Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 3 tháng 6 năm 2021 | 18:3

Chuẩn hóa mô hình kết nối cung - cầu, xóa bỏ tư duy "giải cứu" nông sản

Trước thực trạng “giải cứu” nông sản lặp đi lặp lại trong suốt nhiều năm qua, Bộ NN-PTNT thấy cần phải có một mô hình mới để giữ được giá trị nông sản, bằng cách xây dựng mô hình kết nối cung cầu chính quy, nông sản được nâng niu về giá trị.

c5871fb7-7efd-46b1-95bf-8b6a75cf9c58.png
Vải được bày bán tiêu thụ trên các đường phố Hà Nội.


Để từ đó, người tiêu dùng thấy đây không phải là một sản phẩm giải cứu và có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn, nâng tầm giá trị hàng nông sản Việt hơn.

Nói không với từ “giải cứu”

Mới đây, trong công văn 2550/UBND-KGVX ngày 31/5 của UBND tỉnh Bắc Giang gửi Cục Báo chí (Bộ TTTT) có đề nghị Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trong cả nước tiếp tục quan tâm, tuyên truyền về chất lượng vải thiều Bắc Giang, về việc vải thiều Bắc Giang tiếp tục được xuất khẩu đến những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, về việc tạo điều kiện cho vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu và tiêu thụ nội địa thuận lợi...

Đặc biệt, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu" trong các tin, bài, phóng sự khi tuyên truyền về tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều của tỉnh Bắc Giang nói riêng.

Lý do, theo UBND tỉnh Bắc Giang, trên thực tế, sau khi có các tin, bài, phóng sự có từ "giải cứu", giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT về việc tháo gỡ, tiêu thụ vải thiều, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chỉ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: "Bắc Giang hiện có hơn 28.000ha vải thiều tập trung, chiếm 54,8% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh và lớn nhất toàn quốc, sản lượng vụ này ước đạt 180.000 tấn".

Theo ông Tuấn, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ vải thiều theo từng cấp độ, bảo đảm không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ vải thiều.

 

vai-thieu-3.jpg
Việc "giải cứu" cũng dẫn đến làm méo mó thị trường, ảnh hưởng đến giá trị nông sản.



Còn theo ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, ngoài vải thiều, Bắc Giang có đàn gà, lợn, rau màu khá lớn. Hiện, giá bán cơ bản ổn định. Mối quan tâm lo nhất là mùa vải nên mong Bộ có giải pháp, tham mưu Chính phủ giúp Bắc Giang tiêu thụ vải thiều.

"Hai khó khăn của Bắc Giang hiện nay là vận chuyển và lưu thông. Rất mong Bộ NN-PTNT tham mưu cấp cho Bắc Giang có “luồng xanh” riêng trong lưu thông vải thiều đi qua các địa phương", ông Thái nói.

Về nhân lực cho mùa vải thiều, Bắc Giang cũng đã tính đến phương án để khắc phục. Địa phương tính tới trường hợp xấu nhất là sấy vải. Hiện Lục Ngạn có khoảng 2.000 lò sấy, đây là phương án cuối cùng. Về lâu dài, tỉnh mong Bộ quan tâm khâu chế biến vải, giữ được chất lượng tươi ngon của vải thiều. Đồng chí cũng đề xuất, Bộ trưởng hỗ trợ đưa vải thiều Bắc Giang vào hệ thống phân phối lớn tại thị trường nội địa.

Như vậy, có thể nói không phải vì "sĩ diện", ngẫu nhiên mà Bắc Giang nói không với từ "giải cứu", điều này khác hoàn toàn cách tiếp cận ở Hải Dương. So với đợt dịch thứ 3 ở Hải Dương, lần này Bắc Giang có quy mô dịch lan rộng hơn nhiều, số lượng vải cần thiêu thụ cũng cực lớn nhưng tỉnh vẫn kiên quyết nói không với "giải cứu".

Bình thường, nếu "dân túy" một chút, lãnh đạo Bắc Giang sẽ gửi công văn, thư ngỏ đề nghị bà con cả nước hỗ trợ tiêu thụ, mua giúp vải thiều này nọ. Như thế vừa được tiếng thương nông dân, vừa được tiếng với bàn dân thiên hạ về việc mình làm. Nhung không, Bắc Giang đã chọn cách lâu dài, căn cơ và bài bản.

