Việt Nam đã ký 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, nhiều FTA yêu cầu chuẩn mực rất cao, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực. Để các sản phẩm nông nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế, mở rộng thị trường, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới nhưng giá trị gia tăng rất thấp.
Cơ hội khẳng định mình
Theo các chuyên gia, khi tham gia các FTA thế hệ mới, nông sản Việt có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa; tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, tổng giao dịch thương mại khoảng 35% thương mại toàn cầu. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức và rủi ro, nếu không nỗ lực, chúng ta sẽ mất cơ hội và mất ngay thị trường “sân nhà”.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc hàng đầu thế giới. Các hiệp định FTA là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, nước ta có trên 30 ngành có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, nông nghiệp chiếm phần lớn. Chúng ta còn nhiều dư địa để triển khai công tác nghiên cứu, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện nay, hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu với khu vực châu Á. Các FTA mới sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thâm nhập, khai thác các thị trường mới, thị trường còn nhiều tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam; tạo cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Chủ động làm chủ thị trường
Khi tham gia các FTA thế hệ mới, bên cạnh cơ hội, nông sản Việt phải đối mặt với không ít thách thức. Phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm. Các quy định về truy xuất nguồn gốc, trở ngại về chất lượng, năng lực cạnh tranh, công nghệ chế biến….
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành nông nghiệp có rất nhiều mối lo nhưng lo nhất là sản xuất manh mún. Các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng lại nâng hàng rào phi thuế quan và kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội..
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành Nông nghiệp và các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về các hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là thông tin về ưu đãi thuế quan, yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa….
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh, cho rằng, bên cạnh yếu tố thị trường thì vấn đề chất lượng nông sản cũng là điều quan trọng khi cạnh tranh trên thị trường mở. Vấn đề không phải ở kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 42 - 43 tỷ USD, mà là giá trị gia tăng trong đó là bao nhiêu? Trong giá trị gia tăng ấy, doanh nghiệp Việt, nông dân Việt được hưởng lợi thế nào?.
Còn theo đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), EVFTA sẽ khiến nền nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Điều này dẫn tới nguy cơ đánh mất thị trường nội địa, nông sản bị trả lại, mất quyền xuất khẩu, trong khi nông sản từ Canada hay Nhật Bản đều có chất lượng và độ tin cậy cao, giá cả cạnh tranh.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo các chuyên gia, Chính phủ cần rà soát các cam kết có liên quan đến ngành nông nghiệp, đối chiếu với hệ thống các văn bản và tình hình thực thi chính sách hiện hành để có giải pháp điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và đảm bảo tuân thủ các cam kết.
Người đứng đầu Hội Nông dân Việt Nam, ông Thào Xuân Sùng, cũng cho rằng, các FTA thế hệ mới mang lại cơ hội vàng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng để tận dụng được cần phải thay đổi tư duy. Tới đây, Hội Nông dân sẽ tập trung xây dựng hợp tác xã kiểu mới và doanh nghiệp nông nghiệp, liên kết 6 nhà. Đồng thời ưu tiên phát triển một hệ thống ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại và ngành công nghiệp nông sản thực phẩm cùng với dịch vụ phân phối, kho vận được kết nối mạnh mẽ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, chúng ta phải làm trên tinh thần minh bạch, bình đẳng, đồng bộ. Phải coi 100 triệu dân thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Hàng hóa sản xuất ra phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Làm được điều đó đồng nghĩa với việc bán hàng đi được tất cả các nước. Và thực hiện được việc này cần sự đồng hành lớn hơn từ Chính phủ, Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
Để Việt Nam có thể tận dụng tối đa cơ hội của các FTA, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần hoàn thiện thể chế để chính sách đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, đồng thời kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông - lâm - thủy sản và hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế thông qua phát triển sản phẩm theo chuỗi, tập trung vào chế biến sâu, cũng như tăng cường nhân lực, nâng cao năng suất lao động và phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành
Trước những khó khăn, thách thức hiện hữu, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, chính sách vay vốn, giảm thuế cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu khi mới đầu tư, đặc biệt là chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực về chế biến bằng các kế hoạch dài hơi, bài bản; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và vận hành hệ thống quản trị hiện đại.
Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và đáp ứng tiêu chí xuất xứ để được hưởng ưu đãi.
Tích cực, đẩy mạnh công tác đàm phán, giải quyết khó khăn về tiếp cận thị trường có liên quan tới hệ thống quản lý chất lượng cũng như tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giúp các sản phẩm nông nghiệp tận dụng được cơ hội mở ra khi thuế nhập khẩu được cắt giảm hoặc xóa bỏ.
Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ phát triển lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu.
Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…