Sau 4 năm chờ đợi, cây ươi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang vào mùa ra hoa, kết trái. Quả ươi có giá trị cao về mặt dinh dưỡng và kinh tế nên được xem là “lộc rừng” đối với người dân khu vực miền núi.
Liên kết
Như nhiều địa phương khác, tại Thừa Thiên - Huế, cây ươi mọc len lỏi trong diện tích hơn 200.000 ha rừng tự nhiên và phổ biến tại các huyện Nam Đông, A Lưới. Nhiều người dân khai thác quả ươi bằng cách chặt hạ loài cây thân gỗ có chiều cao từ 20 – 30m này.
Để bảo vệ cây ươi và khai thác “lộc trời” hiệu quả, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa đã triển khai ký hợp đồng mua bán quả ươi theo phương thức hái lượm đối với 15.000ha rừng tự nhiên mà đơn vị này quản lý.
Theo hợp đồng được ký kết giữa Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa (bên A) với các ông Trần Đen, Trần Văn Hải (bên B) thì 772 cây ươi mọc rải rác trên 206,63 ha rừng thuộc các tiểu khu 326, 328, 329 và 336 (xã Hương Nguyên, huyện A Lưới) sẽ được giao cho bên B chủ động thu hoạch.
Sản lượng ươi tạm tính tại diện tích trên là 5kg/cây, tương ứng 3.860 kg. Đồng thời, bên A sẽ bán quả ươi khô cho bên B với giá bằng 20% theo đơn giá thị trường tại thời điểm hiện tại (tạm tính là 200.000 đồng/kg), tương đương 40.000 đồng/kg.
Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Hòa Phạm Nguyên Quang cho biết, số tiền thu từ việc bán quả ươi nói trên đơn vị sẽ sử dụng để nộp thuế tài nguyên rừng. Cùng với đó, công ty có trách nhiệm lập bảng kê lâm sản để xuất hóa đơn cho bên B.
Cũng trong hợp đồng và theo ông Quang, bên B phải thực hiện khai thác quả ươi theo 2 phương pháp. Cụ thể, thu lượm: tìm nhặt quả ươi rụng xung quanh gốc cây và những khu vực lân cận nằm trong hiện trường bàn giao giữa hai bên.
Phương pháp thứ hai là người dân có thể leo lên cây để hái quả hoặc dùng sào có móc, móc vào cành để rung cho rụng quả và lượm. Hợp đồng cũng cho phép bên B có thể chặt cành nhỏ để hái quả và không được làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.
Song song với việc ký kết hợp đồng, bên B sẽ đăng ký danh sách những người vào hái, lượm; vị trí đặt lán trại phục vụ quá trình hái, lượm… để bên A nắm thông tin và quản lý quá trình hái, lượm quả ươi. Trong quá trình này, nếu phát hiện cây ươi bị chặt hạ, bên B sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Tương tự, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy cũng đang triển khai ký kết hợp đồng mua bán quả ươi theo phương thức hái, lượm trên diện tích rừng tự nhiên mà đơn vị quản lý.
Hiện, chưa có thông tin chính xác về độ tuổi để cây ươi có thể ra hoa, kết trái, vì sự phát triển của loài cây này còn tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nơi chúng mọc. Theo kinh nghiệm của người dân tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, khoảng 10 - 15 năm thì loài cây này mới bắt đầu đơm hoa, kết trái. |
Ông Hoàng Phước Toàn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy, cho biết, đơn vị đã thông báo đến các cá nhân, tập thể về việc ký hợp đồng mua bán quả ươi. Theo ông Toàn, để đảm bảo hiệu quả, đơn vị sẽ lựa chọn và ký kết hợp đồng với những đơn vị, cá nhân có kinh nghiệm trong khai thác quả ươi.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân
Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, để khai thác quả ươi hiệu quả, đơn vị đang triển khai đồng loạt nhiều biện pháp.
Cụ thể, về công tác quản lý và truyền thông, đơn vị đã in hàng trăm poster, áp phích, trích dẫn quy định của pháp luật về nghiêm cấm, xử lý vi phạm khai thác, vận chuyển ươi treo ở các điểm công cộng, cửa rừng để tuyên truyền sâu rộng đến người dân về việc khai thác quả ươi.
Cùng với đó, đơn vị tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện có văn bản chỉ đạo về việc khai thác quả ươi hiệu quả; làm việc với UBND các xã, các ban quản lý rừng cộng đồng, với các hạt kiểm lâm, các chủ rừng… về việc quản lý, khai thác quả ươi.
Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế cũng triển khai công tác tuần tra truy quét với 2 mũi nhọn. Trong đó, một mũi tập trung cho phòng cháy chữa cháy trong thời điểm nắng nóng, một mũi khác tập trung để lập chốt, tuần tra.
Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế cho rằng, nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác quả ươi là quan trọng nhất. Bởi lẽ, từ trước đến nay, người dân nghĩ cây mọc tự nhiên trong rừng nên có thể thoải mái khai thác mà không biết rằng đây là một loại tài nguyên và có sự quản lý của cơ quan chức năng.
Hiện, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế chưa ghi nhận trường hợp nào khai thác ươi theo kiểu “tận diệt”. “Trước đây, người dân khai thác ươi theo kiểu chặt hạ cây nhưng năm nay thì chưa có trường hợp nào như vậy cả. Điều này cũng cho thấy, các biện pháp mà chúng tôi đang áp dụng một cách đồng loạt bước đầu mang lại hiệu quả. Chúng tôi hy vọng, người dân sẽ nâng cao nhận thức về việc khai thác quả ươi, đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc quản lý, khai thác quả ươi một cách hiệu quả nhất”, ông Dũng cho hay.
Tác dụng của hạt ươi: - Thanh phế nhiệt, lợi yết cầu, thanh tường thông tiện, giải độc. - Điều trị nóng chưng sốt âm, ho khan, đau bụng, nhức răng, đau mắt đỏ, táo bón do nhiệt. - Trị nhiệt gây chảy máu cam ở trẻ nhỏ, lao thương thổ huyết, máu nóng mụn lở. - Hỗ trợ làm đẹp da. Trị tiểu buốt, viêm đường tiết niệu, tiểu đường. - Hỗ trợ chữa gai cột sống, chữa viêm họng, ho có đờm, chữa đau dạ dày, chữa sỏi thận. |
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…