Hơn năm qua, toàn thể cán bộ, hội viên Hội Làm vườn Việt Nam đã đoàn kết, nỗ lực vừa phòng, chống dịch, vừa triển khai hiệu quả các hoạt động của Hội.
Hội tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo ra nhiều điểm sáng, lan tỏa những mô hình hay và không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề vườn.
Nhiều điểm sáng
Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ 3 (khóa VII), PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết, từ sau Hội nghị BCH lần thứ 2 (tháng 4/2021), dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tuy nhiên, toàn thể cán bộ, hội viên của Hội đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, vừa phòng, chống dịch, vừa triển khai hiệu quả các hoạt động của Hội.
Qua đó, Hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong các lĩnh vực như: xây dựng và phát triển tổ chức Hội; thông tin tuyên tuyền; đào tạo, tập huấn; xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho hội viên; hoạt động tư vấn, phản biện và tăng cường phối hợp trong nước và hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, nhờ việc thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid - 19, nhiều Hội từ các địa phương đã đoàn kết giúp đỡ hội viên tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, công tác tập huấn về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong năm 2021 cũng được hội đẩy mạnh. Hội Làm vườn các tỉnh, thành phố đã trực tiếp tổ chức 509 lớp đào tạo, tập huấn tiến bộ kỹ thuật về nông nghiệp và VAC cho 36.051 lượt hội viên, nông dân. Các cấp Hội đã phối hợp với các đơn vị của Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp Hội KHKT các tỉnh, thành phố tổ chức 1548 lớp tập huấn cho 84.214 lượt hội viên, nông dân tham dự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về tiến bộ kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới.
Lan tỏa cách làm hay
Góp ý về phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong thời gian tới, PGS. TS. Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam kiêm Trưởng đại diện Chi nhánh phía Nam, cho rằng: Hội Làm vườn các tỉnh, thành phố nên tập hợp các mô hình VAC tiêu biểu, qua đó, giới thiệu các mô hình đó đến Hội Làm vườn bạn và du khách muốn học tập, làm theo hay tham quan, trải nghiệm. Trong đó, mỗi tỉnh sẽ chọn ra vài mô hình, những mô hình tiêu biểu này sẽ ghi cụ thể thông tin như số điện thoại, quy mô, cách làm, hiệu quả kinh tế...
Sau khi tập hợp xong, Hội Làm vườn Việt Nam có thể tổ chức hội thi những người làm vườn giỏi với quy mô 63 tỉnh, thành. Hội thi này nhằm tôn vinh những người nông dân làm kinh tế VAC giỏi. Bên cạnh đó, hội thi cũng là nơi người dân học hỏi các giải pháp để nâng cao hiệu quả cho nghề làm vườn.
Theo ông Phụng, Chi nhánh phía Nam đã xây dựng kế hoạch kết nối, tư vấn, tổ chức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy trình canh tác, chứng nhận an toàn (GAP), đào tạo - tập huấn, diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, du lịch sinh thái vùng miền...
Ông Nguyễn Xuân Vững, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, chia sẻ kinh nghiệm, cần xây dựng được mối quan hệ với các đơn vị trong tỉnh; 3 tháng/lần Hội đều có báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh; tổ chức cho lãnh đạo tỉnh đi thăm mô hình do Hội triển khai xây dựng. Đặc biệt, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo định kỳ, Hội mời các cơ quan báo chí về viết bài, đưa tin về hoạt động Hội, về các mô hình VAC hiệu quả, tạo hiệu ứng công tác tuyên truyền.
Tri thức hóa nông dân qua xây dựng vườn mẫu
Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) ở địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng vườn mẫu và phát triển kinh tế vườn, phù hợp với hoạt động của mình, ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An, cho biết, hiện nay, xây dựng vườn chuẩn NTM đang trở thành phong trào lan rộng trên toàn tỉnh, tạo nên những khu vườn vừa đẹp vừa có giá trị kinh tế cao. Qua đó, phát hiện, tôn vinh, biểu dương những khu vườn đẹp, có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo môi trường không khí trong lành, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, ấm cúng, hài hòa, giữ gìn gắn bó với cuộc sống gia đình, phát huy truyền thống địa phương, làm điểm nhấn cho du khách đến tham quan học tập.
