Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm các mặt hàng nông sản, các địa phương đã hỗ trợ chế biến nông sản nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, mang tính dài hơi.
Bắc Ninh: Chế biến nông sản - chiến lược dài hơi phát triển OCOP
Coi nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Gia Bình đang xây dựng các sản phẩm tham gia chương trình OCOP theo hướng vừa phát huy thế mạnh nông nghiệp, vừa hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở nguồn cung dồi dào, các chủ thể được tư vấn, hỗ trợ chế biến nông sản nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, mang tính dài hơi.
Thành lập năm 2019, HTX Nông nghiệp sạch Việt Nam (thôn Thủ Pháp, xã Quỳnh Phú) do anh Nguyễn Văn Khoát làm Giám đốc mạnh dạn đầu tư máy móc, dây chuyền chiết xuất, đội ngũ kỹ sư chế biến thực phẩm… để sản xuất rượu sạch. “Giữa thị trường có quá nhiều sản phẩm kém chất lượng, hàng giả trà trộn mang mác nhập ngoại, chúng tôi muốn tạo ra loại rượu an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng mà vẫn giữ hương vị rượu truyền thống. Trong khi đó, Bắc Ninh có những sản phẩm lúa nếp đặc trưng thích hợp cho việc chiết xuất thành rượu ngon, nhưng nếu chỉ bán gạo nếp thông thường thì giá thành thường rất thấp, cần đầu tư chế biến, giá trị hạt gạo sẽ tăng lên rõ rệt”, anh Khoát tâm sự. Được biết, 2 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của HTX là rượu gạo thượng hạng và rượu quốc lủi đều chưng cất từ gạo nếp cái hoa vàng, gạo nếp nhung của Bắc Ninh. Đến nay, các sản phẩm rượu của HTX Nông nghiệp sạch Việt Nam được người tiêu dùng đón nhận, phát triển nhiều đại lý trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và nhiều tỉnh thành phía Bắc. Doanh thu mỗi năm của công ty đạt hơn 5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên.
Đây chỉ là một trong số sản phẩm tiêu biểu của Gia Bình được chú trọng về khâu chế biến. Là địa phương có năng suất lúa cao nhất của tỉnh, huyện Gia Bình còn nhiều sản phẩm đặc trưng được người tiêu dùng biết tới như Cà rốt; lá dong Giang Sơn; hành, tỏi Cao Đức; cá Bình Dương, Quỳnh Phú, Giang Sơn… và sẵn sàng tham gia các chương trình về sở hữu trí tuệ, OCOP. Sau 3 năm triển khai, Gia Bình có 9 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 6 sản phẩm nông nghiệp là: Rượu quốc lủi rượu gạo nguyên chất 30% vol; rượu gạo thượng hạng Kinh Bắc 30% vol của HTX nông nghiệp sạch Việt Nam (xã Quỳnh Phú); Tỏi đen 1 nhánh (Công ty TNHH Nano Care R&D, xã Xuân Lai); Rượu trắng Bako, rượu nếp cái hoa vàng Bako, rượu táo mèo Bako của hộ Nguyễn Danh Tráng (Đông Cứu). Nhìn chung, các sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình OCOP với chất lượng được kiểm nghiệm có sự phát triển thương mại mạnh mẽ, được tham gia vào các kênh phân phối như siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, tham gia hội chợ, triển lãm… Bản thân các HTX, hộ kinh doanh bước đầu hình thành vùng sản xuất nguyên liệu theo hướng an toàn bảo đảm năng suất, chất lượng ổn định.
Theo ông Nguyễn Khắc Đạm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chế biến là giải pháp tối ưu để khắc phục những hạn chế về thời gian bảo quản sản phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm thô. Thị trường hiện nay đang rất cần những sản phẩm chất lượng cao, rõ nguồn gốc, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm thay thế dần các sản phẩm có phẩm cấp thấp, đây chính là định hướng mà ngành Nông nghiệp huyện triển khai đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm tham gia chương trình OCOP nói riêng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với nhiều nông dân là việc đầu tư máy móc chế biến, kho lạnh, kho bảo quản…đòi hỏi kinh phí đầu tư khá lớn. Ngoài một số sản phẩm có được kênh tiêu thụ ổn định, hầu hết các sản phẩm đều rất lúng túng trong việc tìm đầu ra. Phần lớn chủ thể chưa mặn mà tham gia chương trình OCOP nên quá trình thực hiện chương trình tại địa phương còn nhiều khó khăn…
Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm tham gia chương trình OCOP trong những năm tiếp theo, huyện Gia Bình tích cực tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu, xây dựng phương án kinh doanh; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ để xây dựng các chuỗi giá trị trong nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị chuyển đổi loại hình hoạt động của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, gia đình, tổ hợp tác, sang thành lập doanh nghiệp, HTX; đẩy mạnh kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP cùng các chương trình xúc tiến thương mại. Mục tiêu lớn nhất là thành công của những sản phẩm OCOP sẽ lan tỏa sức vươn cho những nông sản đặc sản của địa phương.
