Hiện, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đang quản lý, cung cấp ra thị trường 7 sản phẩm trà đạt OCOP cấp tỉnh. Để nâng cao giá trị, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ, HTX đã mạnh dạn chế biến trà cấp đông, bước đầu được thị trường đón nhận.
Tạo thương hiệu, hướng tới xuất khẩu
Tuyên Quang là tỉnh có nhiều dư địa để phát triển cây chè, trên thực tế tỉnh này có nhiều sản phẩm trà nổi tiếng, chất lượng, cung cấp ra thị trường được khách hàng đánh giá cao. Một trong những cơ sở sản xuất, chế biến có chất lượng, thương hiệu, góp phần xây dựng thương hiệu, giá trị trà xứ Tuyên phải kể đến Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (HTX Sử Anh).
Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Sử Anh (ở Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang) cho biết, HTX thành lập năm 2017, lúc này diện tích chè nguyên liệu chỉ khoảng 20ha, do sản xuất, chế biến theo quy trình thủ công, mẫu mã, bao bì chưa thực sự thu hút người tiêu dùng, do vậy, thị trường tiêu thụ thu hẹp ở Tuyên Quang và Phú Thọ, giá bán chỉ đạt 250.000 đồng/kg.
Để có nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng, năm 2018, HTX đã chủ động trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP. Hiện, diện tích chè nguyên liệu của HTX và liên kết với các hộ dân lên tới trên 70ha, trong đó có 22ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, 48ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Dự kiến, năm 2022, sẽ chuyển đổi 3ha sang trồng hữu cơ.
Bên cạnh nâng cao chất lượng đầu vào, năm 2019, HTX đã đầu tư dây chuyền nhập ngoại, chế biến chè bằng ga, qua đó, nâng cao được chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, nhân công, công suất chế biến lên tới 200kg thành phẩm/ngày, trong khi trước kia chỉ đạt 50kg/ngày.
Anh Sử cho biết thêm, khi chất lượng đầu vào đảm bảo, quy trình chế biến được đầu tư bài bản, cho ra sản phẩm đạt chất lượng, năm 2020, HTX bắt tay vào xây dựng sản phẩm OCOP. Là Chương trình mới nên trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi thực hiện mới biết sản phẩm được đầu tư xây dựng mẫu mã, bao bì, thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị, đầu ra cũng thuận lợi hơn. Hiện, HTX có tới 7 sản phẩm OCOP, trong 4 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm 3 sao. Sản phẩm được ký hợp đồng tiêu thụ với các cửa hàng phân phối ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam… giá bán 360.000 đồng/kg. Năm 2021, sản lượng sản xuất đạt 20 tấn chè thành phẩm, dự kiến doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ gặp khó khăn, được hỗ trợ của các sở, ngành, chính quyền địa phương, từ cuối tháng 8/2021, HTX đã chủ động hoàn thiện hồ sơ, đưa sản phẩm tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, kênh zalo. Thông qua các kênh này đã tiêu thụ hàng tấn sản phẩm/tháng, doanh thu mang về khoảng 400 triệu đồng. Thời gian tới, HTX xác định tiếp tục đăng ký trên sàn thương mại về nông nghiệp sạch để mở rộng kênh tiêu thụ. Đặc biệt, làm chứng nhận ISO hướng tới xuất khẩu.
Tìm hướng đi mới
Trong quá trình xây dựng thương hiệu cũng như liên quan tới vấn đề thị trường, anh Sử mong muốn mình sẽ tìm tòi, nghiên cứu, tìm ra sản phẩm mới, mang tính đặc trưng, đặc sắc, từ đó tìm kiếm thị trường tiêu thụ tốt hơn và nâng cao giá trị sản phẩm. Từ ý tưởng đó, năm 2018, anh bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm trà Ngọc Thuý (dạng cấp đông hay trà đông lạnh), năm 2020 cho ra sản phẩm trà Ngọc Thuý (cấp đông), sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Anh Sử cho biết, trong quá trình chế biến trà cấp đông sẽ giữ 80% hương vị và dinh dưỡng của chè tươi. Thông thường trà khô thời gian bảo quản chỉ 12 tháng, trong khi trà cấp đông nâng thời gian bảo quản lên 48 tháng (giữ ở nhiệt độ -18 độ trở lên). Hệ số thu hồi tăng lên gấp đôi, 5kg chè tươi chế biến ra 1kg chè khô, trong khi cùng 5kg chè tươi đó cho tới 2kg trà cấp đông. Chi phí chế biến giảm, trong khi giá trị kinh tế tăng lên gấp đôi, từ đó tăng giá thu nguyên liệu cho bà con. Ví dụ, giá thu mua nguyên liệu để chế biến trà khô 30.000 đồng/kg, giá nguyên liệu trà cấp đông lên tới 40.000 đồng/kg.
Năm 2020, HTX mới sản xuất 3.000 hộp (mỗi hộp 400g/hộp), năm 2021, đã nâng số lượng lên 5.000 hộp, tương đương 2 tấn thành phẩm (tương đương 5 tấn nguyên liệu). Sản phẩm đưa ra thị thường được khách hàng phản hồi tốt. Với sáng kiến của mình, sản phẩm trà Ngọc Thuý cấp đông của HTX Sử Anh đã tham gia và đạt giải nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang năm 2021, và là 1 trong 3 sản phẩm được Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang chọn dự thi ở Trung ương.
Trao đổi về sản phẩm trà Ngọc Thuý cấp đông, ông Lê Tiến Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang cho biết, tính mới của sản phẩm là chưa có công trình nào mà người ta nghiên cứu theo phương pháp này. Trên địa bàn tỉnh chỉ có công trình này là đầu tiên. Từ vấn đề thực tiễn đặt ra, người ta mong muốn có một sản phẩm thời gian bảo quản lâu, và mong muốn giữ được hương vị tươi, từ đó nghiên cứu ra phương thức này.
Về hiệu quả, trên thực tế sản phẩm đã được vào tiêu thụ ở các thị trường, đã được công nhận OCOP. Có thể nói, đây là mô hình khuyến khích để phát triển, tôn vinh sự sáng tạo của người làm nông nghiệp. Triển vọng từ sản phẩm là có, nhưng để triển vọng đi vào thực tiễn và phát triển được thì phải tập trung phát triển thị trường, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm, để người tiêu dùng chấp nhận, thị trường được mở ra thì sản phẩm mới phát triển tốt, ông Thắng cho biết thêm.
Toàn tỉnh Tuyên Quang có 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (62 sản phẩm 3 sao, 17 sản phẩm 4 sao); có 90 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 54 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 24 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; dự kiến hết năm 2021, Tuyên Quang có thêm 44 sản phẩm OCOP mới, lũy kế có 123 sản phẩm OCOP. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…