Đây là thông được Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đưa ra tại "Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/10, tại Hà Nội.
Hội nghị với sự tham dự của hơn 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan … cùng hơn 200 thương nhân, nhà quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thông tin thêm, theo ông Hải, năm 2017, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí là nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.
Đáng chú ý, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/10/2018 ban hành tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều tồn tại của doanh nghiệp trong lĩnh vực này như: năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, tham gia chuỗi toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế.
Chính vì vậy, mục tiêu của Hội nghị là giới thiệu, quảng bá ngành sản xuất, xuất khẩu gạo Việt Nam, nhấn mạnh những thành tựu trong nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các sản phẩm lúa, gạo Việt Nam.
Tại hội nghị, chia sẻ thêm kinh nghiệm quốc tế, ông Martin Albani, cố vấn về thúc đẩy thương mại và phát triển xuất khẩu (Tập đoàn tài chính quốc tế) cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung để xây dựng thương hiệu mặt hàng gạo, với mục đích chính là để đưa ra chiến lược xuất khẩu bền vững.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng lưu ý doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, đặc biệt là xây dựng chỉ dẫn địa lý để tăng thêm giá trị cho hạt gạo của Việt Nam.
"Dù tốn thêm chi phí, nhưng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng mua hạt gạo có chất lượng," ông Paradon Munro nói.
Thống kê cho thấy, hàng năm, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Riêng 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 4,53 triệu tấn gạo, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2017 với giá trị xuất khẩu đạt 2,29 tỷ USD, tăng 27%.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thêm, đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” xác định đến năm 2020, duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.
Đề án cũng xác định, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới thị trường xuất khẩu là chính, trong khi vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng sản xuất lúa hàng hóa còn lại hướng tới thị trường trong nước là chính.
Tại hội nghị, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, nhằm kết nối, hợp tác trong sản xuất và thương mại gạo./.