Mấy ngày nay, người dân trồng dưa hấu tại tỉnh Trà Vinh đứng ngồi không yên vì giá liên tục sụt giảm, khó tiêu thụ.
Gia đình ông Trần Văn Thăng (ngụ ấp 16, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) trồng 4 công (mỗi công 1.000 m2) dưa hấu. Khi dưa ra quả, thương lái đến đặt cọc mua toàn bộ ruộng dưa với giá 81 triệu đồng và đặt cọc trước 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, tới thời điểm thu hoạch, thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc và mua với giá chỉ 25 triệu đồng. Ông Thăng đành ngậm ngùi bán giá rẻ vì không còn nơi nào khác để tiêu thụ.
Còn ông Bùi Văn Khai (ngụ ấp 15, xã Long Hữu) trồng 7,5 công dưa hấu. Ban đầu, thương lái trả 9.500 đồng/kg. Tuy nhiên tới ngày thu hoạch chỉ mua 6.500 đồng/kg nhưng chỉ lựa 5 tấn dưa loại 1. Còn lại 13 tấn loại 2 thương lái chỉ mua với giá 1.500 đồng/kg.
Ông Khai cho biết: “Với giá này, người trồng dưa cầm chắc lỗ vì tiền đầu tư, nhân công từ 7 - 8 triệu đồng/công. Nhiều nông dân đành chấp nhận bán cho thương lái vì không còn cách nào khác”.
Theo ông Khai, cách đây hơn 1 tuần, ông Nguyễn Vũ Lang từ Cần Thơ về quê vợ tại xã Long Hữu (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) chơi, biết được hoàn cảnh của bà con trồng dưa hấu nên mua giúp toàn bộ số dưa của ông Khai để đem về Cần Thơ tiêu thụ.
Ông Lang mua dưa của ông Khai và bà con ở địa phương với giá 3.000 đồng/kg, sau đó đem về Cần Thơ bán lẻ với giá 6.000 đồng/kg. Nếu trừ chi phí vận chuyển, nhân công còn dư sẽ tiếp tục trả lại thêm cho nông dân. Sau nhiều đợt, ông Lang đã mua giúp nông dân xã Long Hữu tiêu thụ hơn 30 tấn dưa hấu.
Một số nông dân không chấp nhận thua lỗ nên mạo hiểm thuê xe để chở ra miền Bắc tiêu thụ. Ông Đào Văn Hương, ấp 15 (xã Long Hữu) trồng 10 công dưa hấu thu hoạch được 25 tấn. Lúc đầu thương lái đặt cọc giá 9.500 đồng/kg nhưng tới ngày thu hoạch đã bỏ luôn tiền cọc và mua giá chỉ 6.500 đồng/kg. Chưa dừng lại ở đó, khi cân thì họ lựa toàn dưa loại 1 chỉ vài tấn còn lại dạt ra loại 2 mua với giá từ 1.200 - 1.500 đồng/kg.
Khi đó, nhờ người quen giới thiệu địa chỉ ngoài tỉnh Hải Dương nên ông Hương mạo hiểm thuê xe tải chở 14 tấn dưa ra tỉnh Hải Dương tiêu thụ.
Ông Hương cho biết: “Bán tại chỗ thương lái trả rẻ quá nên tôi thuê xe với giá 2.000 đồng/kg để chở dưa ra ngoài miền Bắc tiêu thụ. Xe chạy suốt 2 ngày 3 đêm mới tới nơi. Ban đầu tôi bán với giá 6.200 đồng/kg sau đó sụt dần xuống 5.800 rồi chỉ còn 4.000 đồng/kg. Sau 1 ngày tôi bán hơn 11 tấn dưa, còn lại 2,5 tấn có một người dân ở Hải Dương thấy tôi tội nghiệp quá nên kêu về quê để họ bán giúp, sau khi bán hết sẽ chuyển tiền vào cho tôi. Bầy giờ tôi mới về tới nhà sau gần 1 tuần đi ra tỉnh Hải Dương bán dưa. Nhờ mạo hiểm nên gia đình mới thu lại được khoảng 80 triệu đồng tiền đầu tư. Còn lại, rất nhiều hộ dân đành ngậm ngùi chịu lỗ vì giá quá thấp”.
Hiện tại, dưa hấu được thương lái mua tại ruộng của nông dân đem ra lề đường bán với giá 10.000 đồng/3kg dưa loại nhỏ, 4.000 đồng/kg dưa loại lớn.
Chị Linh, thương lái thu mua dưa ở tỉnh Trà Vinh rồi chở về huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) bán lại cho biết: “Năm nay nắng nóng nên dưa hấu trúng mùa nhưng giá lại giảm. Ngoài ra, phía bên Trung Quốc không “ăn hàng” như trước nên giá dưa ngày càng rớt thê thảm vì chủ yếu chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa”.
Theo nhiều nông dân, chi phí trồng 1 công dưa hấu khoảng 8 triệu đồng. Với năng suất từ 2,5 đến 3,5 tấn/ha thì giá dưa khoảng 3.000 đồng/kg trở lên mới có lời. Hiện tại, hầu hết nông dân bán ngay tại ruộng với giá chỉ 1.500 đồng/kg nên bị lỗ nặng nề./.
Theo Minh Giang/Báo Dân trí
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…