Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 12 năm 2020 | 13:37

Cà phê Tây Nguyên chú trọng chất lượng cao và xuất khẩu

Mặc dù là năm khó khăn trong xuất khẩu do dịch Covid-19, song ngành cà phê ở Tây Nguyên vẫn chú trọng chất lượng và xuất khẩu.

Lâm Đồng: Vượt khó để xuất khẩu cà phê

Năm 2020, là năm khó khăn của xuất khẩu hàng hoá ở Lâm Đồng. Giá trị cả năm ước đạt 708,5 triệu USD, giảm 1,6% so cùng kỳ năm trước, và chỉ đạt 88,56% kế hoạch năm.

 

cf-61.jpg

 Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ sản xuất cà phê hoà tan giá trị cao

 

Riêng mặt hàng cà phê nhân, ghi nhận các doanh nghiệp xuất khẩu được 184,1 triệu USD, giảm 13,49% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. 

Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều nước hạn chế đi lại, phong tỏa hải cảng, biên giới... khiến cho việc xuất khẩu cà phê ở Lâm Đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy vậy, vượt qua bao khó khăn, các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn miệt mài, nỗ lực tìm đường xuất khẩu cà phê.

Dự ước, sản lượng xuất khẩu cà phê nhân năm 2020 của tỉnh đạt 112.989 tấn, giá trị 184,1 triệu USD, giảm 7,94% về lượng và 13,49% về giá trị so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thị trường chủ yếu vẫn là: Tây Ban Nha, Ý, Hàn Quốc, Đức, Anh, Trung Quốc, Úc, Đan Mạch, Ấn Độ, Tunisia, Ukraina, Malaisia, Mỹ... Cà phê xuất khẩu tuy giảm về sản lượng và giá trị, nhưng vẫn dẫn đầu trong nhóm mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Lâm Đồng. 

Theo ông Châu Văn Sĩ - Đại diện Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Lâm Đồng, tình hình tiêu thụ, xuất khẩu cà phê của Lâm Đồng trong năm 2020 không bằng mọi năm.

Các thị trường chủ lực của công ty như: Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Ý và Mỹ bị tê liệt do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh. Mặt khác, cà phê không còn giá tốt như những năm trước, do áp lực nguồn cung lớn hơn cầu, cả thị trường trong nước lẫn thế giới.

Riêng Công ty cà phê Olam, năm 2020 đã đẩy mạnh hoạt động liên kết, sản xuất cà phê chất lượng cao để xuất khẩu. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ cà phê nội địa lẫn xuất khẩu đều tăng.

Dự kiến, cuối năm 2020 và quý I/2021, xuất khẩu cà phê sẽ sôi động hơn do sắp vào vụ thu hoạch mới, các đơn vị xuất khẩu trong nước tập trung đẩy hàng để dọn kho, chuẩn bị thu mua hàng mới - ông Sĩ cho hay. 

Chung nhận định, ông Đoàn Mạnh Trình - Công ty TNHH Tám Trình chia sẻ, thị trường cà phê trong nước bị chậm lại so cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Cơ sở kỳ vọng mùa sản xuất cuối năm sẽ sôi động hơn, nhưng có thể giá cà phê sẽ giảm, do nguồn cung dồi dào khi vào vụ thu hoạch mới.

Còn thị trường xuất khẩu, nhất là các nước châu Âu đang có nguy cơ đối mặt với làn sóng thứ 3 bùng phát dịch COVID-19. Nhưng tình hình nhập khẩu cà phê tại một số nước châu Âu hay Mỹ, trong 3 tháng cuối năm vẫn có dấu hiệu khả quan, do tăng cường nhập khẩu vào đầu năm 2021. 

Theo ông Trình, cà phê cũng là một trong những mặt hàng có mức tiêu thụ cao tại các thị trường này, đặc biệt là cà phê rang xay, hòa tan đang được các nước trên thế giới ưa chuộng do nhu cầu thưởng thức tại nhà tăng cao. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Lâm Đồng trong việc tìm lối đi riêng để xuất khẩu cà phê.

Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu mặt hàng này sẽ sôi động hơn. Song, giá cà phê khó tăng vì vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào. 

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cách đây 5 - 10 năm, tiêu thụ cà phê nội địa chỉ đạt 6 - 7% sản lượng và 0,5 kg/đầu người/năm. Đến nay, tiêu thụ nội địa đã tăng mạnh.

