Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2019 | 18:5

Đắk Lắk: Trồng vải thiều thu nhập 500 triệu đồng/năm

Trồng vải thiều, thay thế cây công nghiệp ngắn ngày kém hiệu quả, cho thu nhập cao 500 triệu đồng/năm

Gia đình ông Nhữ Duy Chiến, thôn 11, xã Ea Pil, huyện M’Đrắk, là hộ tiêu biểu trong chuyển đổi cây công nghiệp ngắn ngày kém hiệu quả, sang trồng vải thiều, đem lại thu nhập cao.

 

vai-931.jpg

 Ông Chiến đang chăm sóc vườn vải thiều

 

Trước đây, ông Chiến có 2 ha đất, chủ yếu trồng mía, sắn, ngô và các loại hoa màu. Song, do trồng trên đất pha cát, đất sỏi, nên cây công nghiệp không cho năng suất như mong muốn.

Năm 2013, một lần đi thăm người quen, thấy họ trồng vải thành công, ông mua thử 5 cây về trồng. Sau một thời gian, nhận thấy cây vải hợp với chất đất nơi đây, ông đã mở rộng quy mô vườn cây.

Hiện, ông Chiến có 500 cây vải, mỗi vụ cho thu hoạch 45 - 50 kg quả/cây, bình quân mỗi năm ông thu 8 - 10 tấn quả. Thời gian thu hoạch vải, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch, thương lái vào tận vườn thu mua, cắt tươi đem đi bán, giá đầu mùa 50 – 60.000 đồng/kg.

Trừ chi phí chăm sóc, phân bón, thuê nhân công, trung bình, mỗi năm ông Chiến có thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Ông Chiến chia sẻ, cây vải rất hợp với chất đất M’Đrắk. Bình thường, 3 năm vải cho trái, nhưng nếu chăm tốt, chỉ 2 năm đã có quả bói. Trái vải ở đây cơm dày, vị ngọt, không thua kém vải trồng tại các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Bắc Giang…

Song, để cây vải đem lại hiệu quả cao, người dân cần chú trọng chọn cây giống, thời vụ và mật độ trồng. Vải thiều có thể trồng được quanh năm, nhưng có hai thời điểm thích hợp nhất là: vụ xuân tháng 2 – 4, và vụ thu tháng 8 – 10 dương lịch.

Tùy thuộc vào giống, độ màu mỡ của đất, điều kiện khí hậu, cũng như khả năng thâm canh, mức độ đầu tư, để  xác định mật độ trồng và khoảng cách trồng vải hợp lý.

Mặt khác, người trồng cần tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc, và phòng trừ bệnh cho cây vải.

Không chỉ trồng vải, ông Chiến còn có vườn ươm giống cây, để cung cấp cho bà con có nhu cầu; đồng thời sẵn sàng tư vấn kỹ thuật  trồng và chăm sóc vải.

Lâm Đồng: Lên cao nguyên trồng xoài

 Thôn Tân Phú, xã Ninh Gia, huyện Ðức Trọng, giờ đây, ngoài cây trồng chủ lực là cà phê, đã điểm thêm những sườn đồi trĩu nặng cây ăn trái.

 

xoai-99.gif

Cây xoài đem lại hiệu quả cao cho bà con Tân Phú    

 

Ðặc biệt là xoài Ðài Loan, xoài Tây… to, mọng, đang trở thành lựa chọn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nhiều nông hộ.

Phó Trưởng thôn Tân Phú dẫn chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Trọng Bình, sở dĩ, phải tìm ông, bởi ở đây bất kỳ điều gì, liên quan đến xoài, người ta đều gặp ông để được tư vấn, vì ông là người đầu tiên đem cây xoài lên dải đất này.

Người dân Tân Phú hay gọi ông là ông Năm Xoài. Thi thoảng có người gọi là ông Năm khùng. Ông bảo gọi thế nào ông cũng vui, vì họ nói đâu có sai. “Khi cà phê đang xanh tốt, tôi lại liều lĩnh phá đi, mang xoài tận miền Tây lên để trồng, thì đúng là khùng thiệt”.

