Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, liên quan tới các lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo chứa hóa chất kháng sinh, nhiều trường hợp thông tin do doanh nghiệp báo cáo về cơ sở nuôi vi phạm không chính xác, thậm chí một số doanh nghiệp không hợp tác với Nafiqad để xác minh thông tin.
Việt Nam liên tiếp nhận cảnh báo từ các thị trường xuất khẩu về dư lượng kháng sinh tồn dư trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Internet.
Cụ thể, Nafiqad nêu rõ, đối với các trường hợp lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo, theo các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp về cơ sở nuôi vi phạm quy định về sử dụng hóa chất kháng sinh trong báo cáo điều tra nguyên nhân, áp dụng biện pháp khắc phục, Nafiqad đã tổng hợp và cung cấp danh sách cơ sở nuôi cho Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) để tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, kết quả cho thấy, rất nhiều trường hợp thông tin do các doanh nghiệp báo cáo không chính xác và một số doanh nghiệp không hợp tác với Nafiqad để xác minh thông tin.
Vì vậy, Nafiqad đề nghị trong trường hợp nguyên nhân dẫn tới lô hàng bị cảnh báo là do cơ sở nuôi, các doanh nghiệp có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền các nước nhập khẩu cảnh báo cần lập biên bản làm việc giữa doanh nghiệp và các cơ sở nuôi vi phạm quy định về sử dụng hóa chất kháng sinh trong quá trình xác định nguyên nhân và gửi kèm theo báo cáo điều tra nguyên nhân, áp dụng biện pháp khắc phục đối với lô hàng bị cảnh báo.
Nafiqad sẽ căn cứ vào biên bản làm việc này để phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, truy xuất nguồn gốc và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad cho biết, ngoài vấn đề trên, thời gian qua Nafiqad cũng liên tục nhận được đề nghị của các doanh nghiệp thủy sản cấp đổi chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu hoặc xác nhận thay đổi thông tin trong chứng thư đã cấp do nhầm lẫn khi cung cấp thông tin đăng ký cấp chứng thư xuất khẩu.
Các sai sót, vi phạm thường gặp trong việc đăng ký, cung cấp thông tin để cấp chứng thư là sai lỗi về ghi nhãn, số container, số seal, thông tin về cảng đến của lô hàng, ngày tàu chạy, khối lượng hàng thực xuất,…
Việc liên tục gặp vướng mắc, đề nghị ban hành thư xác nhận hoặc cấp đổi chứng thư không những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Nafiqad đối với cơ quan thẩm quyền các nước nhập khẩu, phát sinh thêm nguồn lực, thời gian của Nafiqad để giải quyết vụ việc.
Do vậy, Nafiqad đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ quy định của thị trường nhập khẩu trong đăng ký cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu, các yêu cầu khách hàng và các yêu cầu liên quan đến giao dịch thương mại, hạn chế tối đa các trường hợp cung cấp thông tin không phù hợp với yêu cầu của thị trường cũng như nhà nhập khẩu dẫn tới sai lệch thông tin trong chứng thư cấp cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu.
P.V
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…