Thanh Hóa: Đưa sản phẩm OCOP tham dự các “sân chơi” lớn
Thời gian gần đây, các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa có mặt tại nhiều hội chợ, sự kiện triển lãm lớn được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó, đã và đang giúp cho các sản phẩm xúc tiến thương mại từ thị trường ngoại tỉnh, đồng thời, tìm kiếm cơ hội vươn tầm quốc tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào Xứ Thanh đã đưa các sản phẩm của đơn vị tham dự gần 10 hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh. Tại các hội chợ, hàng nghìn sản phẩm chăm sóc sức khỏe được làm từ yến của công ty đã được khách hàng ngoài tỉnh chọn mua. Đáng chú ý, sau trở về từ Hội chợ sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2022, công ty đã có đơn vị từ tỉnh ngoài ký kết đơn hàng tiêu thụ 1 xe container hàng hóa mỗi tháng. Ngoài ra, công ty còn nhận được nhiều đơn hàng đặt mua khác từ khách hàng của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước sau mỗi kỳ hội chợ. Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào Xứ Thanh, cho biết: Tại các hội chợ, hàng nghìn lượt người đã tới tham quan gian hàng, khảo sát sản phẩm của công ty, qua đó, công ty có cơ hội để giới thiệu sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố. Thông qua hội chợ, thương hiệu yến sào Xứ Thanh của công ty được nhiều khách hàng nhận diện và hy vọng sản lượng tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng.
Là 1 trong 3 đơn vị có sản phẩm tham gia Hội chợ sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2022, các sản phẩm OCOP nước mắm thượng hạng Tác Huy, mắm tôm đặc biệt Tác Huy, mắm tép đặc biệt Tác Huy của cơ sở sản xuất Tác Huy nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng từ ngoài tỉnh. Ông Dương Xuân Tác, chủ cơ sở sản xuất Tác Huy, phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, cho biết: Trong 6 ngày diễn ra hội chợ, hàng nghìn sản phẩm nước mắm và mắm của công ty đã được tiêu thụ, doanh thu khoảng 40 triệu đồng. Sau hội chợ, cơ sở của ông còn nhận được lời đề nghị làm đại lý phân phối sản phẩm cấp 1 của nhiều người từ các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ông dự định, tháng 7 này tiếp tục đưa các sản phẩm đạt OCOP của cơ sở tham dự 2 hội chợ lớn sẽ được tổ chức tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.
Đi đôi với đó, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh cũng liên tục được quảng bá tại các hội chợ, sự kiện tổ chức tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị, như: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị ngoài tỉnh để các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP tham dự hàng chục hội chợ, sự kiện triển lãm tại các tỉnh ngoài. Trong đó, phải kể đến Hội chợ sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2022 được tổ chức từ ngày 10-5 đến ngày 16-5, với 350 gian hàng. Đây được xem là dịp để một số chủ thể sản xuất ở Thanh Hóa mở rộng cơ hội kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh trên đất Kinh Bắc.