Nhưng với những lão nông như ông, chẳng làm việc gì mà không suy tính kỹ. Hơn 20 năm gắn bó với cao nguyên, khiến ông ít nhiều hiểu về thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây.

Ông chia sẻ, thấy những cây xoài rừng phát triển rất tốt, thì có lẽ cây xoài An Giang quê hương mình, sẽ phù hợp. Nghĩ là làm, ông về quê mang lên vài cây trồng thử.

Xoài nhanh chóng bén rễ, hợp đất, phát triển tốt. Nhưng dường như sự màu mỡ của cao nguyên, ưu đãi quá nhiều, nên trái xoài khi già bị nứt toác.

Nhận ra nhược điểm của trái xoài này là vỏ mỏng, nên ông quyết định ghép với xoài Đài Loan. Kết quả, ngoài mong đợi, cũng từ đây (năm 2013), ông bắt đầu có thêm biệt hiệu là “Năm khùng”.

Sau gần 2 năm, ông thu được những trái xoài đầu tiên, song, giống xoài lạ, trái to, nặng trên dưới 1 kg, lại không được người dân vùng núi ưa chuộng.

Ông bèn đóng thùng, gửi xe bán ngược về miền Tây. Thấy xoài ở đây chất lượng tốt, con trai ông cũng theo cha lên trồng; đồng thời, ông còn thu mua cho bà con, để mang đi tiêu thụ.

Hiện, Tân Phú có trên 10 hộ trồng xoài, khoảng 20 ha. Bà Nguyễn Thị Út, cho biết, bà có 1,5 ha xoài, chuyển đổi từ cà phê già cỗi. Cũng như ông Năm, bà cũng theo gia đình lập nghiệp ở đây. Thấy xoài cho hiệu quả cao, bà mạnh dạn trồng thử, năm thu hoạch thứ 2, đạt 9 tấn/ha. 

Theo ông Năm, năng suất có thể đạt 15 tấn/ha/vụ. Giá bán 10 - 20.000/kg, trừ chi phí, thu nhập được cải thiện đáng kể. Hiện, bà con đang thử nghiệm cho ra trái vụ, để bán Tết Nguyên Đán, dự kiến, nguồn thu từ xoài còn cao hơn rất nhiều. 

“Người ta chuyển sang trồng xoài, do không tốn nhiều chi phí, công chăm sóc. Nhất là thu hái không cần quá nhiều lao động như cà phê. Một ha thì chỉ cần 2 người, thu hoạch trong 2 tháng là xong”, ông Năm Xoài cho biết.

Mặt khác, nhận thấy nhu cầu của bà con rất lớn, ông đã về Tiền Giang kết nối với cơ sở cây giống, cung cấp cho bà con. Đồng thời, cam kết thu mua khi thu hoạch. Ông còn ấp ủ thành lập tổ hợp tác, để trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ bà con, tạo thương hiệu cho trái xoài.

Theo Trưởng thôn Nguyễn Bá Thanh, diện tích xoài vẫn đang tăng. Trước mắt, nhu cầu khá cao, nhất là trái vụ, giá cao gấp đôi, gấp ba lần. Vả lại, cà phê năng suất không cao, cây xoài khá hơn, nên cũng động viên những hộ chuyển đổi.

Bầu Đức: Chia tay cao su sau nhiều năm chịu đựng      

Sau nhiều năm chịu đựng, và từng dọa bán hết lĩnh vực cao su cho nước ngoài, bầu Đức chính thức chuyển nhượng mảng cao su cho Thaco.

 

csu-951.jpg

Chia tay cao su sau nhiều năm chịu đựng

 

Kinh doanh cao su, từng là con bài được bầu Đức kỳ vọng, đưa Hoàng Anh Gia Lai lên nấc thang mới. Nhưng mọi thứ tiêu tan vì giá cao su không như kỳ vọng, đẩy công ty vào gánh năng tài chính.

Sau nhiều năm chịu đựng, và từng dọa bán hết cho đối tác nước ngoài, bầu Đức chính thức chuyển nhượng cho Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco).

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán HNG) đã công bố chuyển nhượng vốn góp tại Công ty cao su Đông Dương.

