Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 5 năm 2022 | 7:18

Doanh nghiệp thủy sản "chớp" được cơ hội vàng và xuất khẩu sẽ phục hồi hoàn toàn

Ngành thủy sản nói chung, xuất khẩu (XK) thủy sản nói riêng đang có nhiều cơ hội tăng trưởng và năm 2022 xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi hoàn toàn.

thuy_san.jpg
Xuất khẩu thủy sản quý 2 năm nay tiếp tục tăng trưởng mạnh và có thể chạm mốc 3 tỷ USD.
 

 

Doanh nghiệp đã chớp được những cơ hội vàng

Dự báo, xuất khẩu thủy sản quý 2 năm nay tiếp tục tăng trưởng mạnh và có thể chạm mốc 3 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các mặt hàng thủy sản chủ lực trong cuối quý 1 và đầu quý 2.

Giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm nay đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng tới 46,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo, trong quý 2, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng khi những mặt hàng thủy sản chủ lực gồm: Tôm, cá tra đang thuận lợi về đầu ra tiêu thụ tại các thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau dịch Covid-19 với nhu cầu tăng cao đang là lợi thế đối với các mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam tại nhiều thị trường chủ lực trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra, giá thủy sản tăng cùng sự thiếu hụt về nguồn cung trên thị trường thế giới do tác động từ căng thẳng Nga - Ukraine cũng là cơ hội lớn để gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thuỷ sản đạt gần 3,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 44,5% so với cùng kỳ, trong đó riêng tôm và cá tra đạt 2,31 tỷ đô la Mỹ.

Nguyên nhân sau do gần 2 năm kiềm chế vì dịch Covid-19, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng phát mạnh, nguồn cung tại các thị trường không đủ đáp ứng, lạm phát gia tăng. Xung đột Nga - Ukraine càng làm cho nguồn cung thủy sản toàn cầu thêm bất ổn, nhất là các sản phẩm cá thịt trắng. Các doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam đã chớp được những cơ hội vàng để gia tăng xuất khẩu và chốt được những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021.

Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm, cá tra và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm 2021, nhất là mặt hàng cá tra. Sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra. Số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh mới. Những yếu tố đó đã giúp cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá, với mức tăng trưởng 3 con số là 128%.

Với thị trường Trung Quốc, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và chính sách "zero Covid" của nước này khiến cho xuất khẩu thủy sản sang thị trường này gặp nhiều ách tắc, khi nhiều cảng xuất khẩu bị đóng cửa và việc kiểm tra Covid-19 trên hàng đông lạnh ngày càng khắt khe. Tuy nhiên nhờ nhu cầu xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc gia tăng, nên vẫn thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam bất chấp thách thức trên để xuất khẩu sang thị trường này. Nhờ những yếu tố trên, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tới hết tháng 4/2022 ước đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

 

Xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi hoàn toàn

“Ngành thủy sản nói chung, xuất khẩu thủy sản nói riêng đang có nhiều cơ hội tăng trưởng và năm 2022 xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi hoàn toàn”, ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.

che-bien-ca-tra-xuat-khau-t.jpg
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Công nghiệp thủy sản miền Nam. Ảnh: Vũ Sinh

 

Cụ thể, thị trường đang hồi phục. Dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các thị trường sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ ở mức cao so với năm 2021. Bên cạnh đó, thuế suất ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và các thị trường tiềm năng thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Mexico, Canada, Nhật Bản là những động lực then chốt tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước cung ứng khác. Thị trường Trung Quốc cũng sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022.

Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu nuôi trồng chiếm 70%. Việc tăng giá khiến chi phí đầu vào các lại thực phẩm tăng và khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến thủy sản ưu tiên để cung cấp protein.

Dự báo quý II/2022, xuất khẩu thuỷ sản sẽ đạt 2,8 - 3 tỷ USD, tăng khoảng 36 - 38% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều giữ mức tăng trưởng cao, nhất là châu Âu khi nhu cầu tiêu thụ gia tăng do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng như cá tuyết, cá minh thái bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Đối với mặt hàng tôm, Mỹ vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đối với thị trường châu Âu, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu tôm vào châu Âu giảm trong quý III và bắt đầu tăng mạnh trở lại trong quý IV/2021, phần lớn là xuất khẩu tôm cỡ nhỏ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó khăn khi TP. Hồ Chí Minh thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và quy định kiểm dịch hàng thủy sản đông lạnh đối với những nguyên liệu nhập khẩu dùng làm thực phẩm chế biến xuất khẩu...

 

Tin vui cho thủy sản Việt: Hai doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào thị trường mới

Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa thông báo Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) đã bổ sung thêm 2 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách được phép xuất khẩu sản phẩm vào Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU).

Theo đó, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga thông báo bổ sung Công ty TNHH Hùng Cá và Xí nghiệp 3 của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (hai công ty hàng đầu về xuất khẩu cá tra của Việt Nam) vào danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu kể từ ngày 4/5/2022.

Các mặt hàng xuất khẩu gồm cá tra đông lạnh; phi lê cá (bao gồm thịt cá, chả cá) tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được sản xuất tại các cơ sở có mã số DL 126, DL 500.

Các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng thực hiện thẩm định cấp chứng thư cho các sản phẩm được sản xuất tại DL 126, DL 500. Đồng thời, các đơn vị hướng dẫn doanh nghiệp về các quy định về an toàn thực phẩm của Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu trong chế biến và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản vào thị trường này.

Liên minh kinh tế Á- Âu bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan. Đây cũng là FTA đầu tiên của EAEU, do đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang khu vực thị trường này.

Đến nay, sau khoảng 7 năm ký kết hiệp định FTA Việt Nam – EAEU, kim ngạch song phương giữa hai bên đạt hơn 5 tỷ USD mỗi năm.

 

DN cần linh hoạt và có những giải pháp thích ứng

ts.jpg
Năm 2022, ngành thủy sản đề ra mục tiêu đạt gần 9 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu.

 

Theo ông Trương Đình Hòe, trong năm 2022, ngành thủy sản đề ra mục tiêu đạt gần 9 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Để đạt mục tiêu này, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung đối với các thị trường riêng lẻ trong khối; dán nhãn chính xác sản phẩm. Đồng thời, các DN tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại các quốc gia châu Âu; nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định EVFTA hơn nữa trong thời gian tới vì còn nhiều dư địa để phát triển; kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt chung trong khối.

DN cần có các hướng dẫn sát sao hơn từ các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, DN cũng cần bám sát tình hình kinh tế, chính trị và đại dịch Covid-19 để có những dự đoán và giải pháp thích ứng, kịp thời, linh hoạt./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top