Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 1 năm 2021 | 19:11

Đoàn kết sản xuất trên biển, chính quyền đồng hành cùng ngư dân

Để giúp nghề biển phát triển mạnh, ổn định, cả chính quyền và ngư dân các địa phương đều nỗ lực không ngừng để tránh rủi ro, thu nhập cao.

Bình Định: Giúp nhau sản xuất, hỗ trợ khi rủi ro

Hơn 15 năm qua, mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển được Thanh Hoá phát huy hiệu quả tại nhiều địa phương, giúp ngư dân vươn khơi sản xuất, gắn kết tương trợ nhau khi gặp rủi ro, tai nạn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 

bđ-19.jpg

 Tàu cá Bình Định ra khơi cùng lúc, đánh bắt theo tổi, hỗ trợ nhau trên biển.

 

Đến nay, Tỉnh đã thành lập được 723 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 2.878 tàu cá tham gia, và 1 nghiệp đoàn nghề cá với 141 tàu câu cá ngừ tại phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn.

Theo Phó Chi cục trưởng Thuỷ sản Nguyễn Công Bình, năm 2005, ngành  phối hợp các địa phương thành lập và nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển nhằm, giúp ngư dân gắn kết trong khai thác thủy sản (KTTS) trên biển, phòng chống thiên tai.

Nhiều lần, ngư dân phát hiện tàu lạ xâm phạm vùng biển Việt Nam, bà con kịp thời hỗ trợ cung cấp thông tin cho ngành chức năng, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển.

Một số mô hình tổ, đội đoàn kết của ngư dân liên kết mọi khâu, từ khai thác, tiếp tế nhiên liệu, vận chuyển sản phẩm vào bờ, giúp tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của ngư dân, như tổ đoàn kết với 12 tàu của ông Bùi Thanh Ninh, phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn).

Ông Ninh chia sẻ: “Tôi có 8 tàu đánh bắt xa bờ liên kết với 4 tàu của anh em khác để đánh bắt. Tôi ở trong bờ, hàng ngày liên hệ với thuyền trưởng các tàu trong tổ để nắm tình hình hoạt động, nếu tàu nào phát hiện luồng cá lớn mà không khai thác hết, tôi điều tàu ở gần ngư trường đến cùng khai thác.

Sau đó, cắt cử tàu tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm, đưa sản phẩm về bờ. Cùng làm ăn, cùng chia sẻ lợi nhuận với nhau, hiệu quả sản xuất tăng, thu nhập bạn tàu ổn định, anh em gắn bó”.

Ngư dân Nguyễn Việt Hằng, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), chủ 4 tàu đánh bắt xa bờ cũng cho biết: “Ngoài 4 tàu của gia đình, tôi còn liên kết với một số tàu thành tổ, đội đoàn kết để KTTS. Chúng tôi xuất bến cùng thời gian, khi ra khơi cùng chia sẻ ngư trường khai thác.

Nếu tàu nào khai thác được nhiều cá sẽ ở lại làm, đưa cá qua tàu có ít sản lượng để chở về bán. Nhờ đó, giảm chi phí nhiên liệu, KTTS đạt hiệu quả hơn”.

Ngoài hỗ trợ sản xuất, khi gặp rủi ro, tai nạn ngư dân tự cùng tương trợ để ứng hộ kịp thời, kể cả khi tàu không ở cùng trong tổ, đội đoàn kết.

Ngư dân Lê Văn Ốm, (TX Hoài Nhơn), cho biết: “Tháng 10.2020, tàu tôi KTTS cách bờ biển Phú Yên khoảng 70 hải lý, bị phá nước do thời tiết xấu. Tôi dùng ICOM kêu cứu, và được ngư dân Lê Văn Khánh, (TX Hoài Nhơn) đến cứu nạn kịp thời, lai dắt về bờ an toàn. Khi đi biển, ngư dân luôn đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ nhau rủi ro, tai nạn trên biển”.

TX Hoài Nhơn có đội tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh. Địa phương đã thành lập 550 tổ, đội đoàn kết với 2.132 tàu cá và 1 nghiệp đoàn nghề cá Tam Quan Bắc, với 141 tàu câu cá ngừ đại dương tham gia.

Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, Nguyễn Chí Công, cho biết: “Ngư dân tham gia tổ, đội đoàn kết không những giúp nhau sản xuất, phòng chống thiên tai mà còn nhắc nhở nhau thực hiện Luật Thủy sản, các khuyến nghị “thẻ vàng” thủy sản.

