Theo dự báo của Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng, nhất là trong những tháng cuối năm.
Thiếu hụt nguồn cung
Giá lợn hơi hiện ở mức 60.000-70.000 đồng/kg, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Nguyên nhân giá lợn hơi phi mã được Bộ Nông nghiệp và PTNT lý giải là sự thiếu hụt nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi và tốc độ tái đàn chậm. Ngoài ra, việc Trung Quốc nhập thịt lợn với giá cao cũng gây sức ép cho thị trường trong nước. Giá thịt lợn được dự báo vượt 70.000 đồng/kg trong thời gian tới.
Theo Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương), chỉ trong 10 ngày đầu tháng 10/2019, giá lợn hơi trên cả nước tăng 6.000 – 13.000 đồng/kg so với cuối tháng 9/2019.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, nhất là trong những tháng cuối năm.
Hiện giá lợn hơi tại các tỉnh miền Nam nằm trong khoảng từ 58.000 đồng/kg đến 62.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Trung dao động từ 55.000 đồng/kg đến 60.000 đồng/kg; khu vực Tây Nguyên (ghi nhận tại Đắk Lắk) 55.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc đang ở trạng thái cân bằng, hiện dao động trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg.
Theo khảo sát thực tế tại các khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn dao động trên dưới 120.000 đồng/kg. Chị Minh (tiểu thương tại chợ Nam Đồng, Đống Đa) chia sẻ: “Giá lấy tại lò mổ là 80.000 đồng/kg, tăng hơn 20.000 đồng/kg so với trước. Giá mua vào tăng kéo giá bán ra cũng tăng theo. Hiện, giá thịt ba chỉ tại quầy tôi có giá 110.000-125.000 đồng/kg, thịt mông 110.000-120.000 đồng/kg, sườn 115.000-130.000 đồng/kg”.
Tại các siêu thị, giá thịt lợn đã lên đến trên dưới 150.000 đồng/kg loại ngon như nạc vai, ba rọi, thăn, chân giò. Chẳng hạn khảo sát tại Vinmart, giá thịt ba rọi niêm yết tới 152.900 đồng/kg...
Liên quan tới việc thịt lợn tăng giá cao kỷ lục trong thời gian qua, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Xuân Dương, nhấn mạnh: Mức giá tăng cao như hiện nay là chấp nhận được! Sở dĩ vậy là bởi chăn nuôi trong điều kiện dịch dã gặp nhiều khó khăn hơn. Đặc biệt là chi phí cũng tăng cao hơn (khoảng 10.000 đồng/kg so với trước đây). Đồng thời cho rằng, mức giá thịt lợn như hiện nay là sự chia sẻ với người chăn nuôi.
Theo ông Dương, thời gian qua, do tác động của bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn cả nước đã giảm 5,6 triệu con. Đến nay, tổng đàn lợn theo rà soát mới nhất còn trên 23 triệu con, trong đó, có khoảng 2,8 - 2,9 triệu con lợn nái.
Sự sụt giảm tổng đàn lợn khiến giá trị sản xuất chăn nuôi lợn 9 tháng đầu năm 2019 giảm trên 9% so với cùng kỳ năm 2018. Dù vậy, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng. Tuy nhiên, theo ông Dương, giá thịt lợn đang tăng cao và việc người chăn nuôi lựa chọn xuất chuồng sớm là một biện pháp an toàn.
Ông Dương cho biết thêm, giá lợn có tác động lớn đến đời sống dân sinh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở chăn nuôi và các doanh nghiệp. Do đó, các địa phương cần tuyên truyền về giá để tránh tình trạng đầu cơ. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt việc tái đàn. Và đặc biệt, trong chính sách bình ổn giá nên ưu tiên cho thịt lợn, vì cuối năm nhu cầu về mặt hàng này rất lớn.
Phải có giải pháp bình ổn giá thịt lợn
Ông Nguyễn Thái Trị ở xã Bông Trang (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, giá lợn hơi đang ở mức giá cao kỷ lục và người chăn nuôi thu lãi khoảng 3 triệu đồng/con. Mặc dù vậy, nhà ông cũng chỉ còn có 10 con lợn trong chuồng xuất bán dịp này nhưng ông không có ý định tăng đàn. Ông Trị lý giải, việc tăng đàn ồ ạt rất dễ khiến giá lợn giảm xuống trong thời gian tới; cùng đó là nguy cơ lây lan của dịch bệnh vì hiện dịch này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo nhiều hộ chăn nuôi, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi có xu hướng chậm lại nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; các ổ dịch chưa được xử lý triệt để sẽ dễ bùng phát lại. Vì vậy, nếu tái đàn vào thời điểm này sẽ rất mạo hiểm cho người nuôi.
Để phát triển tăng đàn, tái đàn lợn thương phẩm sạch, góp phần bình ổn thị trường thực phẩm những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần có quy trình chăn nuôi an toàn, khép kín, sạch bệnh.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, các trang trại lớn, có quy trình chăn nuôi an toàn, khép kín, sạch bệnh, cần tiếp tục tái đàn, sản xuất con giống sạch cung cấp cho người chăn nuôi; phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm để góp phần ổn định thị trường thực phẩm, bình ổn giá thực phẩm. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gần khu dân cư, không đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học thì tuyệt đối chưa vội tăng đàn, tái đàn. Điều này nhằm không để xảy ra rủi ro, thiệt hại do dịch có thể tái phát.
Tuy nhiên, việc tăng đàn, tái đàn cần phải tuân thủ nguyên tắc chặt chẽ, chỉ tăng đàn tại các cơ sở chăn nuôi lớn, có đủ điều kiện đảm bảo an toàn sinh học mới tập trung tăng đàn. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có những giải pháp nhằm khuyến khích tăng đàn nhanh, nhất là với các hộ chăn nuôi quy mô trung bình từ 500-1.000 con nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trước tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ Tài chính, Công Thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn (bao gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019.
Có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước).
Tính đến ngày 15/10, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên 8.200 xã, hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành. Tổng số lợn tiêu hủy 5,6 triệu con, với tổng sản lượng hơn 320.000 tấn, chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng thịt lợn của cả nước. Trong đó, có 4.632 xã thuộc 606 huyện của 63 tỉnh, thành chưa qua 30 ngày. Có 3.591 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày. Hiện có 10 tỉnh, thành phố có trên 80% số xã bị dịch đã qua 30 ngày: Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Giang. Riêng Hưng Yên đang chuẩn bị tiến hành các thủ tục công bố hết dịch trên địa bàn toàn tỉnh. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…