Chân gà, cánh gà, mề, tim gà… giá siêu rẻ vì có thể đây là hàng bị các nước loại thải.
Thịt gà nhập khẩu rẻ bất thường, thậm chí có trường hợp doanh nghiệp (DN) khai báo nhập về với giá chỉ 2.000 đồng/kg.
Gian lận thương mại, trốn thuế
Cục Hải quan TP.HCM vừa thông báo truy tìm giám đốc các công ty nhập khẩu ồ ạt hàng chục lô thịt gà đông lạnh. Ví dụ có 111 tờ khai báo mặt hàng đùi gà, cánh gà với mức giá 0,1-0,2 USD/kg, tương đương với mức giá từ hơn 2.000 đến 4.000 đồng/kg. Số thịt gà nhập vào Việt Nam chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc và Brazil.
Điển hình như chỉ trong hai tháng 8 và 9-2016, Công ty TNHH Nguyễn Phụng (quận 10, TP.HCM) mở 17 tờ khai hải quan nhập khẩu thực phẩm đông lạnh gồm chân, cánh, đùi gà đông lạnh... Trên tờ khai hải quan, DN khai báo giá mặt hàng cánh gà đông lạnh, xuất xứ Brazil; đùi gà góc tư, đùi tỏi gà đông lạnh, xuất xứ Úc... chỉ có giá 0,1 USD, hơn 2.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, một số DN đã khai báo mức giá quá thấp, sau khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan điều chỉnh tăng thuế thì không nộp thuế và bỏ trốn. “Hiện chúng tôi đang phối hợp với lực lượng chức năng để truy tìm giám đốc các DN này, điều tra xem phía sau những DN nhập khẩu thịt gà đông lạnh này là ai” - đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM, cho biết thêm DN khai báo giá nhập khẩu thấp là do từ ngày 1-4-2015, cơ quan hải quan thực hiện Thông tư 38 chấp nhận giá giao dịch khi DN không đồng ý tham vấn giá, cơ quan hải quan cho thông quan theo quy định. Sau đó chuyển hồ sơ sang sau thông quan.
“Lợi dụng tình trạng này, một số đối tượng thành lập nhiều DN nhập khẩu ồ ạt mặt hàng gà đông lạnh nhằm gian lận thương mại, trốn thuế. Sau khi phát hiện có tình trạng bất thường này, Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo áp dụng các giải pháp ngăn chặn ngay” - ông Hiệp cho hay.
Hậu quả khôn lường
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, bức xúc cho rằng giá gà nhập khẩu chỉ hơn 2.000 đồng/kg thì chỉ có thể là khai gian giá để trốn thuế. Tình trạng này gây ra hậu quả rất lớn, bởi lượng thịt gà giá rẻ này làm loạn thị trường, tác động kéo giá gà trong nước đi xuống, ngành chăn nuôi gà trong nước thua lỗ nặng.
“Giá đùi gà Mỹ bán tại siêu thị các nước này cũng đã 3-4 USD/kg thì việc nhập về Việt Nam chỉ có giá dưới 20.000 đồng/kg là không hợp lý. Thịt gà nhập về Việt Nam tốn chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu, chi phí bảo quản, kho bãi… nên giá gà nhập về cảng chỉ dưới 1 USD/kg là rất bất thường” - ông Quyết phân tích.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trang trại gà ở Đồng Nai, cho rằng nguyên nhân chính khiến người nuôi gà lỗ nặng là giá đùi gà nhập khẩu về Việt Nam quá rẻ. Giá rẻ khiến đầu ra nguồn cung gà trong nước bị cạnh tranh, giá rớt thảm.
“Thời điểm này, giá gà công nghiệp bán tại trại cũng chỉ đạt 21.000-22.000 đồng/kg, người nuôi vẫn lỗ 4.000-5.000 đồng/con gà. Nếu gà nhập khẩu tiếp tục vào Việt Nam với giá rẻ dưới 1 USD/kg như hiện nay thì ngành chăn nuôi gà trong nước tiếp tục gặp khó khăn, chết dần” - ông Ngọc lo ngại.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng có hai yếu tố có thể dẫn tới giá thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam rẻ do Mỹ và một số nước trên thế giới thường lựa chọn mua ức gà vì vậy sản phẩm này đắt nhất. Trong khi đó, các sản phẩm khác như đùi, cánh, chân... tiêu thụ rất ít. Những sản phẩm ít tiêu thụ sẽ bán sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam với giá rất rẻ.
Đại diện một công ty đang nhập khẩu các loại thịt cho biết thịt gà được DN nhập khẩu trực tiếp từ đối tác nước ngoài bao gồm Mỹ và đối tác đáp ứng đầy đủ điều kiện xuất khẩu. Thịt gà xuất khẩu đi có đầy đủ tem nhãn của nhà sản xuất và dấu kiểm định đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan chức năng.
Đại diện DN này từ chối cung cấp giá thịt nhập về tại cảng Việt Nam. Tuy nhiên, lý giải nguyên nhân giá gà nhập khẩu thấp, DN cho hay có thời điểm giá tại nước xuất khẩu rất rẻ do cung vượt cầu, chỉ muốn giải phóng hàng thật nhanh và DN Việt tranh thủ mua về.
Về lo ngại chất lượng những lô thịt gà giá rẻ vào Việt Nam, ông Dương cho rằng sau khi Cục Chăn nuôi có ý kiến về vấn đề này, các đơn vị quản lý nhập khẩu gia cầm đã kiểm tra chặt về chất lượng sản phẩm thịt gà nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng lý giải thế giới ăn ức gà nên sản phẩm đùi, cánh gà giá rẻ là không hợp lý vì đùi gà vẫn bán tại siêu thị các nước này với giá rất cao. Nếu ít người mua thì việc gì họ phải bán giá cao 3-4 USD/kg.
“Dù cơ quan thú y cho biết chất lượng thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam đảm bảo nhưng vấn đề giá nhập quá thấp, bất hợp lý thì cần cơ quan chức năng kiểm tra lại. Cần những rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc thịt nhập vào nước ta vì có thể thịt nhập khẩu có vấn đề” - ông Quyết đề xuất.
Một số ý kiến khác thì nhận định không loại trừ khả năng có đơn vị nhập sản phẩm dành cho gia súc nhưng bán cho người. Cụ thể, những phụ phẩm như chân gà, cánh gà, mề, tim gà… giá siêu rẻ vì là hàng bị các nước loại thải hoặc bị các nước nhập khẩu trả về. Thay vì phải tiêu hủy tốn kém kinh phí và đóng thuế môi trường thì họ dồn sang Việt Nam.
Nhập khẩu thịt gà cận date
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, riêng năm ngoái Việt Nam đã nhập khẩu 74.240.000 kg thịt gà từ Mỹ, Hàn Quốc và Brazil với kim ngạch gần 55,6 triệu USD, khoảng 259 tỉ đồng.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, có ba đối tượng nhập khẩu thịt gà về Việt Nam. Một là đối tượng trực tiếp qua Mỹ, tới nơi chế biến để mua, những hợp đồng mua được hợp pháp hóa lãnh sự tại Mỹ, khai giá 0,6-0,65 USD/kg đùi gà. Thứ hai, đối tượng mua trực tiếp tại các DN tại Mỹ qua mạng Internet với giá 0,9-1,1 USD/kg. Thứ ba, một số mua sản phẩm cận hạn sử dụng nhưng vẫn còn đủ hạn sử dụng được phép nhập khẩu với giá rẻ...
Qua công tác kiểm tra sau thông quan cho thấy một số DN nhập khẩu gà phần lớn cung cấp cho bếp ăn tập thể...
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…