Việc khó tiêu thụ vải thiều hay các nông sản khác hoàn toàn không phải do vấn đề đầu ra, vấn đề thị trường mà nằm ở vấn đề lưu thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước mắt) và vấn đề tổ chức lưu thông, phân phối (lâu dài). Cứ nói nhiều vải thiều, nhưng hiện ở các siêu thị tại Hà Nội, TP. HCM trên thực tế, số lượng đưa vào còn rất khiêm tốn. Hơn nữa, với 180.000 tấn kia có giải cứu được hết không? Ai giải cứu, giải cứu rồi thì bán với giá nào?

Chính vì thế, Bắc Giang đã xây dựng kịch bàn xấu nhất không bán được thì cho vào... sấy, chứ quyết không kêu gọi giải cứu. Đó là một hành động có thể nói là bản lĩnh, căn cơ và có tính bền vững của Bắc Giang đối với vấn đề tiêu thụ nông sản.

Không biết tự bao giờ xuất hiện cụm từ "giải cứu" để nói về việc giải phóng và cứu trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa cho bà con nông dân mỗi khi gặp khó như được mùa, mất giá, bí đầu ra. Và cứ nói đến giải cứu là cả xã hội, từ bà bán xôi đến những công nhân viên chức lao vào mua hàng hóa ủng hộ bà con nông dân.

Chính việc "giải cứu" đó, như tỉnh Bắc Giang lý giải, đã hóa thành lợi bất cập hại khi làm giảm giá thành, giá trị nông sản. Bởi mang tính chất giải cứu, nên người nông dân hoặc chính đội ngũ thương lái tranh thủ người dân đang dễ dãi khi đến vườn, ruộng thu mua đã thu hái hổ lốn một mớ các loại củ, quả vào với nhau mà không chọn lựa, sơ chế theo đúng tiêu chuẩn, từ đó dẫn đến việc khi mua về người dân mất niềm tin, có khi ăn một nửa, bỏ một nửa.

Việc "giải cứu" cũng dẫn đến làm méo mó thị trường, khi người dân mua quá nhiều hàng hóa vào một thời điểm đã dẫn đến những ngày kế tiếp họ không mua sản phẩm đó nữa và lại kéo theo dây chuyền những cây đến lứa, con đến thì khó tiêu thụ hơn.

Chính vì thế, Bộ NN-PTNT đã xây dựng ý tưởng và họp bàn, mời 3 đoàn thể là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM cùng bắt tay vào kết nối, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm. Mô hình kết nối cung- cầu này sẽ chính quy, chuyên nghiệp hơn để vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng, vừa nâng niu giá trị nông sản Việt.

Xây dựng tư duy mới

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, mô hình kết nối tiêu thụ nông sản do 4 đơn vị Bộ NN-PTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phối hợp thực hiện sẽ xây dựng một hình ảnh mới cho chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản, xóa bỏ hình ảnh "giải cứu".

 

26052021vthuy65.jpg
Xử lý, khử trùng vải thiều Bắc Giang theo tiêu chuẩn trước khi đóng gói xuất khẩu sang Nhật Bản. 

 

Theo đó, Bộ trưởng xác định việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân là việc chung của cả 4 đơn vị hay nói đúng hơn cả 4 đơn vị sẽ đi chung trên cùng một con đường. Theo đó, 4 đơn vị sẽ tạo ra một hình mẫu về kết nối cung - cầu, từ đó lan tỏa tư duy tinh thần mới. Cụ thể, tại các điểm bán hàng dự kiến tổ chức tới đây sẽ thực hiện bài bản, có dán logo của cả 4 cơ quan cùng tham gia.

Tại các điểm bán hàng này sẽ được thiết kế, phân luồng theo quy chuẩn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, các quầy hàng sẽ được bố trí lọ sát khuẩn trước khi vào mua hàng. Đồng thời, sẽ kẻ cách vạch giãn cách đảm bảo khoảng cách tối thiểu cho người mua hàng. Sau đó sẽ phân luồng 1 chiều cho người mua hàng, mua xong chỉ đi theo 1 chiều ra quầy thu ngân.

Đối với việc kiểm soát chất lượng đầu vào sẽ kiểm soát ngay từ đầu vào. Theo đó, Bộ NN-PTNT sẽ thông tin về tình hình sản xuất, hướng dẫn thu hoạch, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản và phương án logiictics; hỗ trợ chế biến sâu, xúc tiến thương mại. Còn các đoàn thể, tùy theo điều kiện, nhân lực nhưng phải đưa người xuống hỗ trợ bà con thu hái vải thiều; sau đó kết nối tiêu thụ cả trực tiếp và cả online như cách làm của Trung ương Đoàn.