Hàng năm, các địa phương ven biển của thị xã đều gặp mặt ngư dân đầu năm để tặng quà, động viên bà con yên tâm bám biển, tuân thủ pháp luật”.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Thủy lợi, kiêm Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, mô hình tổ, đội đoàn kết của ngư dân đã phát huy hiệu quả tích cực trong cứu hộ cứu nạn trên biển.

Khi ngư dân gặp nạn trên biển báo tin, đơn vị sẽ chuyển thông tin cho Chi cục Thủy sản, BĐBP tỉnh để liên hệ các tàu gần đó ứng cứu kịp thời. Nếu không có tàu tiếp cận, đơn vị sẽ chuyển thông tin cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ ngư dân.

Để mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển nâng cao hiệu quả, quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho biết: “Hàng năm, chúng tôi phối hợp với các sở, ngành, chính quyền các địa phương ven biển tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân về chủ quyền biển, đảo.

Mở nhiều lớp tập huấn về đảm bảo an toàn tàu cá, và lao động trên biển, kỹ năng sơ cấp cứu cho ngư dân, cứu hộ cứu nạn trên biển, nhằm giúp ngư dân hoạt động KTTS hiệu quả, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo”.

Khánh Hoà: Đồng hành với ngư dân

Năm 2020, khai thác thủy sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn, sản lượng khai thác thấp, việc tiêu thụ bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Năm 2021, dự báo chưa thể khả quan, do vậy, ngư dân rất cần sự đồng hành từ các cơ quan chức năng.

 

bđ-91.jpg

 Tàu cá neo đậu tại cảng Hòn Rớ

 

Năm 2020, hầu hết các tàu câu cá ngừ đại dương rơi vào cảnh từ hòa đến thua lỗ. Theo ngư dân Kiều Minh Thuận - chủ tàu cá KH 96779 TS, năm qua, 1 tàu cá đi 10 chuyến biển, có đến 5 chuyến thua lỗ. Nguyên nhân do sản lượng khai thác thấp, mỗi chuyến chỉ được gần 10 con cá ngừ đại dương (khoảng 500kg).

Trong khi đó, tiêu thụ gặp khó do dịch Covid-19, giá cá xuống thấp, có lúc chỉ còn 85.000 đồng/kg, cá ngừ sọc dưa gần 20.000 đồng/kg… Các chuỗi liên kết thu mua, tiêu thụ giữa doanh nghiệp với ngư dân cũng ngừng hoạt động do gặp khó bởi dịch Covid -19.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) cho biết: “Chúng tôi thấy tàu khai thác xa bờ gặp khó về ngư trường và nguồn lợi nên số tàu nằm bờ khá lớn.

Năm 2020, chỉ có 893 lượt tàu cá cập cảng Hòn Rớ, với tổng sản lượng hơn 12.320 tấn các loại, đạt 88% kế hoạch. Sản lượng thủy sản qua cảng Hòn Rớ thấp, khiến hoạt động thu mua hải sản ảm đạm.

Nếu như đầu năm 2020, có 30 doanh nghiệp, nậu vựa thuê mặt bằng thu mua hải sản thì đến cuối năm chỉ còn 5 nậu hoạt động cầm chừng”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2020, mặc dù chính sách khai thác  thủy sản đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, giá xăng dầu ổn định… nhưng dịch Covid-19 đã khiến cho giá thủy sản giảm mạnh.

Mặt khác, thời tiết cuối năm bất lợi, sản lượng tại các ngư trường truyền thống sụt giảm, nên thủy sản khai thác của ngư dân năm 2020 chỉ đạt gần 95.600 tấn các loại, giảm 1,91% so với năm 2019. Đây là điều khiến đời sống ngư dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Năm 2021 được xác định tiếp tục là năm khó khăn trong khai thác thủy sản. Do đó, nhiều chủ tàu kiến nghị Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, đồng hành với ngư dân như: Ổn định đầu ra của thủy sản khai thác; hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, cước phí liên lạc trên biển; có chính sách đào tạo, thu hút lao động nghề biển.

Mặt khác, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tăng số chuyến biển được hỗ trợ nhiên liệu cho chủ tàu, từ 4 chuyến/năm lên 6 chuyến/năm; miễn, giảm lãi và cơ cấu lại thời gian trả nợ vay vốn cho chủ tàu đóng mới, nâng cấp tàu cá…

Để phát triển khai thác thủy sản theo hướng bền vững, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, Chi cục Thủy sản tiếp tục hướng dẫn ngư dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chuyển dần từ tàu công suất nhỏ sang nghề cá hiện đại công suất lớn, trang bị ngư cụ, thiết bị hàng hải tiên tiến.

