So với các khu vực kinh tế khác, tốc độ tăng trưởng còn chậm, thiếu ổn định, chưa phát huy được tiềm năng của KTTT, HTX. Đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm.
Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) có sự phát triển khá mạnh về cả lượng và chất; hỗ trợ cho gần 6 triệu hộ thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất - kinh doanh, tạo ra số lượng lớn việc làm, xây dựng các liên kết phát triển mới trong nông nghiệp, cùng với các loại hình doanh nghiệp tạo ra một diện mạo nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội.
Tuy nhiên, KTTT và HTX hiện vẫn gặp nhiều trở ngại nên chưa thực sự phát huy thế mạnh. Vậy đâu là giải pháp để KTTT, HTX phát triển?
Đóng góp 10% GDP
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, KTTT, HTX được khẳng định là bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, hiện đang đóng góp 10% GDP của cả nước và đặc biệt có vai trò quan trọng trong mục tiêu kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường.
Đến tháng 9/2019, cả nước có 23.905 HTX, tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó 22.649 HTX đang hoạt động, 1.256 ngừng hoạt động. Cả nước có hơn 100.000 tổ hợp tác, trong đó tổ hợp tác nông nghiệp chiếm 32%, phi nông nghiệp chiếm 68%, với các hình thức hợp tác đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Tổng vốn điều lệ của các HTX là 32 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,3 tỷ đồng/HTX; tổng tài sản 171 nghìn tỷ đồng, bình quân 7,7 tỷ đồng/HTX, trong đó Quỹ tín dụng nhân dân đạt trung bình 96 tỷ đồng/quỹ; doanh thu bình quân 4,2 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân 305 triệu đồng/HTX. Tổng số lao động thường xuyên khoảng 2,5 triệu lao động, với thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 45 triệu đồng/năm/người.
Tại Diễn đàn KTTT, HTX năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, KTTT, HTX với tư cách là một thành phần kinh tế, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, xã hội của nước ta. Thực tiễn đã chứng minh, trong mỗi giai đoạn của cách mạng, khu vực KTTT, HTX luôn luôn có những đóng góp quan trọng.
Phát triển còn chậm
Tỉnh Lào Cai, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, số tổ hợp tác (THT) tăng 7.700 THT, đạt 8.400 THT, số thành viên tham gia đạt 142.000 người, tăng gần 140.000 người. Doanh thu bình quân của HTX đạt 1,1 tỷ đồng/năm.
KTTT, HTX Lào Cai thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường, đã xuất hiện một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Nhiều THT, HTX đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng: Những năm qua, mô hình KTTT đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, khu vực KTTT phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng, chưa đạt được những chuyển biến mang tính bước ngoặt, còn nhiều hạn chế yếu kém chưa được khắc phục.
Tính đến cuối 2018, Hà Tĩnh có 1.366 HTX, tăng gấp 3 lần so với năm 2003. Năm 2018, doanh thu bình quân 1,1 tỷ đồng/HTX; lợi nhuận bình quân đạt 203 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng: So với cả nước, số lượng HTX, THT tại Hà Tĩnh phát triển khá nhanh, nhưng chất lượng còn khiêm tốn. Vì vậy, cần tiếp tục kiên trì phân loại các HTX, THT để có hướng phát triển, cùng với đó, khuyến khích những hợp tác xã kiểu mới có phương án sản xuất kinh doanh bài bản, hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định; năng lực nội tại của các HTX còn yếu, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác của các HTX chưa chặt chẽ,…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường vẫn lạc quan: KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây và đang có nhiều tiềm năng phát triển. Việc hình thành và phát triển các HTX nông nghiệp là con đường tất yếu để đảm nhận vai trò liên kết các hộ sản xuất với doanh nghiệp, qua đó hình thành chuỗi giá trị của từng ngành hàng, hướng đến xuất khẩu.