Theo đó, HNG sẽ chuyển 100% vốn góp cho Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (thuộc Thaco)

HNG sở hữu 100% vốn điều lệ tại Công ty cao su Đông Dương. Năm 2018, doanh thu của Đông Dương đạt 1.465 tỉ đồng.

Công ty Đông Dương hoạt động chính trong lĩnh vực cao su và chế biến sản phẩm từ cao su, trồng, chăm sóc rừng, xây dựng nhà, công trình dân dụng, buôn bán máy móc thiết bị và phụ tùng khác, vận tải hàng hóa.

Năm 2018, về mảng cao su, HAGL cho biết đang duy trì ổn định 47.122 ha cao su, trong đó 20.361 ha tại Lào, 4.972 tại Việt Nam và 21.789 ha tại Campuchia.

HAGL đang vận hành một nhà máy chế biến mủ cao su công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến, năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được khai thác nếu giá mủ phục hồi.

Đắk Nông: Chuối rừng sấy khô…lãi “khủng”

Tại xã Đắk Ngo (Tuy Đức), chuối rừng mọc rất nhiều ở khe, suối và được người dân khai thác, tận dụng để chế biến thành nguyên liệu, cung cấp ra thị trường. Hiện, nhiều gia đình ở Đắk Ngo đã có thêm nghề chế biến chuối rừng, thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

 

chuoi-39.jpg

 Chế biến chuối rừng người dân có thu nhập cao

 

Anh Hoàng Văn Cẩn, bản Đoàn Kết (Đắk Ngo) cho biết, trước đây, anh sử dụng chuối rừng phơi khô, ngâm rượu cho gia đình và người quen dùng.

Dần dần, thấy nhiều người có nhu cầu, anh  tìm hiểu sách báo, thấy chuối rừng có tác dụng chữa một số bệnh như: đau lưng, nhức mỏi, sỏi thận...

Từ đó, anh quyết định mở cơ sở thu mua, chế biến, bán ra thị trường. Vì vậy, anh tự vào rừng săn lùng, hoặc đặt hàng cho người dân thu hái chuối đã già.

Sau đó, anh đem ủ chín rồi lột sạch vỏ, phơi nắng khoảng ba ngày, sau đó sấy khô. Đồng thời, để sản phẩm bắt mắt, anh tự thiết kế nhãn mác, đóng bao bì, bán lẻ cho khách.

Nhờ đó, sản phẩm chuối rừng của anh Cẩn ngày càng được biết đến nhiều hơn. Sau khi chế biến, đóng gói, anh Cẩn bán từ 35 - 50.000 đồng/kg.

Do làm ăn uy tín, sản phẩm chất lượng, anh Cẩn đã phát triển bạn hàng khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

“Chuối rừng không phải là dược liệu. Nó chỉ để ngâm rượu theo nhu cầu người dân. Hai bên cùng có lợi, tôi cũng "sống được" với nghề", anh Cẩn cho biết.

Theo đó, mỗi tháng anh xuất bán 5 - 10 tấn chuối sấy khô. Trừ hết chi phí, lãi khoảng 50 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động nông nhàn tại địa phương. Ai rảnh, đến phụ việc cho anh, mỗi ngày cũng có thu nhập 150 -300 ngàn đồng.

Tương tự, chị Nghiêm Thị Đào, ở bon bon Phi Lơ Te 1 (Đắk Ngo) cũng có thâm niên gần chục năm gắn bó với nghề. Chị Đào chủ yếu sấy bằng lò sấy để giữ màu sắc, hương vị.

Theo chị Đào, nếu chuối đã chín mà phơi nắng sẽ mất vệ sinh, vì ruồi nhặng bu bám, chuối  bị đen, hay hỏng. Trước đây, nghề này chỉ là tay trái, nay thành nghề chính, mỗi năm chị Đào kiếm được hơn 100 triệu đồng từ sản xuất, kinh doanh chuối rừng.

Theo lãnh đạo xã Đắk Ngo, ý thức được giá trị cây chuối rừng, người dân không thu hái sản phẩm bừa bãi. Mặt khác, bà con còn nhân giống để làm phong phú lâm sản cho rừng, vừa có thu nhập lâu dài.

 

 

 

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top