Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 3 năm 2020 | 14:38

Gia Lâm: Rau OCOP 4 sao xuất khẩu sang Hàn Quốc

Văn Đức (Gia Lâm) nổi tiếng là làng rau truyền thống của Thủ đô Hà Nội hàng chục năm qua.

Đặc biệt, niềm vui của bà con nơi đây được nhân đôi, khi Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, chuyên sản xuất rau an toàn (RAT), rau VietGAP, có 7 sản phẩm rau OCOP đạt hạng 4 sao (năm 2019) và được xuất khẩu sang Hàn Quốc từ nhiều năm nay.

 

tr13d.JPG
Bà Thuần chăm sóc rau trên đồng ruộng.

 

Rau OCOP 4 sao xuất khẩu

Bà Chử Thị Thuần (thôn Chử Xá), cho biết, gia đình bà trồng rau 3 - 4 thế hệ nay. Hiện canh tác 1 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) rau gồm: súp lơ, cà chua, dưa chuột, bắp cải, đậu đỗ các loại, mùa nào thức ấy. Riêng lơ xanh có 4 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, còn lại là RAT.

Năm 2019, sản phẩm lơ xanh của gia đình cùng với 7 loại rau của HTX Văn Đức, gồm: Bắp cải trắng, lơ xanh, lơ trắng, cải thảo, đậu trạch, cải ngọt, mướp đắng đã được TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao, thời hạn 36 tháng. Ngoài lơ xanh, các loại rau còn lại của gia đình được canh tác theo tiêu chuẩn RAT. Dự kiến, năm 2020, vẫn giữ vững diện tích rau VietGAP và RAT như cũ; doanh thu hàng năm đạt 300 - 350 triệu đồng/năm.   

Có được thành quả trên là nhờ HTX thường xuyên nhắc nhở bà con gieo trồng kín diện tích, chú trọng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, chủ động nạo vét kênh mương, để đảm bảo nguồn nước tưới. Về mùa mưa, kịp thời phòng chống ngập úng, nhất là khi mưa lớn kéo dài, ví như trận mưa tháng  9/2019, nếu không có hệ thống tưới tiêu tốt, kịp thời, sẽ thất thu lớn. Người dân chỉ tập trung canh tác, tuân thủ đúng quy trình sản xuất; chú trọng sản lượng, chất lượng sản phẩm, giữ vững chữ Tín với khách hàng. Đầu vào, đầu ra, đã có HTX chăm lo.  

Cũng như bà Thuần, bà  Đinh Thị Duyên (thôn Trung Quan), cho biết, bà có 1,3 mẫu rau sạch, rau VietGAP,  gồm: bắp cải trắng, cải thảo, lơ xanh, cà chua, đậu đỗ các loại, mùa nào thức ấy, để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, hàng năm còn xuất khẩu rau vụ đông sang Hàn Quốc, khoảng 10-12 tấn/năm, riêng cải thảo 7-8 tấn/năm. Số còn lại bán qua các đầu mối của HTX, bình quân 60-70 tấn/năm, giá các loại rau xuất khẩu, cũng như trong nước, bình quân 5.000-7.000 đồng/kg.

Đặc biệt, đây là vùng rau nổi tiếng của Gia Lâm, đất đai màu mỡ, nên rau Văn Đức có độ ngọt cao, đậm đà hơn rau các vùng khác. Ngoài ra, Văn Đức đã canh tác rau VietGap từ nhiều năm nay, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có sổ ghi chép nhật ký hàng ngày. Vì vậy, khi có chủ trương xây dựng sản phẩm OCOP, người dân không phải mất nhiều thời gian, chỉ việc lấy mẫu rau đi thử nghiệm và đã thành công như ngày nay.

“Năm 2020, HTX Văn Đức phấn đấu có thêm 7- 8 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Giữ vững diện tích rau VietGAP và RAT. Hiện tại, giá cả 2 loại rau nói trên chênh nhau 10 - 15%”, bà Duyên cho biết thêm. 

Cả xã chung tay

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ rau Văn Đức, cho biết: “Đây là thành quả của hơn 20 năm kiên trì canh tác sạch trên đồng ruộng, của người dân Văn Đức và Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Hà Nội; Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm. Nhờ canh tác sạch, hơn 220ha rau của Văn Đức luôn đạt chuẩn và trên chuẩn. Trong đó, có 26,9ha rau VietGAP, còn lại là RAT. Hàng năm, HTX có kế hoạch để bà con sản xuất, trên 20 chủng loại rau theo mùa vụ.   

Đồng thời, làm tốt công tác giám sát thành viên và nhân dân trong việc thực hiện quy trình sản xuất RAT, rau VietGAP, nhất là sử dụng thuốc BVTV, phân bón, vệ sinh đồng ruộng. Cùng với đó là công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; sử dụng phân bón hữu cơ, để nâng cao chất lượng, hướng tới xuất khẩu. Nhờ thực hiện tốt những điều trên, canh tác trên đồng ruộng ngày càng chuyên nghiệp, rau Văn Đức luôn đảm bảo đúng tiêu chuẩn đã đăng ký và sẵn sàng xuất khẩu khi có đơn đặt hàng”.  

Theo ông Minh, HTX  thường xuyên giới thiệu, quảng bá tiêu thụ rau Văn Đức thông qua hội chợ triền lãm, hệ thống siêu thị; các công ty và cửa hàng kinh doanh RAT, để người tiêu dùng biết đến rau Văn Đức nhiều hơn. Vì vậy, lượng khách hàng  liên hệ với HTX và các đầu mối ngày càng nhiều. Năm 2019, ước đạt 500 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi khoảng 400 triệu đồng/ha.

 Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Chu Phú Mỹ, cho biết: “Năm 2019, Gia Lâm được thành phố đánh giá, phân hạng 19 sản phẩm, bao gồm: Gốm sứ của Công ty Quang Vinh; Dược liệu của Công ty Trường Xuân; Sản phẩm nghệ Bà Bé; Sữa bò HTX Phù Đổng; Rau an toàn Dương Xá; HTX rau Văn Đức… Trong đó, có 14 sản phẩm được xếp hạng 4 sao; 5 sản phẩm được đánh giá tiềm năng 5 sao, đang đề nghị Trung ương xem xét, thẩm định.

Năm 2020, Gia Lâm cần xây dựng lộ trình, có giải pháp cụ thể và huy động mọi tiềm lực, để triển khai tốt kế hoạch “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) theo đúng tiến độ, thời gian và hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân trên địa bàn”.

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top