Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2019 | 14:2

Để phát triển cà phê bền vững: Tuân thủ quy hoạch, quy trình kỹ thuật

PGS. TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, khi tái canh cà phê,  cần phải tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật thì mới thành công.

tr12t.jpg
Mô hình tái canh cà phê vối bền vững của hộ ông Phạm Anh Tuấn ở thôn Hoàn Kiếm 2, xã Nam Hà (Lâm Hà - Lâm Đồng).

 

“Cuộc đua đường trường”

Theo Cục Trồng trọt, nông dân trồng cà phê Tây Nguyên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: cây cà phê già cỗi, đất trồng suy thoái, thời tiết diễn biến bất thường, thiếu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để nâng cao năng suất và chất lượng.

Đề án tái canh cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 sau 6 năm triển khai đã trồng tái canh và cải tạo được 118 nghìn ha (đạt gần 90% kế hoạch đến năm 2020), trong đó diện tích tái canh là 84.165ha, diện tích ghép cải tạo  34.037ha (chủ yếu ở 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông).  Diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, từng bước phát huy tiềm năng về năng suất, một số đạt điểm cao về tiêu chuẩn cà phê đặc sản.

Thực tế thấy, tốc độ tái canh cà phê của các địa phương còn chậm, trong khi diện tích cây cà phê già cỗi cần chuyển đổi còn nhiều và có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do việc tiếp cận nguồn vốn, nguồn giống chất lượng và tiến bộ kỹ thuật trong canh tác vẫn là chặng đường gian nan.

Đến nay, mới chỉ có khoảng 20 – 30% nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình tín dụng dành cho tái canh cà phê, có đến 30-40% nông dân vẫn sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

PGS.TS.Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhận định: Cà phê là cây dài ngày, vì vậy chương trình tái canh giống như “cuộc đua đường trường”.

Việc tái canh cà phê vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết nên phải tập trung tìm hiểu và cần có một cách nhìn mới hơn, vĩ mô hơn để có giải pháp hiệu quả. Hệ thống khuyến nông phải đồng hành cùng nông dân, kết nối cung cầu, công nghệ để trở thành những hạt nhân trung tâm của chương trình tái canh cà phê bền vững.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Theo ông Lương Đức Trí (Trung tâm Nghiên cứu Đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên), để cây cà phê phát triển bền vững ở khu vực Tây Nguyên thì trước hết các cơ quan quản lý cũng như các cơ quan ban ngành chức năng phải cùng chung tay vào cuộc giải quyết những vấn đề khó khăn đã và đang tồn lại trong quá trình sản xuất.

Trước hết, cần quy hoạch lại diện tích cà phê, hướng dẫn nông hộ chuyển diện tích ở những vùng đất không phù hợp trồng cây cà phê và không chủ động nguồn nước, vùng đất dốc từ 15 độ trở lên sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ngoài ra, khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật bón phân theo độ phì nhiêu của đất và theo nguyên tắc  4 đúng để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, sử dụng các giống cà phê mới năng suất cao, chịu hạn, kháng bệnh ...

Bà Đào Thị Lan Hoa (Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên -WASI) chia sẻ, trong tái canh, giống cà phê là yếu tố đầu tiên quyết định sự phát triển bền vững. Những năm qua, Viện đã nghiên cứu và chuyển giao cho người dân sản xuất các dòng vô tính cà phê vối, giống cà phê vối lai tổng hợp (TRS1), giống kháng tuyến trùng và cà phê chè.

Các giống cà phê cho năng suất cao, chất lượng tốt như TR4, TR9, TR11, TRS1... được đưa vào sản xuất đại trà đã thay thế dần các giống cũ năng suất thấp, góp phần cải thiện đáng kể năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê tại các tỉnh vùng Tây Nguyên.

WASI cũng lắp đặt công nghệ dây chuyền sản xuất hỗn hợp đất sạch bệnh để làm giá thể gieo ươm cây, nâng cao chất lượng giống. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác để nâng cao chất lượng cây trồng.

Bà Nguyễn Thị Thủy (Viện Bảo vệ thực vật) chia sẻ, để cà phê phát triển tốt,  cần chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh. Trong đó, cần áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ vào phòng chống sâu, bệnh hại. Những năm qua, Viện đã cùng người dân thực hiện nhiều mô hình như diệt ve bằng keo, trải nylon phủ nền đất dưới gốc cây hoặc đổ nước vôi… mang lại hiệu quả cao. Hạn chế dùng thuốc BVTV để tránh ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng nông sản.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết,  cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh, vì vậy, để góp phần nâng cao giá trị sản xuất cây cà phê, Lâm Đồng đã thực hiện Chương trình tái canh, ghép cải tạo từ năm 2006 - 2012 bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh  thực hiện tái canh được 54.325ha.

Thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện tái canh, cải tại giống cà phê gắn với phát triển cà phê bền vững: hỗ trợ nông dân thực hiện tái canh, ghép cải tạo cà phê (ngân sách hỗ trợ 75% kinh phí mua giống); phát triển giống cà phê chất lượng gắn với doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu, cơ sở thu mua chế biến để nâng cao giá trị; hình thành chuỗi liên kết nông hộ - doanh nghiệp phát triển trồng cà phê;...

Về vấn đề kỹ thuật khi tái canh, PGS. TS. Lê Quốc Thanh cho biết, người trồng cà phê cần phải tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật thì mới thành công. Đó là phải cày bừa thu gom và loại bỏ rễ cũ của cây cà phê, xử lý đất, luân canh cây trồng khác trong ít nhất 2 năm.

“Tái canh cà phê có điều kiện bắt buộc là phải nằm trong quy hoạch của chính quyền địa phương. Phải có đầy đủ về mặt quy trình, vật tư và đặc biệt là điều kiện về đất đai. Nếu đất chưa hết tuyến trùng, chưa hết chủng loại sâu bệnh mà người dân tái canh thì cà phê sẽ bị nhiễm bệnh”, PGS. TS. Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

 

 

 

 

Thu Hằng - Ánh Nguyệt
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top