Ngày 25/11, tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị Tham vấn điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn cảnh hội nghị.
Đây là việc làm thực hiện hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về thực hiện giải pháp cấp nước sinh hoạt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành; 13 tỉnh, thành trong khu vực; các viện, trường, hội nghề nghiệp và các chuyên gia trên lĩnh vực này.
Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, ngày 8/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2140/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 2140).
Quy hoạch 2140 được lập và phê duyệt trong bối cảnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt xâm nhập mặn năm 2015 - 2016. Song theo các nghiên cứu mới nhất của đơn vị tư vấn lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030 và thực tế diễn biến nguồn nước trong đợt xâm nhập mặn năm 2019 - 2020, việc phân các vùng và tiểu vùng cấp nước được xác định trong Quy hoạch 2140 vẫn đảm bảo tính phù hợp.
Cũng theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, trong Quy hoạch 2140 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, các nhà máy nước liên vùng tập trung ở ba khu vực.
Vùng 1 - Bắc sông Tiền, dự kiến có Nhà máy nước Sông Tiền 1 tại khu vực Cái Bè (Tiền Giang) cấp nước cho các tỉnh Long An, Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp; công suất đến năm 2025 là 100.000 m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 300.000 m3/ngày đêm.
Vùng 2 - giữa sông Tiền và sông Hậu, có Nhà máy nước Sông Tiền 2 tại khu vực Vĩnh Long cấp nước cho các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và phần còn lại của tỉnh Đồng Tháp; công suất đến năm 2025 là 200.000 m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 300.000 m3/ngày đêm.
Vùng 3 - Tây Nam sông Hậu, gồm Nhà máy Sông Hậu 1, Sông Hậu 2 và Sông Hậu 3 cấp cho các tỉnh còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long; tổng công suất đến năm 2025 là 700.000 m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 1.050.000 m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, để các dự án cấp nước trong vùng được triển khai một cách hiệu quả, khoa học và đồng bộ, đồng thời làm cơ sở tiến hành cập nhật, tích hợp nội dung định hướng phát triển hạ tầng cấp nước vào Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, việc điều chỉnh Quy hoạch 2140 là rất cấp thiết.
Tại hội nghị, thông qua việc đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch 2140, các chuyên gia, các đại biểu đã tích cực thảo luận, trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.
Nhiều ý kiến chuyên gia thể hiện sự đồng thuận với đề xuất của UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - gộp chung vùng I (Bắc sông Tiền) và vùng II (giữa sông Tiền và sông Hậu) thành vùng duy nhất (vùng Đông bắc sông Hậu); gộp chung Nhà máy nước sông Tiền 1 và Nhà máy nước sông Tiền 2 thành nhà máy cấp nước vùng duy nhất (Nhà máy nước sông Tiền), với công suất dự kiến đến năm 2025 đạt 300.000 m3/ngày đêm, đến năm 2030 đạt 600.000 m3/ngày đêm.
Vị trí Nhà máy nước sông Tiền tại khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (tại vị trí gần ngã 3 sông Tiền và sông Cái Cối để đảm bảo an toàn, anh ninh nguồn nước theo các luận chứng đã được phân tích khi lựa chọn điểm đặt trạm bơm Cái Bè).
Theo ông Huỳnh Hữu Quyền, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang, do tính chất cấp bách về bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và phát triển kinh tế-xã hội trong mùa khô hạn 2020-2021, UBND ba tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre đã đề xuất Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải có công suất giai đoạn một là 300.000 m3/ngày đêm và giai đoạn hai nâng lên 500.000 m3/ngày đêm vào Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết, việc điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết, phù hợp với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Ông Nguyễn Hữu Lập mong muốn dự án sớm được triển khai và đưa vào hoạt động, phục vụ dân sinh vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những địa bàn hạ lưu, ven biển Nam Bộ đang chịu thiệt hại do thiên tai rất nặng nề.
Theo PGS.TS. Trần Đức Hạ (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), các địa phương có thể nghiên cứu kết hợp các dự án cấp nước với các dự án thủy lợi để xây dựng các hồ chứa nước và quan tâm đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước. Ông cũng nêu lên phương án cấp nước sạch di động tùy từng thời điểm, tùy theo địa điểm và mức độ tác động của nhiễm mặn và các hiện tượng thời tiết bất thường khác.
Dự hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, những đề xuất, kiến nghị của các địa phương cũng như những ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại biểu đều có cơ sở và có tính logic. Việt Nam cần xem xét kết hợp các giải pháp từ xử lý nước mặt, xử lý nước mặn nước lợ, tái sử dụng nước mưa, đồng thời cần chia dự án thành các giai đoạn nối tiếp nhau để có những giải pháp cấp nước phù hợp nhất.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…