Mô hình nông - lâm kết hợp là một trong những phương pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, đặc biệt đối với những người đang làm công tác quản lý, bảo vệ rừng khi chuyển diện tích đất sang làm nông nghiệp. Mô hình của ông Đoàn Đắc Đức ở thôn 3, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là một ví dụ.
Là một cá nhân nhận quản lý 30ha rừng tại xã Ea Kao, trước đây, ông Đức luôn trăn trở làm thế nào để vừa bảo vệ được cây rừng lại vừa có thể duy trì nguồn thu nhập ổn định cho nhân công. Sau một thời gian tìm hiểu qua sách báo và tham khảo từ những người có kinh nghiệm, ông Đức đã mạnh dạn chuyển đổi sang làm mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp và bước đầu thấy hiệu quả. Diện tích đất rừng nơi ông Đức quản lý nằm cách trung tâm xã Ea Kao hơn 3km về phía Tây. Nếu không có người hướng dẫn thì thoạt nhìn ngôi nhà mái lợp tôn nằm giữa khu rừng, không ai biết bên trong có hàng nghìn con heo đang sinh trưởng, nuôi theo quy trình khép kín. Ông Đức chia sẻ: “Để duy trì nguồn vốn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, tôi nghĩ cần phải có sự kết hợp giữa nông nghiệp và chăn nuôi. Bởi vậy mà đến nay, tôi luôn đảm bảo được nguồn vốn từ mô hình trang trại nuôi heo khép kín lại đảm bảo được môi trường sinh thái”.
Ông Đức cùng cán bộ Hội Nông dân Ea Kao tham quan trang trại
Được biết, trang trại của ông Đức liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh tại Đắk Lắk. Theo đó, chủ trang trại bỏ vốn xây dựng, phía công ty cung cấp giống, nguồn thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra cho người chăn nuôi. Hiện, trang trại có 1.300 heo con, mỗi lứa heo chăm sóc chừng 4 - 5 tháng là xuất chuồng. Nhờ được chăm sóc tốt và theo dõi sát sao sự phát triển của đàn heo, lại nằm tách biệt khu dân cư nên công tác phòng dịch được đảm bảo, hiếm có nguy cơ lây nhiễm bệnh từ heo khác. Bên cạnh đó, chất thải từ heo được xử lý rất kỹ, đảm bảo môi trường sinh thái. Nhằm giảm chi phí mua phân bón phục vụ canh tác nông nghiệp, ông Đức tận dụng xử lý chất thải từ đàn heo trong trang trại ủ làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây cà phê, tiêu và điều.
Ông Đức làm cỏ vườn tiêu
Ông Đức cho biết thêm, mô hình nông lâm nghiệp kết hợp này ngoài việc đem lại giá trị kinh tế cao còn giúp cho những người làm công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng như ông đảm bảo được nguồn thu cho nhân công, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Ngoài làm trang trại, ông Đức còn tận dụng triệt để những cây gỗ có sẵn trong diện tích đất rừng ông quản lý như cây huỳnh đàn, muồng đen, mít... làm trụ sống cho cây tiêu. Trung bình mỗi năm ông thu 1 tỷ đồng từ mô hình nông - lâm kết hợp". Ông Phạm Viết Đại, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kao cho biết: “Mô hình của ông Đức đem lại hiệu quả rõ rệt; vừa bảo vệ được rừng vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định”.
Bài, ảnh: Thu Sa
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…