Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 3 năm 2022 | 9:43

Giá xăng, dầu leo thang: Những giải pháp thích ứng linh hoạt của ngư dân

Chỉ trong hơn 2 tháng qua, giá xăng dầu trong nước tăng 6 lần liên tiếp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi chuyến biển của ngư dân bởi nhiên liệu chiếm hơn 50% chi phí vươn khơi.

Đã sắm tàu thì phải ra khơi bám biển. Do đó, nhiều ngư dân đã có những giải pháp linh hoạt để ra khơi.

Chi phí chuyến biển tăng 20-25%

Hiện, giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Ngày 01/3, xăng E5 RON 92 ở mức 26.070 đồng/lít, RON 95 là 26.830 đồng/lít, dầu diesel 21.310 đồng/lít. Việc giá xăng dầu liên tục leo thang khiến chi phí cho mỗi chuyến biển của ngư dân nói chung và ngư dân ở Phú Yên cũng tăng theo.

Ông Phạm Văn Cương, ngư dân phường Phú Đông (TP. Tuy Hòa) cho biết: Trở về sau chuyến mở biển đầu năm, tôi “ngã ngửa” khi biết xăng dầu liên tiếp tăng giá. Điều này  khiến ngư dân khốn đốn vì chi phí đánh bắt bị đội lên, thu nhập sẽ giảm sút. Với giá dầu ở mức hơn 21.000 đồng/lít như hiện nay, muốn chuẩn bị cho chuyến biển mới, tôi phải tính toán lại, nếu không sẽ lỗ chỏng gọng!

 

01.jpg
Ngư dân TP. Tuy Hoà chuẩn bị ra khơi.

 

Theo ông Cương, trước đây, khi giá dầu diesel tầm 17.000 đồng/lít, mỗi chuyến vươn khơi, ông tốn tầm 100 triệu đồng  nhiêu liệu. Nay giá dầu tăng lên thì chi phí nhiên liệu cũng đội lên tới 125 triệu đồng. Chưa kể, khi xăng, dầu tăng giá, các loại hàng hóa thiết yếu khác không sớm thì muộn cũng tăng theo nên ngư dân khó sẽ chồng khó. Trong khi hiện nay, ngư trường không còn dồi dào, thời tiết biến động khó lường, hiệu quả mỗi chuyến đánh bắt không cao nên ngư dân ngày càng khó khăn khi vươn khơi bám biển.

Đang đổ dầu gần đó để chuẩn bị cho chuyến biển mới, ngư dân Nguyễn Văn Phong, chủ tàu PY-9116TS (TP. Tuy Hòa) cho hay, mỗi tàu cá có công suất 420CV ra khơi “một trăng” (khoảng 30 ngày) tốn khoảng 3.500-4.000 lít dầu. Với giá dầu hiện nay cùng với các chi phí khác chuẩn bị cho chuyến biển thì chi phí một chuyến biển đã tăng so với trước khoảng 20-25%.

“Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 đến nay, giá cá ngừ đại dương ở mức 140.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao so với những năm gần đây nên bà con còn cầm cự được. Tuy nhiên, nếu giá dầu tiếp tục tăng, nguy cơ nhiều tàu cá sẽ phải nằm bờ”, ông Phong nói.

Ông Võ Văn Biện (xã An Chấn, huyện Tuy An) cho hay: Tôi đi biển gần bờ, tối đi sáng về, mỗi lượt tốn 150-160 lít dầu diesel, trị giá khoảng 3,3 triệu đồng, chưa tính các chi phí khác. Ngày nào gặp cá thì bù chi phí, nếu không sẽ lỗ!

Theo các ngư dân ở  xã Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi), trước đây, mỗi chuyến ra vùng biển Trường Sa đánh bắt, ngư dân chi phí  100-150 triệu đồng (bao gồm nhiên liệu, đá lạnh, gas, lương thực, nước uống...). Trong số này, nhiên liệu chiếm khoảng 60% nên giá dầu liên tục tăng sẽ làm sụt giảm nguồn thu nhập của từng lao động tham gia chuyến biển.

Trước, chi phí dầu diesel khoảng 60-90 triệu đồng để mua 3.300 - 5.000 lít. Giờ đây, mỗi lít dầu có giá hơn 21.000 đồng, chi phí cho chuyến biển tăng hơn 15-20 triệu đồng.

Lo ngại chuyến biển xa bờ thua lỗ, một số chủ tàu tạm thời chưa cho tàu ra khơi khai thác hải sản trong những chuyến biển đầu năm mới.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết, là xã ven biển của huyện Bình Sơn, có truyền thống bám biển, ngư dân có kinh nghiệm lâu năm về đánh bắt hải sản, hiện toàn xã có 483 tàu cá, trong đó có 240 tàu thuyền đánh bắt vùng biển xa ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Vừa kết thúc đợt không khí lạnh, nhẽ ra lão ngư Nguyễn Văn Hoàng, 60 tuổi, xã Thạch Kim (Lộc Hà- Hà Tĩnh) sẽ được thỏa sức rẽ sóng đánh bắt hải sản; nào ngờ giá dầu tăng cao, chi phí đắt đỏ khiến ông phải “đi biển tiết kiệm”. “Bình thường chúng tôi đi biển 15-20 ngày/tháng, nhưng giờ giá dầu tăng cao nên phải rút ngắn thời gian ra khơi chỉ còn 5-10 ngày/tháng. Khoảng thời gian còn lại trong tháng, tàu cá nằm bờ”, ông Hoàng cho hay.