Với sự đầu tư của các doanh nghiệp, cũng như thị trường tiêu thụ, để tạo kích cầu cà phê Việt Nam, tiêu thụ nội địa đã tăng từ 7% lên đến trên dưới 13% sản lượng cà phê của cả nước, đạt khoảng 200.000 tấn/năm, bình quân đầu người đã đạt trên dưới 2 kg/người/năm so trước đây. 

Ông Nguyễn Song Vũ - Giám đốc mảng cà phê HTX Trường Sơn - Cầu Đất cho biết: Hiện, nông dân bán cà phê tươi cho thương lái, giá chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhưng nếu chế biến sâu, mỗi kg cà phê nhân vùng Cầu Đất sẽ có giá trên dưới 80.000 đồng/kg.

Vì vậy, đầu tư chế biến sâu, giảm dần tỷ lệ xuất khẩu thô, tham gia dẫn dắt các chuỗi giá trị cà phê nội địa, đang là xu hướng được doanh nghiệp cà phê hướng đến. 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, hiện có 33 doanh nghiệp và hơn 250 hộ thu mua, chế biến cà phê nhân với công suất mỗi năm khoảng 300.000 - 320.000 tấn, chiếm gần 80% tổng sản lượng.

Trong đó có 10 doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến ướt, mỗi năm khoảng 40 - 50.000 tấn cà phê nhân.

Mặt khác, Lâm Đồng hiện có 117 doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê rang xay, cà phê bột, đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, công suất hơn 5.676 tấn thành phẩm mỗi năm.

Nhiều đơn vị đã tham gia đánh giá, phân hạng và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP Lâm Đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác ở Lâm Đồng đã và đang đầu tư công nghệ sản xuất cà phê hòa tan, giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Công ty TNHH cà phê Thái Châu (Đà Lạt), Công ty TNHH Tám Trình (Lâm Hà)...

Điều này cho thấy, thị trường cà phê nội địa đang là hướng đi đúng đắn, giúp nâng cao giá trị hạt cà phê Lâm Đồng trong và ngoài nước.

Đắk Nông: Hình thành vùng sản xuất cà phê công nghệ cao

Hiện, người dân sản xuất cà phê tại xã Thuận An (Đắk Mil) đang áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để nâng cao chất lượng cà phê. Thuận An cũng đang xúc tiến để hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao (CNC).

 

a-nen-3.jpg

Nông dân kỳ vọng nâng cao thu nhập khi tham gia sản xuất trong vùng cà phê ứng dụng CNC.

 

Ứng dụng CNC được hiểu là việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất cà phê. Từ việc sử dụng, cải tạo giống cà phê, cho đến phòng, trừ dịch bệnh trong sản xuất, chế biến cà phê đều là ứng dụng CNC...

Thời gian qua, tại xã Thuận An (Đắk Mil), đang dần hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC với quy mô 500 ha. Người dân ở đây đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, RainForest, UTZ, Fair trade, hữu cơ…

Cà phê được người dân thu hái khi chín trên 85%. Khâu chế biến cà phê sau thu hoạch được sử dụng trang thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ tiên tiến: Tưới nhỏ giọt, tiết kiệm, tự động, bán tự động; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

Nhờ áp dụng CNC, năng suất bình quân cao hơn cà phê thường từ 10% – 30%. Môi trường sản xuất CNC luôn bảo đảm vệ sinh, an toàn sinh học, vỏ cà phê được tái sử dụng.

Sản phẩm cà phê CNC được dán tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, có đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hóa, sản phẩm; có nhà kho bảo quản, sân phơi đạt tiêu chuẩn…

Ông Trần Khắc Dũng, Phó Chủ tịch xã Thuận An cho biết, việc đạt các tiêu chí vùng cà phê ứng dụng CNC vẫn cần thời gian. Để có một vùng sản xuất cà phê CNC thực sự, địa phương sẽ tổ chức chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ người dân về cây giống, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, vay vốn ưu đãi, chi phí đầu tư…

Địa phương cũng hỗ trợ người dân lập hồ sơ đăng ký hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC, quan tâm đầu tư về hạ tầng, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Đắk Lắk: Bài toán nào cho nhân công mùa thu hái cà phê?        