Theo ông Thắng, phát động cuộc thi là nhằm đốc thúc các đơn vị liên quan cùng vào cuộc, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng vườn chuẩn, về số lượng cũng như chất lượng.
Từ sản xuất thuần túy, bỏ mặc cho tự nhiên, nay người nông dân cũng cần phải thay đổi về nhận thức, quy hoạch các loại cây, con chủ lực trong vườn chuẩn để có kế hoạch chăm sóc rõ ràng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, giảm bớt thời gian công việc nhưng lại tăng năng suất, hiệu quả, để trở thành người nông dân hiện đại, góp phần xây dựng NTM bền vững, tạo nên bức tranh quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Nhờ làm tốt nhiệm vụ của mình, có nhiều sáng kiến hay, Hội Làm vườn Nghệ An được các đơn vị, cá nhân đề nghị hướng dẫn, tư vấn làm vườn mẫu NTM. Vì thế, công việc làm không xuể, tạo được mối quan hệ tốt với các cấp chính quyền, doanh nghiệp, thu hút nhiều hội viên tham gia Hội (hiện Hội Làm vườn Nghệ An có 172.000 hội viên).
Cùng với đó, ông Thắng đề nghị: “Hội Làm vườn Việt Nam quan tâm hơn nữa tới công tác xây dựng vườn mẫu, vườn đô thị, tạo mô hình điểm về xử lý phân hữu cơ, phân xanh, biến rác thải thành phân. Ứng dụng mô hình điểm ứng dụng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, từ đó xây dựng trung tâm quan trắc về cách vận hành nông nghiệp thông minh trong hộ gia đình. Ứng dụng sàn thương mại điện tử 4.0 để giới thiệu hàng hóa, giúp sản phẩm của hội viên được đi xa hơn”.
Trao đổi về vấn đề sản xuất nông nghiệp để đạt hiệu quả cao, ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Hưng Yên, nhấn mạnh, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển với nhiều sản phẩm đặc sắc, tuy nhiên, việc phát triển cây trồng của nước ta chưa tương xứng với tiềm năng.
Vì vậy, ông Thịnh mong muốn thời gian tới, Hội Làm vườn Việt Nam và các hội thành viên cần hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối với các trang thông tin điện tử để tương tác, chia sẻ các thông tin kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp... Qua đó, hướng dẫn hội viên kỹ thuật, giải pháp chăm sóc phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, áp dụng các biện pháp canh tác tiến bộ để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bên cạnh đó, ông Thịnh đề nghị, các cấp Hội cần chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông… tổ chức tập huấn kỹ thuật làm VAC cho hội viên, nông dân…; đảm bảo nguyên tắc tự cân đối thu chi.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng đánh giá cao các ý kiến đóng góp xây dựng tổ chức Hội, đồng thời đề nghị toàn thể cán bộ, hội viên trên toàn quốc tiếp tục phát huy truyền thống của Hội, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, góp sức củng cố, phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; tích cực phòng, chống dịch Covid - 19 và phát triển kinh tế VAC đạt hiệu quả cao, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hội nghị Ban chấp hành Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ 3 (khóa VII) đã bầu bổ sung vào Ban chấp hành khóa VII: ông Đỗ Xuân Bình, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang; ông Nguyễn Văn Mười, Phó Trưởng Văn phòng Đại diện Chi nhánh phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam. Bầu bổ sung vào Ban Thường vụ: ông Đỗ Xuân Bình, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang; ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An; bà Lê Thị Kim Mai, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bình Định. Hội nghị cũng thông qua quy định thu phí hội viên từ năm 2022. Theo đó, mức thu hội viên tổ chức ((Hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức trực thuộc Hội và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có quyết định công nhận là hội viên của Hội): 3 triệu đồng/năm; hội viên cá nhân (người có quyết định công nhận là hội viên của Hội): 0,5 triệu đồng/năm. |
Hội Làm vườn Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch phát động thi đua, khen thưởng năm 2022 và giai đoạn 2022-2025 với các nội dung thi đua gồm: thi đua giữa Hội Làm vườn Việt Nam với các đơn vị thành viên của Ủy ban MTTTQVN và thi đua giữa các tổ chức, hội viên trong Hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, lập thành tích chào mừng 40 năm ngày thành lập Hội (ngày 13/1/2026). |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.