Hiện, ngoài cà phê, Tây Nguyên còn chú trọng cây mắc ca, để thu lãi cao, người dân đã trồng xen cây dược liệu trong vườn mắc ca.
Đà Lạt: Trồng xen atiso trong vườn mắc ca
Sau khi có đủ nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất, Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hòa, quyết định xuống giống trồng 3 ha atiso, xen canh trong vườn mắc ca, tại xã Tà Nung (Đà Lạt).
Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hoà thu hoạch lá atiso
Atiso thu hái sớm, và thường xuyên, còn mắc ca cứ bình thản phát triển, cho đến cuối vòng đời khoảng 100 năm.
Theo đó, tháng 12/2020, Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hòa bắt đầu cải tạo đất, trồng cây giống atiso chất lượng cao, xen canh dưới tán cây mắc ca, theo hình thức nông lâm kết hợp, diện tích khoảng 3 ha tại Phường 5 và xã Tà Nung, Đà Lạt.
Trước đó, trên diện tích đất này, Công ty TNHH Vinh Hòa đã trồng và thu hoạch cây dược liệu hương nhu, với năng suất 2 tấn/ha/năm, tương ứng doanh thu 200 triệu đồng/ha/năm.
Đầu tháng 3/2021, “rừng mắc ca” nơi đây đang xanh tốt cùng atiso, với nhiều thời gian xuống giống khác nhau. Cơ sở hạ tầng giao thông nội bộ, với cung đường bê tông chạy vòng quanh núi đồi, dài hơn 5.000 m, chiều rộng mặt đường khoảng 3 m, kết nối đến từng thửa đất atiso, nên khá thuận lợi trong việc vận chuyển vật tư, phân bón, phục vụ sản xuất, thu hoạch sản phẩm và chế biến tại chỗ.
Đặc biệt, Công ty Vinh Hòa đã lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước, tự chảy trên đỉnh đồi cao kéo xuống, tưới tiêu trực tiếp cho các thửa đất atiso bậc thang, ước khoảng 4.000 m chiều dài, tổng mức đầu tư đến 4 tỷ đồng.
Việc vận hành tưới tiêu hoàn toàn tự động theo hình thức tưới nhỏ giọt trực tiếp xuống gốc cây và tưới phun mưa trên lá atiso.
Ông Trần Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hòa chia sẻ: “Tôi sinh ra ở Đà Lạt, từ thập niên 80 của thế kỷ trước, đã phát triển kinh tế gia đình, bằng nghề trồng atiso, trên diện tích chuyên canh nhiều hecta ở khu vực Đa Thiện, gắn với chế biến các sản phẩm bông, rễ atiso phơi khô, cao atiso...
Kết hợp kinh nghiệm thực tế sản xuất, với kỹ thuật mới tiếp cận được, tôi quyết định trồng atiso xen trong cây mắc ca, với mục tiêu 50 ha, đến đầu năm 2022...”.
Theo đó, Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hòa xuống giống trồng atiso với mật độ 6.000 cây/ha, xen canh với cây mắc ca trồng mới, hoặc dưới tán cây mắc ca, trong thời kỳ kinh doanh.
Mật độ này ít hơn 1.000 cây/ha so với kỹ thuật trồng atiso chuyên canh, ở địa hình đất tương đối bằng phẳng, tại các vùng nông nghiệp Đà Lạt.
Bù lại, với quy trình thâm canh áp dụng phù hợp với điều kiện sản xuất nông lâm kết hợp, Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hòa đang đạt những kết quả khả quan, dự kiến, năng suất atiso tương đương với nhiều vùng chuyên canh trong cùng thời điểm sản xuất ở Đà Lạt.
Hơn nữa sau 3 vụ trồng và thu hoạch atiso (một vụ khoảng 18 tháng), Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hòa tiếp tục cộng thêm doanh thu từ cây mắc ca thu hoạch trái.
Cũng vào thời điểm đầu tháng 3/2021, tại khu vực mắc ca Công ty Vinh Hòa thu hoạch lá atiso sau 3 tháng chăm sóc, với chiều dài cuống lá lên đến 1,2 m; chiều cao thân cây hơn 70 cm.
Theo bài toán của Công ty thì: tổng mức đầu tư trồng atiso xen canh với mắc ca, tại xã Tà Nung, Đà Lạt từ 400 - 450 triệu đồng/ha/18 tháng, tổng doanh thu thân, rễ, bông khô và cao nước atiso... theo giá thị trường năm 2021 đạt khoảng 1,5 tỷ đồng. Vài năm sau, khi mắc ca cho thu hoạch thì con số này sẽ còn nâng lên nhiều.
