Cù Lao Dung ( Sóc Trăng) là huyện cù lao nằm ở cuối nguồn sông Hậu, nơi gần với của biển Trần Đề và cửa biển Định An, được bao bọc bởi bốn bề sông nước, hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật phong phú, hấp dẫn.
Đây còn là quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng, nét văn hóa đặc sắc, được đánh giá có tiềm năng du lịch bậc nhất của tỉnh Sóc Trăng…
Tiềm năng phát triển du lịch
Ông Lê Trọng Nguyên, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung, cho biết: Cù Lao Dung là huyện có hệ thống sông, rạch tự nhiên khá nhiều, không khí trong lành, mát mẻ quanh năm, thuận tiện cho phát triển hệ thống vườn cây ăn trái đặc sản ở các xã đầu cù lao; nuôi tôm, nghêu, cua, trồng nhãn ở các xã ven biển. Huyện còn có tài nguyên biển rất phong phú và đa dạng. Đặc biệt, hơn 1.200ha rừng phòng hộ của huyện cùng bãi bồi hàng chục ngàn hecta, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các hoạt động vui chơi giải trí trên biển.
Huyện còn có truyền thuyết về chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) về vùng cù lao ẩn nấp trốn quân Tây Sơn vào những năm cuối thế kỷ XVIII, nên ngày nay còn có các địa danh rạch Long Ẩn và rạch Trường Tiền ở xã An Thạnh Nhất. Còn ở xã An Thạnh Nam lại có truyền thuyết về Sân Tiên đầy hấp dẫn.
“Xác định được vị trí, địa lý và tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng và UBND huyện đã kêu gọi đầu tư và khai thác các mô hình du lịch sinh thái kết hợp với loại hình du lịch cộng đồng, nhằm tạo ra loại hình văn hóa đặt trưng của vùng sông nước cù lao này”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, những năm trước, Cù Lao Dung đã tiếp nhận Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước tại các huyện Cù Lao Dung và Kế Sách” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt (TP. Hồ Chí Minh) là đơn vị thực hiện. Dự án này tập trung cho một số gia đình ở 2 xã An Thạnh Nhất và An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung).
Cụ thể, tại xã An Thạnh Nhất có 2 điểm là làng du lịch Trường Tiền và làng du lịch Long Ẩn. Tại đây, các sản phẩm được khai thác phục vụ khách là tham quan vườn cây ăn trái quanh vùng; trải nghiệm leo dừa, uống nước dừa, bơi xuồng, thưởng thức các món ăn đặc sản vùng sông nước cù lao, nghỉ đêm tại các homestay, trải nghiệm sản phẩm cùng gói bánh dân gian với người dân và thưởng thức bánh nóng tại chỗ, nghe kể chuyện về lịch sử vùng đất Cù Lao Dung...
Còn tại khu du lịch Farmstay Sân Tiên (xã An Thạnh Nam), cung cấp dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, đàn ca tài tử… Đây là địa điểm thú vị cho các đoàn khách du lịch thích trải nghiệm, tận hưởng không gian thiên nhiên như: Đi cầu tre xuyên rừng, bắt ốc len, bắt vọp, câu cua biển, thưởng thức dừa nước mật ong, trực tiếp nướng vọp, sam, đạp xe đạp tham quan bãi cá thòi lòi; ở khu vực bãi bồi cung cấp dịch vụ tắm bùn thiên nhiên, trải nghiệm trò chơi dân gian “ném bùn - đạp mong”, cào nghêu, bắt nghêu, đi thuyền ra cửa biển câu cá, dùng cơm trên thuyền kết hợp đờn ca tài tử,….