Tương tự, ở Quảng Bình, giá xăng dầu leo thang khiến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Nhiều ngư dân phải chấp nhận lỗ vốn để vươn khơi. Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Văn Thông trú thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) bày tỏ: “Nguồn hải sản ngày càng ít nên thời gian vươn khơi của tôi và bạn thuyền thường kéo dài hơn so với dự kiến nhằm kiếm thêm sản lượng. Dù xăng dầu tăng mạnh nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm ra khơi và chấp nhận thua lỗ. Bởi lẽ, nếu tàu chôn chân một chỗ sẽ dễ phát sinh hư hỏng”.

Nỗ lực vươn khơi

Theo các ngư dân, tiền dầu là chi phí thường xuyên và chiếm phần lớn chi phí mỗi chuyến ra khơi. Cụ thể, ngoài các chi phí nhân công, thực phẩm, đá lạnh ướp cá… thì nhiên liệu chiếm 50-70% chi phí của mỗi chuyến biển. Vì vậy, giá xăng, dầu tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, đa phần ngư dân đều cố gắng vươn khơi.

“Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, giá cá ngừ đại dương ở mức 140.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao so với những năm gần đây. Nhờ vậy, bà con vẫn có thu sau mỗi chuyến biển để trang trải chi phí cho chuyến tiếp theo. Ngoài ra, trong tháng đầu năm mới, ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ đã nhận được tiền hỗ trợ chuyến biển của Nhà nước nên cũng có kinh phí để ra khơi”, ngư dân Nguyễn Văn Phong cho biết.

Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Yên hiện có hơn 4.100 tàu cá. Trong đó có 2.676 tàu cá có chiều dài dưới 12m hành nghề vùng biển ven biển; 845 tàu cá dài từ 12-15m khai thác hải sản vùng lộng và 654 tàu cá dài trên 15m hoạt động vùng khơi. Trước tác động bất lợi của giá xăng, dầu, nhiều tổ đội sản xuất trên biển được hình thành nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, chia sẻ ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác, đồng thời giúp tiết giảm chi phí mỗi chuyến biển so với trước.

Đến thời điểm này, trên địa bàn Phú Yên đã thành lập 8 nghiệp đoàn nghề cá, 116 tổ đội sản xuất trên biển với 861 tàu cá với 7.530 lao động tham gia, cùng với đó là 13 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với 1.612 người tham gia. “Bước đầu, các tổ đội này hỗ trợ nhau tìm kiếm ngư trường chung; hỗ trợ vận chuyển nguyên vật liệu từ đất liền ra biển, vận chuyển sản phẩm từ biển vào đất liền. Qua đó tạo điều kiện cho các phương tiện bám biển dài ngày, giảm chi phí, tăng giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận”, ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên nói.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ngư dân vẫn nỗ lực bám biển vì với ngư dân, tàu là nhà, biển cả là quê hương. “Để giúp bà con yên tâm bám biển khai thác thủy, hải sản, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có chính sách bình ổn giá xăng, dầu. Đánh bắt có lãi, ngư dân mới mạnh dạn vươn khơi, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ngư dân Nguyễn Dương ở phường 6 (TP. Tuy Hòa) nói.

“Đã sắm tàu thì phải ra khơi bám biển, chứ biết làm sao. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay toàn xã đã có 192 tàu thuyền (chiếm 80% tàu có công suất lớn) xuất bến ra khơi tham gia đánh bắt xa bờ”, ông Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành ở xã Bình Châu (Bình Sơn) đưa ra sáng kiến: Trước tình hình giá dầu liên tục tăng, trước mắt, chúng tôi mua sắm ngư lưới cụ chuyển sang đánh bắt vùng biển gần bờ một thời gian. Thời gian cho một phiên biển gần bờ khoảng 1 tuần thay vì kéo dài cả tháng như trước.

Theo ông Nguyễn Hữu Ngọt, Giám đốc HTX đánh bắt xa bờ xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn), HTX có 145 tàu thuyền, trong đó có 45 tàu thuyền đánh bắt vùng biển xa ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giá dầu diesel dao động 16-18 ngàn đồng/lít. Sau Tết, giá dầu diesel tăng lên 20-21 ngàn đồng/lít, khiến nhiều ngư dân ở địa phương lo ngại thua lỗ. Thậm chí, những ngư dân mua chịu dầu diesel thì giá lên đến 22 ngàn đồng/lít..

“Tuy nhiên, đã sắm tàu thì phải ra khơi khai thác hải sản chứ biết làm sao. Trước đây, mỗi chuyến ra khơi, mỗi tàu thường nạp 45.000 lít dầu cho hành trình trên 2 tháng, nhưng nay giá dầu diesel tăng lên 20-21 ngàn đồng, thì ngư dân chỉ nạp 35.000 lít dầu cho hành trình khoảng 1,5 tháng”, ông Ngọt chia sẻ.

