Chỉ sau hơn 2 năm, cả ngàn hộ dân nuôi bò sữa tại "thủ phủ" bò sữa Củ Chi (TP. HCM) đã bỏ nghề vì chăn nuôi không hiệu quả.
Thống kê đến tháng 6-2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM, toàn TP có 73.646 con bò sữa, giảm 25.744 con so với tháng 2-2016 (thời điểm tiêu thụ sữa bò nguyên liệu gặp khó khăn, nhiều ban ngành vào cuộc hỗ trợ). Lúc đó, tại "thủ phủ" bò sữa Củ Chi có 67.537 con của 6.626 hộ trong khi hiện tại chỉ còn 66.422 con của 4.699 hộ nuôi. Như vậy, đã có hơn 1.900 hộ (tương đương khoảng 1/3 tổng hộ) nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi đã bỏ nghề trong hơn 2 năm.
Sữa bị loại quá nhiều!
Ông V., chủ một trạm thu mua sữa ở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), kể vào năm 2014, trạm của ông có hơn 100 hộ dân đến bán sữa nhưng nay chỉ còn khoảng 40 hộ. "Trước đây, công ty thu mua sữa nguyên liệu giá 14.000 đồng/kg, yêu cầu chất lượng tương đối dễ thực hiện nhưng hơn 1 năm nay hạ giá thu mua chỉ còn 10.500 - 11.000 đồng/kg và tăng chuẩn thu mua, rất nhiều sữa bị loại. Nguồn thu từ bán sữa giảm mạnh trong khi giá thức ăn cho bò ngày càng tăng buộc nhiều hộ phải chuyển nghề, một số hộ bị công ty cắt hợp đồng do vi phạm cũng phải bán bò vì không kiếm được nơi tiêu thụ sữa" - ông V. lý giải.
Ông S., nông dân nuôi bò sữa giỏi có tiếng ở xã Tân Thạnh Đông, cho biết thời hoàng kim một con bê cái vừa lọt lòng mẹ có giá đến 1 cây vàng, chính ông cũng làm giàu từ con bò sữa. "Ba năm nay nuôi bò sữa hết có lãi. Với mức giá thu mua trung bình 11.000 đồng/kg sữa, nông dân có thể lấy công làm lời nhưng việc kiểm soát chất lượng theo yêu cầu của công ty sữa rất khó. Họ xếp loại thế nào thì phải chịu, chúng tôi không thể cãi dù đã mua thuốc thử sữa, đạt chất lượng mới đem bán" - ông S. lo lắng.
Nông dân Củ Chi tắm cho bò sữa
Theo bà K.A (xã Tân Thạnh Đông), công ty hợp đồng mua sữa với đàn bò nhà bà có giá từ 7.000 -14.000 đồng/kg tùy theo chất lượng nhưng tỉ lệ đạt giá cao rất ít, thậm chí có hộ còn bị dừng thu mua do chưa khắc phục xong vi phạm. "Nuôi bò sữa rất cực, 4 giờ sáng đã dậy làm đến tối, chỉ được nghỉ 2 giờ buổi trưa. Nhà tôi nuôi 4 con bò thịt ăn ké thức ăn của 10 con bò sữa, cuối năm bán bò thịt có ít tiền chứ trông chờ vào bò sữa là thua. Nếu công ty bao tiêu toàn bộ với giá 11.000 đồng/kg, không phân loại sẽ dễ thở hơn" - bà K.A nêu nguyện vọng.
Khuyến khích giảm đàn
Ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc HTX Tân Thông Hội - nơi đang xây dựng thương hiệu bò sữa Củ Chi, cho biết chủ trương của HTX là chỉ thu mua sữa nguyên liệu đạt chất lượng. "Nếu mua sữa kém chất lượng, chúng tôi phải đổ bỏ vì không thể chế biến để bán cho người tiêu dùng. Về chất lượng, HTX có máy phân tích rõ ràng, kết quả đã được kiểm chứng qua các phòng thí nghiệm lớn nên luôn minh bạch, rõ ràng. Theo quy định, nông dân vi phạm về chất lượng sữa sẽ bị cảnh cáo, thậm chí cắt hợp đồng" - ông Khánh khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó trưởng Phòng Kinh tế thuộc UBND huyện Củ Chi, cho biết hiện 4.699 hộ nuôi bò sữa trên địa bàn huyện đang cung cấp khoảng 338 tấn sữa cho 3 đơn vị. "Tình hình thu mua sữa vẫn ổn định, giá cả phụ thuộc vào chất lượng, không có trường hợp nào bên mua tự ý cắt hợp đồng. Chỉ những hộ không đạt các chỉ tiêu theo quy định, không cải thiện nâng chất lượng bò sữa mới bị bên mua cắt hợp đồng vĩnh viễn. UBND huyện Củ Chi đang triển khai Chương trình nâng cao chất lượng đàn bò sữa, khuyến khích giảm đàn nên một số hộ dân bán giống cho các tỉnh lân cận và sử dụng những con bò sữa có năng suất thấp làm nền để phối giống bò thịt cao sản có giá trị kinh tế cao hơn" - ông Cảm nhấn mạnh.
Hướng tới chuyên nghiệp Theo ông Nguyễn Văn Tủi - Trưởng Ban Kinh tế (Hội Nông dân TP HCM), nghề nuôi bò sữa vẫn phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị của TP HCM nhưng sẽ theo hướng chuyên nghiệp hơn. "Quy mô đàn lớn thì giá thành sẽ hạ, dễ ứng dụng khoa học công nghệ. Hai năm trước, bình quân mỗi hộ nuôi 10 con, nay tăng lên 14 con cho thấy việc chăn nuôi tập trung vào những hộ có lợi thế, có sức cạnh tranh. Không nên chỉ tính nguồn lợi từ bán sữa mà còn có thể bán giống, bò thịt, phân bò. Thời gian qua, đàn bò sữa Củ Chi chủ yếu cung cấp sữa nguyên liệu, còn ít sản phẩm giá trị gia tăng hoặc gắn với du lịch nên vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới nếu có chính sách khuyến khích phù hợp" - ông Tủi nhận xét. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.