Với mục đích giảm bớt công lao động và nâng cao năng suất, các “kỹ sư nông dân” đã sáng chế ra nhiều loại máy móc để phục vụ cho chính mình và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Những sáng chế này cần phải được đầu tư và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.
Những “kỹ sư nông dân”
Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở xã Cường Lợi (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn), Nguyễn Văn Tuấn chỉ có một mong muốn giúp việc làm nông nghiệp bớt vất vả, mặc dù chưa hề qua một lớp đào tạo về cơ khí chế tạo, nhưng từ thực tế cuộc sống, cùng với niềm đam mê sáng tạo, người nông dân này đã chế tạo ra những sản phẩm máy nông nghiệp vừa có thể cào được cỏ lại làm được đất, đánh được rãnh.
Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Chính từ cái khó, cái nghèo và nhìn thấy sự cằn cỗi của mảnh đất quê hương, lại sẵn yêu thích máy móc nên tôi đã ấp ủ dự định sẽ sáng chế ra một cái máy nhằm giúp bà con nông dân bớt khổ”.
Năm 2010 là năm đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời Nguyễn Văn Tuấn khi anh chế tạo thành công chiếc máy phay đa năng, có công dụng cào cỏ, vun ngô, cuốc xới đất. Khi đưa vào sử dụng, máy phát huy hiệu quả rõ rệt.
Chiếc máy đa chức năng này đã giúp bà con rút ngắn thời gian canh tác, gieo trồng kịp thời vụ, phù hợp với mọi địa hình cũng như quy mô sản xuất hộ gia đình, đồng thời tăng năng suất lao động. Sử dụng chiếc máy này, việc canh tác trên các sườn dốc cao trở nên dễ dàng hơn. Chiếc máy có thể tự đánh rãnh, tự tra lân, tra ngô, tự vùi lấp 1kg ngô giống chỉ trong 1 giờ, tương đương với 8-9 người mới hoàn thành công việc này.
Hay như ông Phan Công Sỹ (49 tuổi; ngụ xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) đã chế tạo thành công máy cày, bừa đa năng, tiết kiệm nhiên liệu, giá rẻ cho nông dân.
Ông Sỹ cho biết: “Nhà nghèo, gia đình thuần nông nên hằng ngày, tôi chứng kiến cảnh người thân, làng xóm cùng con trâu, cái cày làm việc quần quật suốt ngày mà vẫn không thoát được nghèo khó vì năng suất lao động thấp. Vốn có tay nghề cơ khí nên tôi luôn ấp ủ một ngày nào đó sẽ chế tạo ra chiếc máy cày phục vụ bà con nông dân”.
Cuối năm 2016, ông Sỹ bắt đầu chế tạo máy cày. Ban đầu do vật liệu còn thiếu, ông đã tận dụng nhiều bộ phận cũ từ ôtô, máy nông nghiệp... lắp ráp vào để tạo ra chiếc máy cày của mình. Sau nhiều tháng mày mò nghiên cứu, đến tháng 3-2018, chiếc máy cày chạy bằng động cơ diesel với 28 mã lực, có đầy đủ các bộ phận như ca-bin, ghế ngồi, bộ phận tăng giảm tốc đã hoàn thành. Ông Sỹ cho máy ra chạy thử tại cánh đồng của xã và kết quả không thua kém gì các máy nhập đắt tiền đang bán trên thị trường. Chứng kiến máy hoạt động tốt, nhiều người có mặt đã ôm ông chúc mừng.
Không chỉ có ở Bắc Kạn, Nghệ An mà hầu hết ở các tỉnh đều có những “Kỹ sư nông dân” đã sáng chế ra rất nhiều loại máy móc, công cụ phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động và giảm thiểu tối đa công lao động của người nông dân. Tuy nhiên, những sản phẩm máy móc nông nghiệp có hiệu quả rõ ràng này lại rất khó khăn khi làm những thủ tục để đăng ký bản quyền.
Thủ tục quá rườm rà
Anh Nguyễn Hoàng Nam (ấp Mé Láng, Ngũ Lạc, Duyên Hải, Trà Vinh), người sáng chế ra giàn quạt ôxy nuôi tôm, cho biết. “Hơn một năm rồi tôi chưa nhận được bảo hộ độc quyền vì nghe đâu theo quy định phải chờ khá lâu. Tôi sợ, đến lúc được cấp bằng rồi, hàng nhái đã có mặt khắp nơi”.
Theo anh Nam, rào cản đến với tấm bằng sáng chế của nông dân hiện nay, phần lớn là do thời gian chờ đợi chứ không phải vấn đề tiền bạc hay kỹ thuật, vì hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Sở KHCN các địa phương đã có khá nhiều chương trình hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật cho những nhà sáng chế không chuyên làm hồ sơ đăng ký. “Nông dân chúng tôi mất rất nhiều thời gian và công sức để sáng chế ra những sản phẩm phù hợp với thực tiễn công việc. Nhưng đến khi thành công rồi, đi đăng ký thì gian nan quá... Hiện tôi đã đăng ký 3 sản phẩm và tất cả đều phải đợi một chữ “chờ”.
Nông dân Trần Đại Nghĩa (thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, người sáng chế ra máy cấy lúa không dùng động cơ) nghĩ là hồ sơ đã ổn và yên tâm chờ đến ngày được cấp bằng. Anh khá tự tin với hồ sơ của mình vì đã được cán bộ Sở KHCN Thái Bình trực tiếp hướng dẫn.