Tại hội chợ, tỉnh Thanh Hóa có 4 gian trưng bày, tiêu thụ sản phẩm OCOP của 3 đơn vị là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào Xứ Thanh. Theo đó, các sản phẩm OCOP của tỉnh được quảng bá, trưng bày, tiêu thụ tại hội chợ, gồm tổ yến chưng, tổ yến sào, đông trùng hạ thảo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe TODIKA... và một số sản phẩm hải sản khô có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh. Tham gia hội chợ, các chủ thể sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được tỉnh hỗ trợ thông tin kết nối, phương tiện vận chuyển và nguồn nhân lực xây dựng, trưng bày sản phẩm. Qua đó, các chủ thể sản xuất của tỉnh có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao thương, kết nối kinh doanh, góp phần tăng sức tiêu thụ, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Hay tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 diễn ra tại tỉnh Sơn La từ ngày 27-5 đến 1-6, với quy mô trên 400 gian hàng trực tiếp và 65 gian hàng trực tuyến của các tổ chức, doanh nghiệp, HTX tới từ các tỉnh, thành phố trên cả nước, tại đây tỉnh Thanh Hóa có 4 gian hàng trực tiếp, 1 gian hàng trực tuyến, với 40 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày giới thiệu, quảng bá. Kết thúc sự kiện, giá trị hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa đạt gần 1 tỷ đồng. Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh được quảng bá đến đông đảo người dân và đại biểu tham dự sự kiện trên cả nước. Bên cạnh đó, hơn 1.000 sản phẩm được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Postmart.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đến người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua việc tích cực tham dự các hội chợ, sự kiện triển lãm được tổ chức tại các tỉnh, thành phố. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể OCOP tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đã được công nhận.
Vĩnh Phúc: Xây dựng thương hiệu trên nền tảng online
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những đột phá về công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân cần phải thay đổi cách tiếp cận thị trường, quan tâm xây dựng thương hiệu trên nền tảng số, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh, tạo nên thành công cho mỗi cá nhân, DN.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tốc độ thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Cách thức tiếp cận thị trường và mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Một bộ phận người dân đã thường xuyên truy cập các mạng xã hội như Facebook, Zalo…, các công cụ bán hàng trực tuyến để giao dịch và tương tác trên môi trường mạng.
Hiện, có khoảng 30% người dân trên địa bàn tỉnh thường xuyên mua sắm trực tuyến thông qua ứng dụng trên các thiết bị di động như Lazada, Shopee, Sendo...; các trang thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng. Doanh số trong giao dịch TMĐT của các DN tăng khoảng 20%/năm.
Để nhanh chóng bắt kịp xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã bước đầu quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý điều hành, đầu tư các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động SXKD của đơn vị.
Đồng thời, chú trọng xây dựng website, fanpage nhằm quảng bá và phát triển thương hiệu, giao dịch bán hàng, trao đổi thông tin tìm kiếm mở rộng thị trường. Theo số liệu thống kê, đến nay, có khoảng 60% DN có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Đây có thể coi là tín hiệu tốt khi các DN, tổ chức dần nhận thức được tầm quan trọng của việc quảng bá thương hiệu trên nền tảng online trong việc tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng.
Trong hành trình hơn 20 năm sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm ngành ong, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo không ngừng nỗ lực, bền bỉ tạo dựng thương hiệu. Ngoài việc liên tục cho ra mắt sản phẩm mới mang tính công nghệ cao trong chế biến, tạo sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, làm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, công ty còn chú trọng khâu hình ảnh, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu.
Đặc biệt, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty đã xác định phải đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh thông qua website và các trang mạng xã hội. Nhờ đó, doanh số bán hàng của DN luôn có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm.
Với triết lý kinh doanh “Chất lượng sản phẩm là sinh mệnh của công ty”, “Vì sức khỏe cộng đồng”, thực hiện tầm nhìn đến năm 2025 “Trở thành công ty hàng đầu về chế biến các sản phẩm ngành ong tại Việt Nam”, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ, đẩy mạnh chiến lược truyền thông, quảng bá thương hiệu trên nền tảng công nghệ số.
Bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Ong Tam Đảo cho biết: Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mỗi DN sẽ có một chiến lược riêng để xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh với khách hàng.
Đối với Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo, việc xây dựng thương hiệu trên nền tảng online được coi là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của DN, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí của DN trên thương trường. Chính vì lẽ đó, thời gian qua, công ty đã chủ động tìm hiểu và chỉ đạo xây dựng website, fanpage, đầu tư nhân lực cho bộ phận marketing, chuẩn hóa nội dung xây dựng thương hiệu.
Nhằm tận dụng ưu thế của internet để xây dựng thương hiệu, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, giai đoạn 2017-2020, Sở Công thương đã hỗ trợ xây dựng 50 website cho các DN trên địa bàn tỉnh.
Hướng tới mục tiêu đến năm 2025, 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% DN tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT; 40% DN tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động… thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Cục Thương mại và Kinh tế số - Bộ Công thương thực hiện Đề án “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc”./.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.