Tháo gỡ khó khăn trên “con đường” tìm thương hiệu cho mật ong Bạc Hà, Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật vừa chính thức công bố thành công bước đầu trong công tác nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc và nhân rộng loài hoa này.
Tháo gỡ khó khăn trên “con đường” tìm thương hiệu cho mật ong Bạc Hà, Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang) vừa chính thức công bố thành công bước đầu trong công tác nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc và nhân rộng loài hoa bạc hà.
Gỡ “nút thắt” vùng nguyên liệu
Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm mật ong bạc hà của Hà Giang trên địa bàn 47 xã, thuộc 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Mật ong bạc hà nơi đây hiện đang là sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, khó khăn được coi là “nút thắt” là việc khai thác mật ong bạc hà chưa gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, do chủ yếu người dân nuôi ong theo kỹ thuật truyền thống; phần lớn các hộ nuôi ong quy mô nhỏ lẻ, tự phát, ong lấy mật hoàn toàn từ những diện tích cây bạc hà mọc tự nhiên không qua chăm sóc dẫn tới năng suất, chất lượng mật ong bạc hà bị hạn chế.
Đồng thời, cũng chưa từng có nghiên cứu cụ thể để ban hành quy trình hướng dẫn trồng, thâm canh cũng như quy hoạch vùng bạc hà nguyên liệu phục vụ nuôi ong lấy mật.
Năm 2017, Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang) triển khai thực hiện dự án: “Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây bạc hà trên địa bàn tỉnh Hà Giang” từ sự hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) với những nội dung như: Điều tra hiện trạng phân bố và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố của cây bạc hà tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ.
Nghiên cứu một số đặc điểm nông - sinh học của cây bạc hà và chỉ ra các giống cây nguồn mật bạc hà hiện có trên địa bàn 4 huyện. Đồng thời, nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm thâm canh cây bạc hà gắn với phát triển du lịch cao nguyên đá Đồng Văn.
Các chuyên gia đã vào cuộc tìm hiểu những đặc điểm của loài hoa bạc hà ở vùng cao nguyên đá, để đưa ra quy trình thâm canh phục vụ phát triển đàn ong mật cũng như quy hoạch vùng và đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu bạc hà trên địa bàn theo chủ trương của tỉnh. Đồng thời, bổ sung thêm thông tin vào các dữ liệu khoa học về cây bạc hà.
Qua nghiên cứu thấy cây bạc hà tại các huyện vùng cao nguyên đá Hà Giang là cây cỏ dại, thân thảo, mọc tự nhiên trên đất nương khô, thoát nước, ở những nơi có độ cao từ 1.000 - 1.500m so với mực nước biển. Hoa bạc hà có màu tím, tím nhạt và trắng, thường nở vào cuối tháng 10 đến tháng 1 năm sau và là nguồn thức ăn chủ yếu của ong mật.
Khẳng định thương hiệu
Sản phẩm mật ong bạc hà
Theo thống kê, cây bạc hà tại 4 huyện vùng cao núi đá Hà Giang có diện tích 4.125,45ha, trong đó: Đồng Văn có trên 1.000ha; Mèo Vạc 1.244ha; Quản Bạ 732ha và Yên Minh 1.149,45ha.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố của cây bạc hà như địa hình, đất đai và khí hậu; phân tích rõ các chỉ tiêu sinh trưởng ở từng thời điểm, từng địa phương, đặc điểm nông - sinh học, tình hình sâu bệnh hại, thời gian thu hoạch, bảo quản… Đồng thời, xác định cây bạc hà trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn được chia làm 3 giống.
Có thể khẳng định, đây là nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, khoa học đầu tiên từ trước đến nay về đặc tính, sự sinh trưởng và phát triển của cây bạc hà.
Ông Giang Đức Hiệp, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang, cho biết: “Từ kết quả của dự án, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã ra quyết định ban hành quy trình tạm thời trồng, chăm sóc cây bạc hà phục vụ nuôi ong lấy mật. Đây là cơ sở để tiếp tục nhân rộng diện tích cây bạc hà phục vụ nuôi ong lấy mật. Năm 2018, Chi cục sẽ tiếp tục triển khai các nghiên cứu để đưa ra quy trình chính thức”.
Năm 2017, tổng sản lượng mật ong bạc hà đạt 138.519 lít, đem lại gần 100 tỷ đồng cho người nuôi ong. Từ kết quả bước đầu trong nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc cây bạc hà, hứa hẹn trong thời gian tiếp theo, diện tích và mật độ cây bạc hà sẽ tăng lên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và khẳng định hơn nữa thương hiệu mật ong bạc hà của Hà Giang.
Tính đến cuối tháng 3/2018, tổng đàn ong tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn là 33.251 tổ, với 2.522 tổ chức, cá nhân nuôi ong. Trong đó có 38 tổ hợp tác, nhóm sở thích nuôi ong và 13 HTX, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến mật ong Bạc Hà. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…