Nhưng 1 tháng sau, anh mới nhận được thông báo hồ sơ không hợp lệ. “Lần này, tôi phải tìm tới văn phòng luật sư và nhờ làm lại từ đầu”. Và chỉ trong vài tháng, khi anh Nghĩa còn đang loay hoay với việc hồ sơ hợp lệ hay hồ sơ chưa hợp lệ, thì sản phẩm của anh đã bị nhiều nơi làm nhái. “Sản phẩm có khả năng ứng dụng cao là có ngay người làm nhái. Mình biết đấy nhưng không làm thế nào để bảo vệ được.
Theo bà Đoàn Thị Định - đại diện Công ty Luật sở hữu trí tuệ Trường Xuân - Ageles: “Đối với bất kỳ đối tượng nào nếu muốn đăng ký bản quyền sáng chế đều phải tiến hành thủ tục đăng ký.
Hơn nữa, trước khi đăng ký thì phải kiểm tra, xem đối tượng có đảm bảo các tiêu chí yêu cầu để bảo hộ đăng ký bản quyền sáng chế, tất cả đều được quy định rõ trong Luật.
Người nông dân sáng chế ra máy gieo hạt giống mà muốn đăng ký bản quyền thì phải đăng ký lên Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, trực thuộc Bộ KH-CN. Hồ sơ đăng ký cần rất nhiều giấy tờ mà kể cả về mặt quy định tài liệu và nội dung viết rất đặc trưng.
Việc đăng ký bản quyền sáng chế là phần khó nhất trong các đối tượng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, rất đặc thù, các doanh nghiệp, đơn vị hầu như đều cần có luật sư chuyên môn hỗ trợ viết bản mô tả sản phẩm.
Với những Quy định của pháp luật hiện hành, việc những sản phẩm của những “Kỹ sư nông dân” này muốn được đăng ký bảo hộ là một điều không hề đơn giản và rất khó khăn. Theo bà Định, kể cả người được học cũng rất khó làm, vì nó quá chuyên môn. Thêm nữa là cách viết làm sao vẫn đăng ký được mà bộc lộ ít nhất đối tượng của mình, phải giữ bí quyết”.
Người nông dân hay doanh nghiệp đều có rất nhiều sáng kiến đi từ khó khăn trong sản xuất lao động, họ đưa ra các sáng kiến, giải pháp trước tiên là giúp cho mình. Tuy nhiên vì nó tương thích với trình độ phát triển kinh tế Việt Nam, cho nên tính mới, tính sáng tạo chưa được cao, do trên thế giới đã tìm ra rồi, nên việc đáp ứng các điều kiện bảo hộ nhiều lúc chưa đáp ứng.
“Đặc biệt, thường là người nông dân khi sáng chế ra sẽ bán ngay lập tức, mà khi đã bán thì sẽ mất tính mới, là một trong những điều kiện, công bố sử dụng rộng rãi thì không đăng ký bản quyền sáng chế được”, bà Định chỉ rõ thêm.
Cần rút ngắn thời gian thẩm định sáng chế
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB law (Hà Nội), cho biết: Theo quy định của Luật SHTT, tổng thời gian từ khi nộp đơn đăng ký sáng chế đến khi được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế là 38 tháng (chưa kể hồ sơ bị trục trặc). So với các đối tượng khác như đăng ký nhãn hiệu thì thời gian gấp 3 lần. Chính vì thế, nhiều khi được cầm được văn bằng bảo hộ thì sáng chế đã bị lạc hậu hoặc bị người khác sử dụng.
Mặc dù Luật SHTT đã có những quy định để bảo vệ sáng chế như được hưởng quyền được bảo hộ tạm thời, quyền tạm thời đối với sáng chế… Nhưng theo tôi, những quy định đó chưa đủ mạnh. Và điểm mấu chốt ở đây là quy trình thẩm định quá dài không những tạo kẽ hở mà còn khiến các nhà sáng chế nản lòng.
Để khắc phục tình trạng trên cần phải sửa đổi một số quy định của Luật SHTT theo hướng: Giảm thời gian thẩm định nội dung thành 12 tháng, thay vì 18 tháng như hiện nay.
Bên cạnh đó, người nộp đơn nên tận dụng những ưu đãi của Luật SHTT như: Sau khi đơn đăng ký sáng chế đã được chấp nhận hợp lệ, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục SHTT công bố sớm đơn sáng chế trong tháng thứ 2 kể từ ngày yêu cầu (thay vì phải đợi tới tháng thứ 19 theo quy định của pháp luật).
Mặt khác người sáng chế nên nhờ các luật sư có kinh nghiệm để trợ giúp trong việc viết bản mô tả, viết yêu cầu bảo hộ và các vấn đề liên quan khác để tránh sai sót làm kéo dài thời gian thẩm định. Đồng thời người sáng chế cần tra cứu dữ liệu thông tin sáng chế trước khi nghiên cứu giải pháp cải tiến kỹ thuật để tránh trùng lặp, mất thời gian và công sức.
Những sáng chế của “kỹ sư nông dân” thực sự là có hiệu quả trong nông nghiệp, được rất nhiều bà con nông dân sử dụng, tuy nhiên những sáng chế này hiện nay chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ do rất nhiều lý do, trong đó có việc thủ tục quá rườm rà, thời gian chờ đợi… Chính vì vậy những “kỹ sư nông dân” đành chấp nhận sự thiệt thòi về quyền tác giả, việc này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của họ và dẫn đến việc làm giả, nhái mẫu mã để sản xuất kiếm lời mà không thể xử lý được.
Để tạo điều kiện cho những “kỹ sư nông dân” này được thỏa sức sáng tạo, rất cần Nhà nước và các cơ quan quản lý xem xét giảm bớt các thủ tục để nhanh chóng hơn trong việc cấp giấy chứng nhận bảo hộ quyền sáng tạo.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.