Tại các điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản sắp được xây dựng sẽ có 4 logo của 4 đơn vị để chứng minh rằng đây là một điểm kết nối tiêu thụ nông sản được tổ chức bài bản, chứ không phải giải cứu. Khẩu hiệu đưa ra là: Nâng niu giá trị nông sản Việt, san sẻ, kết nối yêu thương vượt qua đại dịch.

“Nói cách khác, vẫn là giúp nông dân tiêu thụ nông sản nhưng làm bài bản, chính quy hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Chuẩn hóa mô hình kết nối cung - cầu

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp cần nhiều mô hình kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản một cách tự nguyện, nhưng hướng tới những mô hình đó phải được chuẩn hóa để vừa đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân vừa giúp nông dân từng bước thay đổi quá trình canh tác, giữ vững hình ảnh thương hiệu nông sản, nhất là trong dịch bệnh sẽ có những hệ lụy khó lường. 

“Tôi cho rằng, làm thiện nguyện không đúng cách sẽ nảy sinh những bất cập, hình ảnh nông sản sẽ không còn đẹp đẽ khi bày dưới vỉa hè. Thậm chí, tôi còn nghe thông tin có những người lợi dụng cái gọi là giải cứu để hạ giá nông sản bởi nếu không giải cứu giá cả nông sản không đến nỗi xuống giá như vậy”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Từ thực tế đó, Bộ NN-PTNT thấy cần phải có một mô hình mới để giữ được giá trị nông sản, bằng cách xây dựng mô hình kết nối cung cầu chính quy, nông sản được nâng niu về giá trị, người tiêu dùng thấy đây không phải là một sản phẩm giải cứu để từ đó có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn.

Nói cách khác, người tiêu dùng không phải trên cương vị người bỏ tiền ra mua nông sản giúp bà con mà là mua vì sức khỏe, quyền lợi của chính mình vì được sử dụng sản phẩm có chất lượng.

Đó là chưa kể, nhiều điểm giải cứu còn xuất hiện tình trạng chen chúc, việc này không đúng quy định của Bộ Y tế, không an toàn trong thời điểm dịch bệnh.

Với mô hình phối hợp cùng Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xây dựng các điểm kết nối tiêu thụ nông sản, Bộ NN-PTNT muốn khẳng định, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng thị tường xuất khẩu, chúng tôi cũng quan tâm đến thị trường nội địa 100 triệu dân. Đồng thời, định hình lại toàn bộ chuỗi cung - cầu sao cho chủ động hơn, bớt dần sản xuất tự phát, giải cứu tự phát.

 

tu.jpg
Mô phỏng mô hình các điểm kết nối, tiêu thụ nông sản, vải thiều đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19 của Bộ NNPTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.

 
Và mục tiêu lớn nhất là mong muốn mọi người dân biết được giá trị của nông sản, biết được nông dân đã làm ra nông sản đó như thế nào, muốn người nông dân hiểu luôn có xã hội chung vai sát cánh tiêu thụ nông sản cho họ không phải bằng sự ban phát mà bằng sự hợp tác.

“Tôi được biết, trước nay Hội Nông dân hay Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đều có những điểm kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân nhưng với lần phối hợp này, các tổ chức và Bộ NN-PTNT sẽ tạo ra hình mẫu về điểm kết nối nông sản, vừa đảm bảo sự chuẩn mực về kết nối tiêu thụ vừa đảm bảo quy định phòng dịch, tạo ra một hình ảnh khác chứ không phải là giải cứu, gây tổn thương cho nền nông nghiệp, tổn thương cho nông dân.

Người Việt có câu: "Của cho không bằng cách cho", có thể người giải cứu muốn tiêu thụ giúp nhưng cách làm như thế nào để bảo vệ hình ảnh nông sản rất quan trọng”, Bộ trưởng ví von.

Bộ trưởng cũng hy vọng, mô hình của 4 đơn vị, Bộ NN-PTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên sẽ tạo thành hệ sinh thái, giúp cho mục tiêu phát triển bền vững, không phải là nền nông nghiệp chỉ phụ thuộc vào giải cứu mà là sự phát triển minh bạch, có sự tham gia của tất cả các bên./.
 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top