Nhờ kiên trì sản xuất sạch, một HTX nông nghiệp ở Mê Linh đã đạt OCOP 4 sao năm 2020 từ sản phẩm đu đủ sạch.
Đu đủ Mê Linh ngọt lịm tự nhiên
Anh Nguyễn Thế Lâm, thuộc thế hệ 8x, Giám đốc HTX Nông nghiệp Khánh Phong, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại thôn Yên Thị, sau đó đi học ngành cơ điện, nhưng ra trường lại làm hướng dẫn viên du lịch.
Công nhân đang thu hoạch đu đủ.
Một lần, trên tour du lịch, thấy các địa phương mình đi qua, người dân làm nông nghiệp rất tốt. Trong khi, ở Mê Linh đất đai màu mỡ, nhưng lại bỏ hoang hoá, rất lãng phí, vậy là năm 2014, anh bỏ đi tour, trở về nhà thuê đất ao chuôm đồng trũng, làm nông nghiệp sạch.
Đất Mê Linh, ngoại thành Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) vốn là địa bàn cư trú của các Lạc tướng, Lạc hầu 18 đời vua Hùng dựng nước. Khi bình yên thì cấy cày canh tác, khi có giặc giã thì ra trận. Vì vậy, cư dân nơi đây có truyền thống trồng trọt rất tốt.
Sau khi cân nhắc kỹ, năm 2015, anh thuê lại khu đất bỏ hoang hoá 15 ha, một đầu cao khoảng 5ha, một đầu thấp trũng 10ha; đầu cao để trồng bưởi Diễn, đầu thấp trũng nâng lên trồng ổi, táo, đu đủ. Xung quanh khu 10 ha, anh Lâm trồng đu đủ, khoảng 2.000 cây (tương đương 1 ha).
Đây là giống đu đủ Đài Loan, anh Lâm mua hạt giống ở Viện Nông nghiệp Việt Nam, và xuống giống đu đủ luôn trong năm 2015.
Theo đó, quy trình trồng 4 loại cây ăn quả nói trên của anh Lâm, cơ bản giống nhau, khoảng 80 – 85% sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục.
Ngoài ra, còn bổ sung thêm 1 lượng phân NPK Lâm Thao, lúc cây đang phát triển để giúp bộ rễ tốt, cây khoẻ, sau đó, chủ yếu bón phân chuồng đến khi thu hoạch. Đặc biệt, phải cho cây ăn từ từ, chia nhỏ làm nhiều lần, với một khoảng cách nhất định, mỗi loại cây, một năm bón khoảng 30 – 50 kg phân chuồng.
Đồng thời, sử dụng các loại thuốc trị nấm đối kháng 2- 3lần/năm, chủ yếu vào mùa mưa, do đây là mùa phát sinh nhiều nấm bệnh, tưới vào gốc, hoặc phun lên cây, lá để xử lý nấm gây hại. Đây là những loại thuốc sinh học, thời gian cách ly chỉ 3 -7 ngày, song, HTX cách ly trong vòng 2 tháng.
Vì vậy, 2.000 cây đu đủ của HTX thường xuyên khoẻ mạnh, cho trái quanh năm, bình quân 1 – 1,3 kg/quả, khoảng 1 tạ quả/ cây. Đu đủ ra quả quanh năm, từ khi xuống giống đến ra hoa, đậu quả khoảng 2- 2,5 tháng, đến tháng thứ 6 -7 thì thu hoạch, đây cũng là vòng đời của qủa đu đủ.
Ngoài ra, đây còn là loại trái cây có hàm lượng vitamin A, B9 cao, và nhiều dưỡng chất có ích cho sức khoẻ. Khánh Phong đã sản xuất theo hướng hữu cơ vi sinh, đạt chuẩn VietGAP, việc đăng ký, theo dõi quy trình chăm bón và phun thuốc BVTV được thực hiện chặt chẽ, đúng lúc, đúng thời điểm, đúng bệnh và có trách nhiệm với sản phẩm của mình.
Đồng thời, còn được kiểm nghiệm thường xuyên, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Quả đu đủ của HTX, ruột đỏ, thịt dày mềm mà không nát, vị ngọt thơm của đường tự nhiên và ít hạt.
