Các chuyên gia kinh tế nhận định, triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sau đại dịch Covid -19 là rất lớn. Vậy, Việt Nam cần phải làm gì để thu hút FDI trước làn sóng dịch chuyển hiện nay?
Định vị lại chuỗi cung ứng
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Các hoạt động kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia bị tê liệt đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế.
Báo cáo sơ bộ đánh giá về “Tác động của dịch Covid-19 đến FDI và các chuỗi giá trị toàn cầu” của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp quốc đã đưa ra nhận định, đại dịch dự kiến làm giảm 30 - 40% FDI toàn cầu trong giai đoạn 2020 - 2021, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ.
Một số chuyên gia kinh tế chỉ ra, qua đại dịch Covid-19, chúng ta rút ra một bài học đắt giá. Đó chính là sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu của một quốc gia nào đó.
Để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ở một số thị trường nhất định, gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có động thái dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi thị trường Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trong một phát biểu mới đây, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố kế hoạch xây dựng nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn với chuỗi cung ứng kép. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ dùng 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế để giúp các công ty nước này chuyển nhà máy và hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Và theo ông Hirai Shinji, Việt Nam là một trong những “địa chỉ đỏ” để các doanh nghiệp Nhật Bản “đặt chân”.
Các thông tin liên quan gần đây cũng cho thấy, các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu… đang tích cực tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Đề cập về sự dịch chuyển dòng vốn FDI của các tập đoàn toàn cầu, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, các nhà đầu tư quốc tế đang có hoạt động tái cơ cấu, định vị lại chuỗi cung ứng. Họ đang tìm những điểm đến an toàn. Và sự dịch chuyển dòng vốn của các tập đoàn kinh tế đang mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, theo ông Hoàng, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư tại Việt Nam…
Doanh nghiệp hãy chủ động đi trước một bước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới, khi các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư, nhất là đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, trong đó có Việt Nam là điểm đến thuận lợi.
Nêu rõ cơ hội phát triển sau đại dịch Covid-19 “trước hết là dành cho doanh nghiệp trong nước”, đồng thời khẳng định quan điểm “đánh giá cao đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp FDI”, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắn nhủ nếu các doanh nghiệp trong nước không biết tận dụng, không nắm bắt kịp thời, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tranh thủ cơ hội này. Trước đó, tại các cuộc làm việc với bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng cũng đã nhắc đến khả năng xảy ra tình trạng thâu tóm, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trọng yếu. Do đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế.
“Có thể nói, làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước. Các bạn hãy tận dụng cơ hội đó”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh ở Việt Nam đã tạo lợi thế rất lớn để có thể đi trước một bước trong công cuộc phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị trí mới trên trường quốc tế.
Cùng với đó, một số chính sách hội nhập quốc tế như các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đi cùng với “cơ hội vàng” thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, trên thế giới, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có đầu vào, đầu ra phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giầy, du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, logistics…
“Qua nắm bắt tình hình thực tiễn và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua đã có nhiều nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp đang rao bán, chuyển nhượng. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam (doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có vai trò dẫn dắt một số ngành kinh tế quan trọng) có thể sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ”, Bộ trưởng cảnh báo.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, năm 2021 sẽ là thời điểm tăng vốn FDI nhờ vào thu hút đầu tư nước ngoài do có thương hiệu, nơi đến đầu tư an toàn và trung thực. Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể hợp tác đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn, VCCI đề nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Giải quyết tồn đọng để tận dụng cơ hội vàng
Trước cơ hội mới đón dòng vốn tái định vị sản xuất của các tập đoàn quốc tế đang dịch chuyển hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam có cơ hội đón đầu dòng vốn này. Việt Nam cần tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút FDI một số lĩnh vực mới chưa có nhiều dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như: thiết bị y tế, sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm…
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, thời gian “giãn cách xã hội” vừa qua cũng là lúc các doanh nghiệp có thể tư duy lại về con đường phát triển mới của mình. Đối với doanh nghiệp cũng như với các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để đón được làn sóng dịch chuyển đầu tư thì trước tiên môi trường kinh doanh phải được cải thiện (tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp lần thứ tư vừa qua, đại diện các nhà đầu tư đã đề nghị giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch và chuyển mạnh sang kinh tế số, chính phủ điện tử để giảm bớt chi phí không chính thức); thứ hai là nâng cấp về kết cấu hạ tầng để nâng cao tốc độ lưu chuyển hàng hóa; thứ ba là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Trong đó cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước, nâng cao trách nhiệm cá nhân công chức, viên chức trong thực thi công vụ có thể làm được ngay.
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang đứng trước 2 cơ hội lớn là dịch chuyển dòng vốn nước ngoài và những lợi thế về việc sớm ký kết FTA với EU. Dịch bệnh đang diễn ra nhưng đây lại “cơ hội vàng” để Việt Nam bứt tốc thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này thì trước mắt Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề lớn còn tồn đọng.
“Thứ nhất là môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp châu Âu không chấp nhận chuyện tham nhũng hay bôi trơn. Thứ hai là việc sở hữu trí tuệ. Bản quyền, thương quyền bị xâm hại, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường làm các doanh nghiệp châu Âu e ngại. Và cuối cùng là thời gian, các doanh nghiệp châu Âu họ nắm bắt cơ hội rất nhanh nhưng không thể chờ tới vài năm để cấp phép một dự án. Thời gian quá lâu đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh trôi qua”, GS Mại nói.
4 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút khoảng 12,33 tỷ USD vốn FDI, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019 (bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài); giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung trong 4 tháng, khối ngoại đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với gần 6 tỷ USD; thứ hai, là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với 3,9 tỷ USD; thứ ba, là lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký 776 triệu USD. Riêng hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 4 thu hút được 665 triệu USD. Theo đánh giá của các chuyên gia, thu hút FDI trong 4 tháng đầu năm giảm là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, kết quả này vẫn khả quan khi cao hơn mức bình quân giai đoạn 2016 - 2018 và chỉ giảm nhẹ so với các nước trong khu vực. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…