Ngày 21/5, tại Hà Nội, Ban chấp hành CLB Trang trại & Ngành nghề Việt Nam (Hội Làm vườn Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị sơ kết sau gần 3 năm hoạt động, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tham dự hội nghị có GS.TS.Ngô Thế Dân, Chủ tịch HLV Việt Nam; Ban chấp hành CLB Trang trại & Ngành nghề Việt Nam cùng các giám đốc công ty, chủ nhiệm trang trại, HTX trong cả nước tới dự.
Theo ông Giáp Văn Hạnh, Thường vụ Trung ương HLV Việt Nam, Chủ nhiệm CLB, đến nay CLB Trang trại & Ngành nghề Việt Nam có hơn 3.000 hội viên. Trong quá trình hoạt động, CLB đã tổ chức tập huấn cho nhiều trang trại, nhóm trang trại tại địa phương, thông qua các buổi tập huấn đã chuyển giao các thông tin, công nghệ máy móc, thông tin giống cây trồng, vật nuôi mới để các chủ trang trại, người dân áp dụng vào sản xuất để từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
Sau gần 3 năm hoạt động, CLB đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực như: Phát triển vườn ươm giống cây; phát triển, triển khai các mô hình trồng cây ăn quả và cây dược liệu liên kết sản xuất hỗ trợ đầu ra sản phẩm sau thu hoạch.
Quang cảnh Hội nghị.
Cụ thể, CLB đã mở rộng và quy hoạch lại vườn ươm “Trung tâm giống cây trồng - Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam” tại xóm Lai, xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội. Từ đầu năm 2015 tới nay, vườn ươm đã được quy hoạch lại, xây dựng nhà lưới. Hệ thống điện nước để phục vụ cho việc sản xuất cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả đạt chất lượng cao với giá cả thấp nhất.
Trung tâm giống cây trồng đã đi đầu trong việc đưa các giống cây ăn quả mới, có năng suất cao vào sản xuất như: Táo Thái, ổi Nữ Hoàng, chanh Limca, na Thái; cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân áp dụng và đã nhận được rất nhiều các phản hồi tích cực từ các trang trại.
Triển khai các mô hình trồng cây dược liệu tại các tỉnh, đến nay diện tích đã lên tới hơn 100ha.
Ngoài ra, CLB đã có các chương trình kết hợp với các công ty hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người trồng đối với một số cây ăn quả: bưởi, chuối, ổi... ; cây dược liệu: đinh lăng, ba kích, cà gai leo.
Đặc biệt, CLB đã hỗ trợ đầu ra cho các hộ sản xuất thông qua xây dựng sàn giao dịch “muabannongnghiep.com” nhằm đưa các thông tin về thị trường nông nghiệp. Đưa các sản phẩm của các chủ trang trại và làng nghề lên giao dịch trực tuyến với các đối tác thu mua trong và ngoài nước. Cập nhật thông tin thị trường, giá cả thị trường, định hướng sản xuất phù hợp. Đăng tin bán hàng, bán các sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng, tới cơ sở chế biến. Từ đó, giúp các chủ trang trại có cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất trực tiếp với các tổ chức, công ty tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Điển hình là đã giúp một số các trang trại ở các tỉnh như: Hưng Yên, Hải Dương tiêu thụ chuối, rau - củ - quả các loại; giúp các trang trại ở Nam Định, Vĩnh Phúc tiêu thụ đinh lăng, cà gai leo, thìa canh...
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị.
Về định hướng trong thời gian tới, CLB xác định tiếp tục củng cố lại tổ chức và hoạt động của CLB; mở rộng công tác phát triển hội viên không những ở các tỉnh phía Bắc mà sẽ mở rộng tại khu vực phía Nam; triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn, hội thảo hỗ trợ các trang trại. Đặc biệt, liên kết với các công ty để định hướng sản xuất chăn nuôi và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.
Thảo luận tại hội nghị, theo ông Đỗ Như Sưởng, Phó chủ tịch HLV TP. Hà Nội, CLB cần tổ chức được các hội thảo, tiếp cận được các doanh nghiệp, nhà sản xuất tìm đầu ra cho các chủ trang trại. Ngoài ra, cần kiện toàn lại tô chức CLB cho chặt chẽ hơn.
Ông Phạm Văn Phục, Chủ tịch Liên hiệp HTX Tứ Kỳ - Hải Dương cho biết, CLB hoạt động tự nguyện hỗ trợ về kỹ thuật là chính nhưng hiện nay chưa hỗ trợ được nhiều cho hội viên. Bên cạnh đó, cơ cấu CLB còn yếu, cần tổ chức lại cho rõ nét, cụ thể. Ông Phụng đề xuất, HLV Việt Nam cần có đề xuất cho hội viên trang trại được tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lúc chăn nuôi khó khăn như hiện nay. Kết nạp hội viên nhưng nếu hội viên không thực hiện quy chế cần cho ra khỏi CLB. Tăng cường các buổi giao lưu tập huấn với các hội, trang trại, đẩy mạnh phương thức hoạt động theo hướng liên kết để trao đổi thông tin, thế mạnh của của từng địa phương.
Ông Ngô Thế Dân, Chủ tịch HLV Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Ông Nguyễn Bá Ngơi, Chủ tịch Hội Làm vườn - Sinh vật cảnh xã Phù Đỗng cho biết, cần phải tách biệt giữa CLB và công ty riêng của Chủ nhiệm CLB. Kiện toàn lại CLB là cần thiết để hoạt động có hiệu quả hơn. Thời gian tới nên sản xuất trang trại theo vùng miền; nên xây dựng mô hình điển hình kiểu mẫu để các hội viên, trang trại học hỏi; tăng cường kênh quản bá giới thiệu sản phẩm tìm đầu ra cho trang trại….
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Kinh tế nông thôn, trước hết cần làm rõ mục đích thành lập CLB là gì? Là liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm giữa các trang trại với thị trường. Về việc này, CLB chưa làm tốt. Ông Tuấn lấy ví dụ: Bây giờ Chính phủ đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, CLB cần vào cuộc hỗ trợ hồ sơ pháp lý để các trạng trại tiếp cận vốn. Ban chủ nhiệm phải làm được việc này, đây là việc làm cụ thể thiết thực giúp cho các trang trại có nhu cầu về vốn để phát triển kinh tế. Tới đây báo Kinh tế nông thôn sẽ lên báo điện tử sẽ mở ra trang liên kết giữa các câu CLB trang trại. Báo sẵn sàng là khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các trang trại.
Ông Ngô Thế Dân, Chủ tịch HLV Việt Nam chỉ đạo: CLB cần khắc phục những tồn tại khuyết điểm. Để xảy ra khuyết điểm có một phần trách nhiệm của HLV. Cần thiết phải củng cố lại CLB và phát triển mạnh hơn.
Kết thúc Hội nghị, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch HLV Việt Nam đã đưa ra nhiều vấn đề để phát triển Hội như: Bàn sâu về cách thức hoạt động của Hội; bàn về phát triển kinh tế VAC; Xây dựng mô hình trang trại công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm; lựa chọn những người có tâm huyết vào BCH CLB...
Ông Lượng cho biết, năm 2017, HLV tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính như: tiếp tục duy trì tổ chức Hội; phối hợp với các ban, ngành tổ chức để có kinh phí hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên; tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các đề án, dự án nếu có; mở thêm hoạt động của hội đối với các hoạt động có thu.
PV
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…