Do quả được chín tự nhiên trên cây mới cho thu hoạch, nên không vàng ươm mà vàng đậm, và không đều màu, có đốm xanh, rám. Có thể dùng ăn trực tiếp, hoặc ép lấy nước thành thức uống thơm ngon.
Mặt khác, đu đủ của Khánh Phong sở dĩ có chất lượng cao, do HTX thường xuyên chú trọng thay cây, mỗi năm 1 lần, hết 1 vụ thay cây, cây khoẻ sẽ cho quả ngọt.
Hiện, đu đủ Khánh Phong đã được khách hàng ở nhiều siêu thị, cửa hàng rau quả sạch trên địa bàn Hà Nội, cũng như các tỉnh lân cận tin dùng. Giá bán tại các cửa hàng trong hệ thống phân phối của HTX khoảng 20 – 23.000 đồng/kg. Bình quân 2.000 cây đu đủ/năm thu trên 150 tấn quả.
Gian hàng của Hợp tác xã Khánh Phong tại các hội chợ.
“Ngoài đu đủ, Khánh Phong còn có 10 ha ổi, thu nhập 750 triệu – tỷ đồng/ha/năm; táo đại 1ha, giống Nhật Bản (mua tại Viện Nông nghiệp Việt Nam); bưởi Diễn 2 ha, bình quân thu 1 tỷ đồng/năm, đây là những sản phẩm OCOP đã đạt 3 -4 sao vòng 1 năm 2020” – anh Lâm cho biết thêm.
Thành lập HTX để phát triển bền vững
Được biết, sau 2 năm quy hoạch và cải tạo vùng trồng, năm 2017 anh Lâm đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong gồm 16 thành viên, chuyên sản xuất kinh doanh sảm phẩm sạch có trụ sở tại xã Tiến Thịnh.
Các thành viên tham gia góp vốn thấp nhất 200.000 đồng, cao nhất không quá 20% theo Luật HTX 2012. Hiện, cao nhất là lương Giám đốc 15 triệu đồng/tháng, Phó giám đốc (1 người) 10 – 12 triệu đồng/tháng; kế toán, kinh doanh bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, ông Phạm Thành Đô, cho biết: “Kết quả Phân hạng OCOP đợt 1/2020 Mê Linh đã có 49 sản phẩm đạt 3 -4 sao. Các chủ thể tham gia đa dạng và phong phú, song, đáng ghi nhận nhất là có rất nhiều HTX nông nghiệp tham gia.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, từ năm 2018 – 2020, Mê Linh đã tổ chức tập huấn cho khoảng 300 cán bộ, công chức, các phòng, ban, nghành, xã, thị trấn, thành viên HTX, doanh nghiệp.
Trong đó, có 01 đồng chí Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh được Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM Quốc gia cấp Chứng nhận đào tạo OCOP”.
Ngoài ra, ông Đô còn cho biết thêm, một số chủ thể là doanh nghiệp lớn, có uy tín, hàng hoá chất lượng cao, bao bì đẹp mắt, song không quan tâm nâng cao chất lượng, làm hồ sơ sản phẩm 3 -5 sao, theo Chương trình OCOP quốc gia.
Mặt khác, các sản phẩm nông sản của Mê Linh, đa phần là hàng tươi sống, không qua sơ chế, quy mô nhỏ lẻ, manh mún và không có đủ thương hiệu, nhãn mác… Nên xuất phát điểm làm OCOP rất thấp, cần đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật…
Chủ trì và tham dự buổi phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP tại Mê Linh, ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Điều phối XDNTM Hà Nội, cho biết: “Để Chương trình OCOP giai đoạn 2020 - 2025 của Mê Linh có hiệu quả, địa phương cần mời gọi các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đưa sản phẩm của mình đến dự thi, chấm điểm theo tiêu chuẩn OCOP nhiều hơn nữa.
Đặc biệt, sau khi đã có nhiều sản phẩm đạt “sao” OCOP, cần kết nối phân phối hàng vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại… Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư, quản lý, vận hành, đưa vào sử dụng sau đầu tư ngân sách, đối với các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tiềm năng”.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.