Trường Xuân đã xử phạt vi phạm hành chính tại Quyết định số 01/QĐ-XPVPHC, ngày 8-2-2021 với số tiền 3 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục tình trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm.

Tuy nhiên, đến nay, việc chấp hành quyết định xử phạt của ông Nguyễn Văn Dũng mới chỉ là nộp tiền phạt, còn việc khắc phục tình trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm chưa được thực hiện. Đặc biệt, ngôi nhà tại thời điểm bị UBND xã Trường Xuân ra quyết định xử phạt đang được xây dựng dở dang thì nay đã hoàn thành các hạng mục công trình nhà ở, sân, hàng rào...

 

qn1.jpg
Ngôi nhà cấp 4 kiên cố đã hoàn thiện với diện tích xây dựng khoảng 150m2 .

Về vụ việc này, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh khẳng định, hành vi xây dựng nhà và các công trình phụ trợ của vợ chồng ông Dũng là trái phép. Hiện huyện đang tiếp tục chỉ đạo Phòng TN-MT và UBND xã Trường Xuân làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra hành vi phạm pháp luật nói trên cũng như công tác quy hoạch đất đai tại xã Trường Xuân... để có phương án xử lý theo quy định.

Thu hồi, chuyển đổi đất nông nghiệp…

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Quyết định số 2193 về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của TP. Nha Trang.

Theo đó, tổng diện tích tự nhiên của Nha Trang là 25.422ha. Trong đó, đất nông nghiệp khoảng 10.343ha, đất phi nông nghiệp khoảng 8.089ha, đất chưa sử dụng khoảng 6.980ha. Địa phương có diện tích đất chưa sử dụng nhiều nhất là xã Phước Đồng với hơn 2.189ha, tiếp đến là phường Vĩnh Nguyên có 2.036ha, xã Vĩnh Lương là 1.376ha….

Trong hơn 10.343ha đất nông nghiệp của TP. Nha Trang, chủ yếu là đất rừng sản xuất với 5,546ha, tiếp đó là đất trồng cây lâu năm 2,972ha, đất trồng lúa chỉ có 685,7ha.

 

tp-nha-trang-tỉnh-khánh-hòa.jpg
TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Trong hơn 8.098ha đất phi nông nghiệp, có 1.225ha đất thuơng mại, dịch vụ; 1.278ha đất ở đô thị; 617ha đất ở nông thôn; 31ha đất cụm công nghiệp; 150ha đất khu vui chơi giải trí. Phần còn lại là đất cơ sở giáo dục và đào tạo, đất giao thông, tôn giáo, an ninh quốc phòng, đất xây dựng trụ sở cơ quan…

Theo kế hoạch, TP. Nha Trang sẽ thu hồi 415ha đất, trong đó, đất nông nghiệp khoảng 329,9ha, đất phi nông nghiệp 85,3ha (đất ở nông thôn gần 11ha, đất ở đô thị 39,3ha…)

Đồng thời, chuyển mục đích sử dụng 383,3ha từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Trong đó, đất trồng lúa gần 32ha, đất trồng cây hằng năm 87ha, đất trồng cây lâu năm gần 100ha, đất rừng sản xuất 82ha, đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư 5ha.

Ngoài ra, thành phố cũng chuyển đổi gần 12ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; 20ha đất rừng sản xuất chuyển sang đất nông nghiệp không phải là rừng.

Trong năm 2021, TP. Nha Trang sẽ đưa vào sử dụng 86ha đất phi nông nghiệp chưa sử dụng. Diện tích đất đưa vào sử dụng chủ yếu nằm trên địa bàn phường Vĩnh Nguyên với 84ha.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top