Đẩy mạnh chuyển giao, hỗ trợ ngư dân ứng dụng KHKT vào khai thác, bảo quản để nâng cao hiệu quả chuyến biển, từ đó nâng thu nhập. Mặt khác, một số tín hiệu đáng mừng là xuất khẩu cá ngừ sang châu Âu có dấu hiệu khởi sắc từ cuối năm 2020 đến nay, nhờ Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua, chế biến cá ngừ xuất khẩu,  ngành Thủy sản đang tích cực hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp trong việc xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác…

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, ngoài việc cùng ngư dân bám biển, Chi cục sẽ thực hiện đồng bộ các giải  pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) để góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” đối với sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu.

Theo đó, đơn vị sẽ tập huấn, tuyên truyền Luật Thủy sản, Chỉ thị 689 của Chính phủ và chống khai thác IUU; cùng các địa phương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên theo quy định.

Rà soát để tàu cá được cấp giấy phép khai thác; thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu xuất, nhập bến; sản lượng cập bến theo quy định; thanh, kiểm tra tại cảng, xử phạt nghiêm khai thác IUU; ghi nhật ký, báo cáo khai thác.

Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hoàn thiện dữ liệu quản lý tàu cá...

Thanh Hoá: Kỳ vọng những chuyến biển cuối năm

Những ngày cuối năm Canh Tý, ngư dân các địa phương ven biển Thanh Hoá đang tất bật chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ cho chuyến biển cuối năm, với mong muốn một cái Tết no đủ, sung túc.

 

th-3.jpg

Ngư dân Hậu Lộc chuẩn bị vươn khơi chuyến biển cuối năm.      

 

Những ngày này, tại Bến cá Lạch Trường (Hoằng Hóa) nhộn nhịp hẳn lên, ngư dân đang tích cực chuẩn bị ngư lưới cụ, xăng dầu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm... để chuẩn bị chuyến biển cuối năm.

Đang tất bật cùng bạn thuyền, ngư dân Trương Đình Cường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) chủ tàu cá TH92289TS, chia sẻ: Chúng tôi đã chuẩn bị 5.000 lít dầu, 40 tấn đá lạnh cùng nhu yếu phẩm để đánh bắt ở Vịnh Bắc bộ.

Trong năm, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên chỉ đủ trang trải cuộc sống, không có dư giả, do đó, ai cũng quyết tâm vươn khơi chuyến biển cuối năm. Theo dự kiến, tàu của anh sẽ cập bến trước Tết Nguyên đán 2021 khoảng 1 tuần.

Trước giờ ra khơi, các thuyền viên đều hy vọng sẽ khai thác được nhiều cá, tôm, mực.. để mua sắm,  và đón Tết được vui tươi, đầm ấm.

Không riêng ngư dân Hoằng Hóa, hầu hết ngư dân trong tỉnh đều kỳ vọng chuyến biển cuối năm sẽ thu được nhiều “lộc biển” đón một cái tết sum vầy, đầm ấm.

Tại Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn), ngư dân Hoàng Văn Hùng, phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) vừa tiếp nhận 4.000 lít dầu, gần 30 tấn đá lạnh cùng lương thực, thực phẩm, thuốc men... Nhớ lại, chuyến biển cuối năm ngoái, sau hơn 15 ngày bám ngư trường, chúng tôi đã khai thác được gần 20 tấn cá các loại, trừ chi phí thu gần 400 triệu đồng.

Chuyến biển đó, mỗi thuyền viên thu hơn 20 triệu đồng về lo Tết đầy đủ, ai cũng vui vẻ, phấn khởi. Theo các ngư dân, cuối năm là khoảng thời gian giao mùa giữa các vùng thời tiết, nên việc khai thác hiệu quả hơn những chuyến khác trong năm.

Tùy thuộc thời tiết, chuyến biển cuối năm của ngư dân thường kéo dài 15-20 ngày. Năm nay, do dịch COVID-19, tiêu thụ hải sản giảm. Phần lớn  chỉ phục vụ thị trường nội địa, và bán tại các chợ dân sinh.

Vì vậy, ngư dân phấn đấu, trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tuần, sẽ cập cảng để cung cấp cho dịp Tết Tân Sửu 2021, bởi thời điểm này giá sẽ cao hơn so ngày thường. Ngư dân cũng chủ động ghi nhật ký khai thác, để khi cá vào cảng kiểm tra, kiểm định nguồn gốc rõ ràng.

Mặt khác, các đồn biên phòng thường xuyên nắm bắt số lượng tàu cá và ngư dân đang hoạt động khai thác trên biển trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho tàu cá dịp Tết, ban quản lý cảng cá tăng cường kiểm tra, sắp xếp và chuẩn bị phương án neo đậu tàu thuyền hợp lý, phòng chống cháy nổ.

 

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top