Trúng mùa biển ngay đầu năm, cộng thêm giá hải sản hiện ổn định, nên ngư dân Quảng Ngãi phấn khởi. Sau khi bán cá cho thương lái, ngư dân tiếp tục tiếp nhiên liệu, đá lạnh,… tranh thủ ra khơi đánh bắt trong những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của gió mạnh và sóng lớn trên biển nên các tàu khai thác gần bờ chưa thể ra khơi.

 

1-copy.JPG
Giá dầu tăng, mỗi chuyến biển ngư dân Quảng Ngãi mất thêm khoảng 15 triệu đồng.

 

Ra khơi đánh bắt bởi áp lực lãi suất ngân hàng

Tại Khánh Hòa, nếu duy trì các chuyến biển, chủ tàu cá đối diện nguy cơ thua lỗ rất lớn. Nhiều chủ tàu cá chọn phương án nằm bờ chờ đợi giá xăng dầu ổn định hoặc có xu hướng giảm...

Bên cạnh xu hướng nằm bờ, nhiều tàu cá khác vẫn lựa chọn ra khơi đánh bắt bởi áp lực lãi suất ngân hàng. Ngư dân Đặng Văn Lập (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) cho biết, vài ngày nay, anh đang chuẩn bị nguyên vật liệu để vươn khơi.

Anh Lập cho biết, chuyến biển vừa qua, cặp tàu giã cào của anh đánh bắt được 45 tấn cá với doanh thu hơn 500 triệu đồng. Thu được 500 triệu đồng nhưng sau khi trừ đi giá dầu, anh Lập chỉ lãi khoảng 100 triệu đồng. Sau khi chia cho các thuyền viên và bạn tàu, mỗi người trên tàu cá chỉ có thu nhập trên 2 triệu đồng.

“Sau 15 ngày bám biển, một thuyền viên có thu nhập 2 triệu đồng là rất thấp. Biết là thu nhập thấp nhưng chúng tôi vẫn phải ra khơi thôi. Có đánh bắt thì mới có thu nhập cho anh em bạn tàu, có tiền trả nợ, tiền lo cho vợ con...”, anh Lập nói.

 

Đã trình phương án giảm thuế xăng dầu

Bộ Tài chính cho hay, đã trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Hiện, giá dầu thế giới đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng.

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khoảng 2,4 - 2,5 triệu mét khối xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do trong nước giảm sản xuất và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để phục vụ nhu cầu phục hồi kinh tế.

Về điều hành giá, Bộ Công Thương thống nhất điều hành theo tinh thần Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, có tính đến các tình huống cấp bách, tiệm cận giá thế giới. Theo đó, trước hết sẽ tiếp tục thực hiện điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, nhưng khi cần thì 2 ngày/lần.

 

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có 708 tàu đánh bắt xa bờ dài 15m trở lên. Việc giá dầu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều đến ngư dân bám biển. Vì để một chiếc tàu ra khơi hoạt động đánh bắt hải sản, chi phí nguyên liệu chiếm đến 70% tổn phí.

Ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa chia sẻ, mặc dù giá xăng, dầu tăng cao nhưng khi vụ đánh bắt cá ngừ, ngư dân vẫn phải bám biển đánh bắt để kiếm sống, để có thu nhập trả nợ ngân hàng... Riêng những nghề đánh bắt khác, ngư dân sẽ cân nhắc vươn khơi chứ không đánh bắt ồ ạt như mọi năm.

Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu

Trước những khó khăn trên, nhiều ngư dân kiến nghị cơ quan chức năng  có chính sách bình ổn giá xăng, dầu, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mua sắm phương tiện, ngư cụ... để an tâm vươn khơi.

Ông Nguyễn Đình Triểu, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau), đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, làm sao có chính sách hỗ trợ các hộ làm nghề khai thác biển. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng, gây nhiều khó khăn như hiện nay, ngư dân rất cần được hỗ trợ.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 2/2022 toàn tỉnh có 4.573 tàu cá, với tổng công suất gần 1,8 triệu CV, trong đó tàu có chiều dài từ 15 m trở lên (khai thác xa bờ) có 3.261 chiếc.

Quảng Ngãi là một trong những địa phương có đội tàu xa bờ có số lượng lớn của cả nước. Theo Quyết định 48, Chính phủ chỉ hỗ trợ xăng, dầu cho các trường hợp ngư dân có tàu thuyền khai thác xa bờ dài hơn 15m. Những trường hợp ngư dân có tàu dưới 15m thì không được hỗ trợ chi phí nhiên liệu. Do vậy, giá dầu liên tục tăng khiến cuộc sống của bà con lâm cảnh khó khăn.

Lãnh đạo nhiều địa phương ven biển đề xuất Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu; quan tâm, hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi mua phương tiện, ngư lưới cụ… để bà con yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

 

Quốc Hùng - Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top