Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 5 năm 2020 | 13:32

Công ty Phúc Khang bị khách hàng “tố” mang sổ đỏ dự án Làng Sen Việt Nam đi cầm cố ngân hàng

Dự án Làng Sen Việt Nam được Công ty TNHH đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A (Công ty Phúc Khang) rao bán rầm rộ từ năm 2015. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có hàng loạt khách hàng “tố” Công ty Phúc Khang mang sổ đỏ của họ đi cầm cố ngân hàng...

Vừa qua,  Tạp chí Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của bạn đọc về việc Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A (thành viên của Công ty  Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang) mang sổ đỏ của khách hàng tại dự án Khu đô thị Văn hoá – Thương mại – Du lịch Làng Sen Việt Nam (Dự án Làng Sen Việt Nam) đi thế chấp ngân hàng. Hơn nữa, sau 5 năm thực hiện dự án, Công ty Phúc Khang vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo đúng 1/500 đã ký kết với tỉnh Loang An và khách hàng.

5 năm chưa xong hạ tầng…

Được biết, dự án Khu đô thị Văn hoá – Thương mại – Du lịch Làng Sen Việt Nam được Công ty Phúc Khang mở bán từ năm 2015. Thời điểm đó, Công ty Phúc Khang đã sử dụng những lời có “cánh” để quảng bá cho dự án như: “thiên đường sống xanh”, “bản hoà ca văn hoá truyền thống”, hay “một khu đô thị sinh thái bậc nhất”…

Tuy nhiên, một khách hàng cho biết, thời điểm hiện tại dự án Làng Sen Việt Nam nhìn không khác gì với ngày đầu họ xuống tiền mua lô đất ở dự án. Đường chưa hề trải nhựa, các tiện ích xã hội và công trình khu đô thị như: trường học, siêu thị, núi Ngũ Hành Sơn, Kênh Tre Ngà, vườn cây ăn trái, khu vui chơi… vẫn chưa thấy đâu. Phía tỉnh Long An đã có công văn yêu cầu công ty làm cơ sở hạ tầng nhưng cũng không có gì chuyển biến.

Công ty Phúc Khang bị khách hàng “tố” mang sổ đỏ của dự án Làng Sen Việt Nam đi cầm cố ngân hàng
Công ty Phúc Khang bị khách hàng “tố” mang sổ đỏ của dự án Làng Sen Việt Nam đi cầm cố ngân hàng

Ông P.Đ.K cho biết: “Hiện tại dự án toàn dự án chỉ mới có khoảng gần 500 chủ đất đã có sổ. Những người đã có sổ thì cũng không chuyển nhượng được do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nên tỉnh Long An chỉ đạo xuống huyện Đức Hoà không cho chuyển nhượng và yêu cầu công ty Phúc Khang phải hoàn thiện được cơ sở hạ tầng theo 1/500 đã ký với tỉnh. Sau nhiều lần làm việc, phía Công ty Phúc Khang hứa hẹn sẽ thực hiện xong hạ tầng vào cuối năm 2019. Sau đó, Công ty Phúc Khang tiếp tục báo rằng đầu quý I năm 2020 sẽ bắt đầu cho làm hạ tầng”.

Ông P.Đ.K cho biết thêm: “Tôi kính mong các cơ quan có thểm quyền kiểm tra, xử lý nhằm răn đe, cảnh báo để buộc Công ty Phúc Khang rút tất cả các sổ đỏ thế chấp ngân hàng, nhanh chóng sang nhượng cho khách hàng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo đúng 1/500 đã ký với tỉnh Long An và khách hàng chúng tôi”.

Thế chấp sổ đỏ của khách hàng

Để xác minh thông tin, PV đã liên hệ với ông P.Đ.K – người viết đơn khiếu nại thì được ông cho biết: Tôi đã mua dự án Làng Sen vào thời điểm năm 2015. Dự án đã được Công ty Phúc Khang thực hiện hơn 5 năm kể từ ngày mở bán và tôi cũng đã hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng vào tháng 6 năm 2017, nhiều anh chị khác cũng là khách hàng mua tại dự án như tôi cũng hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền hợp đồng đầy đủ từ lâu. Thế nhưng, mảnh đất chúng tôi tích cóp từng đồng để mua lại bị Công ty Phúc Khang đồng loạt mang đi thế chấp ngân hàng.

“Bằng chứng là tôi đã mua lô đất G4 27 (mua từ chủ đầu tư) và D5 53 (mua sang nhượng lại từ chủ khác vào năm 2018 khi họ đã hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền) thì 2 lô đất trên đều bị Công ty Phúc Khang mang thế chập tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chi nhánh Trần Quang Khải. Khi tôi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán và yêu cầu công ty Phúc Khang giải đáp thì phía công ty coi đó là chuyện bình thường”, ông P.Đ.K cho biết thêm.

Ngày 14/12/2019, Công ty TNHH Khang Phúc Khang Sen Việt L.A đã có văn bản phản hồi khiếu nại của ông P.Đ.K. Trong văn bản, Công ty Phúc Khang cho rằng , tại thời điểm thế chấp ngày 21/7/2015 thì quyền sử dụng đất vẫn thuộc về công ty nên việc công ty thế chấp thửa đất tại thời điểm đó là phù hợp”.

Ngoài ra, phía Công ty Phúc Khang còn cho biết thêm: “Việc thế chấp trên là bình thường đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản, để có thêm nguồn vốn triển khai dự án và bù vào các nguồn không kịp thu về theo kế hoạch kể cả nguồn do khách hàng chậm thanh toán”.

Trên thực tế việc các chủ đầu tư cầm cố dự án không còn là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nhất định, việc cầm cố này có thể gây ra nhiều hệ luỵ khôn lường và người chịu thiệt hơn cả vẫn là khách hàng.

Phóng viên đã trở lại dự án Làng Sen để tìm hiểu xem sau 5 năm, dự án này có trở thành khu đô thị sinh thái bậc nhất như đã từng cam kết với khách hàng hay chưa. Những thông tin và hình ảnh chân thực nhất sẽ được đưa đến bạn đọc trong bài viết tiếp theo.

 

 

 

Tấn Thành
Ý kiến bạn đọc
Top