Những trải nghiệm thú vị
Anh Lê Thanh Hải (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi và bạn bè đã có chuyến đi Cù Lao Dung. Về đây tôi rất ấn tượng bởi một vùng đất rất bình yên. Nhưng thích nhất là khi được khám phá khu rừng bần cổ thụ ngập nước rộng khoảng 1.500ha ở xã An Thạnh Nam. Theo hướng dẫn viên giới thiệu, đây là khu rừng bần ngập nước rộng lớn nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm. Đến nay vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ. Đến đây, chúng tôi rất thích khi được đi tàu dọc khu rừng hướng ra biển, được thả mình giữa mênh mông trời biển, được tận hưởng thú vui đi trên bãi bồi rộng trên 850ha; được đi trên những cầu tre len lỏi giữa rừng nghe chim hót líu lo, nhìn khỉ nhảy nhót trên ngọn cây; được chiêm ngưỡng đàn chim đủ loại như cò, vạc, yến, đàn dơi,…bay rợp trời. Thật thoải mái khi được sống giữa thiên nhiên bao la, trong lành”.
Ông Trương Văn Dũng (47 tuổi, ngụ ấp An Qưới, xã An Thạnh Ba) cho biết: Nhờ cánh rừng phòng hộ mà chúng tôi khai thác được nhiều nguồn lợi thủy sản để phục vụ khách du lịch sinh thái. Rừng hiện nay có rất nhiều chim, cò, ong rừng, ba khía, cua, tôm, cá các loại. Chúng tôi vừa chăm sóc, bảo vệ rừng vừa bắt cá, cua, tôm, ốc, ba khía,… dưới tán rừng ngập mặn này. Mỗi ngày cũng có thu nhập 200-300 ngàn đồng. Về đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn hấp dẫn, sạch, an toàn như canh chua bần cá bống sao, cá ngát, cá bông lau, cá tra bần nấu với trái bần chín; gỏi (nộm) bông bần; trái bần sống ăn với mắm sống, cá thòi lòi nướng, cá ngát nướng, tôm, cua,… Khách đến tham quan ở rừng đước ven biển, được thưởng thức món ăn từ cua bắt trong rừng, cá thòi lòi nướng, tôm bần,…và ngắm nhìn bầy khỉ đùa giỡn rất thân thiện với con người. Khi du khách ăn uống, đàn khỉ thường xuất hiện và làm trò để được cho thức ăn.
Phát triển huyện du lịch
Cù Lao Dung còn có nhiều địa điểm gắn với truyền thuyết về những dấu tích trên đường bôn tẩu của vua Gia Long (Triều Nguyễn) như rạch Long Ẩn, rạch Trường Tiền; hay vùng đất linh thiêng có tên gọi Sân Tiên nằm ở cuối Cù Lao.
Về Cù Lao Dung, du khách còn được tham quan các di tích lịch sử như Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ, Bia Chiến thắng Rạch Già gắn với bài hát “Du kích Long Phú”, Bia Chiến thắng An Hưng, Bia kỷ niệm nơi thành lập Trường Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng,…
Anh Nguyễn Văn Duy (phường 4, TP Sóc Trăng) nhận định: “Cù Lao Dung là huyện có thế mạnh về du lịch sinh thái vì vẫn giữ được nguyên vẹn nét đẹp riêng của vùng sông nước. Nếu được đầu tư xứng đáng, có cầu Đại Ngãi nối Quốc lộ 60, có cáp treo nối từ đường Nam sông Hậu sang, chắc chắn Cù Lao Dung sẽ trở thành “Phú Quốc” của Sóc Trăng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trọng Nguyên, cho biết: “Là địa phương có nhiều thế mạnh về du lịch sinh thái nên huyện đã có kế hoạch phát triển Cù Lao Dung thành huyện du lịch. Vì vậy, Huyện ủy sẽ có nghị quyết về du lịch để xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối với các khu, điểm du lịch trong vùng và liên vùng. Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển du lịch tại Cù Lao Dung. Huyện sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn. Mong ước của chính quyền và nhân dân địa phương là sớm có cầu Đại Ngãi qua Cù Lao Dung. Có cầu, chắc chắn du lịch nói riêng, kinh tế xã hội của huyện Cù Lao Dung sẽ khởi sắc”.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.