Khó về vốn, đất đai…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2013-2018, cả nước có 2.044 HTX nông nghiệp được giao đất, cho thuê đất (chiếm 14% tổng số HTX) với tổng diện tích đất là 12.676 ha. Một số địa phương có quỹ đất công nhưng chưa tạo điều kiện hỗ trợ HTX.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn vướng mắc do Quy định về quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định Luật Đất đai 2013 vẫn còn thiếu linh hoạt trong việc hỗ trợ tài chính cho HTX khi thế chấp tại tổ chức tín dụng. Nhiều HTX hiện đang quản lý, sử dụng đất không có giấy tờ pháp lý về đất đai.
Các HTX gần như không tiếp cận được đất đai dù nhu cầu thực tế rất lớn. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch HĐQT HTX Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) nêu quan điểm, hiện chưa có nhiều HTX được giao đất, nhiều HTX nông nghiệp chuyển đổi đã có đất nhưng chưa được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với HTX nông nghiệp đến hết năm 2020. Tại Điều 20, khoản a quy định: HTX thuê đất để sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh được giảm 50% tiền thuê đất nhưng chỉ đối với các dự án mới, còn các dự án kiểu cũ đều không được giảm. Hiện, Luật Phí và Lệ phí chưa quy định HTX là đối tượng được miễn giảm.
“Đề nghị Chính phủ quy định giảm 50% tiền thuê đất hàng năm cho tất cả HTX nông nghiệp, bất kể là dự án thuê đất mới đã được giao thời điểm nào, thay vì những dự án mới và quy định chỉ được giảm đến năm 2020 như hiện nay. Đồng thời cũng nên quy định tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho HTX phi nông nghiệp để đảm bảo môi trường được ưu đãi cho HTX”, ông Nguyễn Phi Đức nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Cao Thành Văn, Chủ tịch HTX Artemia (Bạc Liêu), cho hay, HTX phát triển mạnh thương hiệu trứng gà, được đánh giá một trong những sản phẩm tốt nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, khó khăn là trình độ quản lý, vốn thực hiện kế hoạch sản xuất còn khó khăn. Việc tiếp cận vốn tín dụng rất khó, nên phải mượn vốn của thành viên, thế chấp ngân hàng để cùng tham gia. HTX muốn phát triển, Đảng và Nhà nước, các bộ ngành cần phải đánh giá khách quan điều kiện hoạt động của kinh tế HTX, sửa đổi theo hướng thu hút người có trình độ, năng lực tài chính tham gia HTX. Vì với điều kiện và năng lực tài chính hiện nay thì không thể thu hút được nguồn lực chất lượng cao.
Cần phát huy tối đa sức mạnh của HTX kiểu mới
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Mô hình HTX kiểu mới thành công số lượng chưa lớn, quy mô HTX còn nhỏ, tính liên kết còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp. Phương thức sản xuất nhỏ lẻ, người dân còn chưa mặn mà, một bộ phận chưa thật tin tưởng, cuốn hút bởi mô hình HTX kiểu mới.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này là thể chế pháp luật bảo đảm sự công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của hộ thành viên chưa được tốt, dẫn đến tư tưởng hoài nghi sự minh bạch của chính sách, về hoạt động, về sự an toàn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng sâu đến tâm lý các chủ thể kinh tế.
Qua phát triển kinh tế hợp tác, Đảng và Nhà nước mong muốn người dân tham gia liên kết, hợp tác sản xuất, tạo năng lực phát triển mới, vươn ra thị trường thế giới, được hưởng nhiều lợi ích về văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội và phát triển cộng đồng…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc quyết liệt, đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với HTX để tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, rà soát các chính sách tạo thuận lợi về đào tạo lao động, đất đai, tài chính - tín dụng, hỗ trợ khoa học - công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy HTX phát triển. Phải khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX để tạo ra sự thay đổi sâu sắc, căn bản về phương thức sản xuất trong nông nghiệp và đời sống nông thôn.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…