Nhiều năm nay, mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên cũng là mùa “khát” lao động phổ thông, bởi các khu công nghiệp đã hút phần lớn lao động trẻ. Khan hiếm nhân công khiến việc thu hoạch gặp không ít khó khăn.

 

hai-cf-9.jpg

 Chị Lành xã Ea Tiêu hái đổi công cho các hộ trong thôn

 

Anh Nguyễn Văn Đông (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) có 3 sào cà phê. Sau đợt hái bói, hiện, vườn cà phê của anh đang vào giai đoạn thu hoạch rộ, nhưng vẫn không thuê được nhân công.

Anh Đông cho biết: “Trước đây, vào thời điểm này, người dân các tỉnh khác tới, thanh niên đi làm ăn xa về, nên nhân công hái cà phê khá dễ kiếm. Song, gần đây giá cà phê thấp, khu công nghiệp nhiều, không ai mặn mà với việc đi hái thuê, do đó rất khó thuê người.

Ông Đinh Hữu Đằng, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc có 1 ha cà phê cũng không thuê được nhân công. Ông Đằng cho hay: “Năm nay, cà phê mất mùa, thuê nhân công khó khăn, mặc dù giá cao hơn mọi năm 20.000 - 30.000 đồng/ngày.

Mấy hôm trước, tôi gọi điện và có 3 cặp vợ chồng đồng ý hái thuê, nhưng đến hẹn thì không thấy đâu, cũng không gọi lại được. Cà phê đang chín, thu hoạch không kịp, rụng rất nhiều, vừa hái vừa phải nhặt rất vất vả".

Không chỉ Krông Pắc mới khan hiếm nhân công, đây là thực trạng chung  trong tỉnh. Vì khan hiếm nhân công nên bị ép giá, hoặc ép hình thức thu hái, ngoài thuê hái công nhật, còn hình thức hái khoán. Việc hái khoán được tính theo sản lượng trong ngày, khoảng 100.000 đồng/tạ.

Nhiều hộ cho biết, bình quân một lao động hái đạt khoảng 5 – 6 tạ/ngày. Như vậy, so với công nhật 180.000 – 200.000 đồng/ngày, thì hái khoán đem lại thu nhập cao hơn rất nhiều cho người hái thuê.

Chị Nguyễn Thị Lành xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, cho biết, chị có 7 sào cà phê, cứ vào vụ thu hoạch, việc thuê công hái khá khó khăn, nhất là công nhật.

Vì lao động địa phương hầu hết đi làm ăn xa, rất khó kiếm người, thêm vào đó xuất hiện hình thức hái khoán, đem lại thu nhập cao, khiến người đi làm thuê không mặn mà với việc nhận hái công nhật.

Việc hái khoán có lợi cho người lao động, nhưng lại gây nhiều hư hại cho vườn cà phê (như: hái sót, gãy cành, cây trụi lá, làm ảnh hưởng đến mầm hoa…) vì nhiều người hái rất nhanh và ẩu.

Vì vậy, các hộ chủ yếu tận dụng lao động trong nhà để thu hoạch kịp thời. Anh Đặng Văn Huy (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) có 8 ha cà phê đang chín đỏ và rụng khá nhiều, nhưng vẫn không tìm được người hái. Anh đành tận dụng hết nhân công trong nhà, lúc nào rảnh thì thu hoạch, để chờ các hộ thu xong hết, rồi may ra mới thuê được nhân công.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Lành (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) và một số hộ trong thôn chọn hình thức đổi công cho nhau. Vườn nhà ai chín trước sẽ tập trung nhân lực cho vườn đó, cứ thế lần lượt hết các vườn. Việc thu hái này tuy hơi lâu, nhưng đỡ lo lắng về nhân công.

Bà Phạm Thị Mến xã Ea Tiêu, có 6 sào cà phê, vì không thuê được công nhật, nên hai vợ chồng đành thu hoạch dần. Với diện tích này, vợ chồng bà thu hoạch trong một tháng mới xong. Mặc dù hơi lâu nhưng bảo đảm cho việc nở hoa, đậu trái ở vụ sau.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, tình trạng thiếu nhân công hái cà phê đang là bài toán nan giải của nhiều địa phương. Để giải quyết khó khăn này, nhiều đơn vị bộ đội đã đưa lực lượng xuống địa bàn trọng điểm, để hỗ trợ công hái cho bà con. Song, về lâu dài, cần có hướng giải quyết bền vững như sử dụng máy móc thu hoạch.

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top