Trừ tất cả chi phí đầu vào, công ty đạt lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/ha/18 tháng. Chưa kể nguồn thu trái mắc ca khoảng 300 cây/ha/năm, bình quân 5 kg/cây thu bói từ 5 năm tuổi. Và từ năm thứ 7 trở đi, năng suất trái mắc ca sẽ đạt từ 10 kg/cây trở lên, và chỉ việc thu hái.
Đến đầu tháng 3/2021, Công ty Vinh Hòa đã phát triển 9 ha atiso xen canh cây mắc ca, trong đó có 1 ha đang bước vào thời kỳ thu hoạch lá tươi, đưa vào chế biến cao nước. Và với mỗi tháng trồng mới thêm 3 ha, thì đến hết quý 1/2022, Công ty TNHH Vinh Hòa sẽ đạt mục tiêu 50 ha atiso trong “rừng mắc ca”.
Theo chính quyền xã Tà Nung, Đà Lạt, kết quả trồng atiso xen canh cây mắc ca của Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hòa bước đầu đã thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu trong khu vực.
Đây là dự án nông - lâm kết hợp, nên chính quyền xã Tà Nung rất quan tâm, theo mục tiêu gắn sản xuất với bảo vệ và phát triển bền vững môi trường rừng ở địa phương.
Cà phê cao sản trên cánh đồng mẫu Đắk Hà
Cùng với việc đầu tư phát triển, Công ty TNHH MTV Cà phê 704 đã vận động đồng bào DTTS làng Kon Klôk, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà (Kon Tum) nhận chăm sóc, khoán vườn cây trên cánh đồng mẫu cà phê cao sản. Cây cà phê trên cánh đồng mẫu cao sản ở làng Kon Klôk đang sinh trưởng tốt và mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp.
Vườn cà phên trên cánh đồng mẫu ở làng Kon Klôk, niện vụ 2020 -2021. Ảnh: VN
Nhìn vườn cà phê đang bung hoa trắng xóa và tỏa hương ngào ngạt trên cánh đồng mẫu ở làng Kon Klôk, người dân chăm sóc cà phê ở đây không khỏi phấn chấn.
A Thưa, người làng Kon Klốc nhận chăm sóc vườn cây khoe: Gia đình tôi nhận chăm sóc 0,74 ha cà phê (tương ứng 820 cây cà phê) của Công ty TNHH MTV Cà phê 704, và sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Ban đầu tưởng việc sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao khó, nghĩ mình không làm được. Nhưng được cán bộ Công ty quan tâm và hướng dẫn tận tình, gia đình mình cũng như nhiều hộ dân trong làng nhận chăm sóc vườn cây, đều thực hiện bảo đảm theo yêu cầu của Công ty. Vì vậy, cây cà phê hiện đang sinh trưởng tốt.
Tuy nhiên, A Thưa cũng thừa nhận trong giai đoạn đầu, cây cà phê bị bọ hũ (bọ cánh cứng) ăn lá, ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây. “Khi ấy gia đình lo lắm, nhưng được cán bộ Công ty nghiên cứu, đưa thuốc BVTV về phòng trừ, ngăn chặn bọ hũ hại cà phê.
Cây cà phê hồi phục và sinh trưởng trở lại bình thường. Mùa thu hoạch năm 2020 - 2021, vườn cà phê trong giai đoạn bói quả, nhưng gia đình đã thu được trên 10 tấn quả tươi. Gia đình phấn khởi lắm!”, A Thưa cho biết.
Niên vụ cà phê 2021 - 2022 này, cánh đồng cà phê chất lượng cao của Công ty TNHH MTV Cà phê 704, sẽ có một số diện tích chính thức đi vào kinh doanh.
Gắn bó với cây cà phê, so sánh lượng hoa trên cành năm nay với năm trước, A Thưa phấn chấn: Gia đình mình cũng như người dân trồng cà phê, đặt niềm tin trong niên vụ này, và trong những năm đến. Vườn cà phê sẽ cho năng suất cao hơn nhiều, thu nhập và đời sống người dân sẽ được nâng lên.
Không chỉ A Thưa, A Ben, nhiều dân làng Kon Klôk nhận khoán chăm sóc cánh đồng cà phê cao sản làng Kon Klôk cũng rất tự tin. A Ben cho biết, vườn cà phê đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, người dân nhận chăm sóc theo phương thức khoán công đoạn. Dự kiến, khi cây cà phê chính thức đi vào kinh doanh, Công ty từng bước thực hiện khoán vườn cây.
“Khi vườn cà phê đi vào kinh doanh ổn định cùng với việc chính thức giao khoán vườn cây, đòi hỏi người dân chịu khó học hỏi kỹ thuật, quan tâm đầu tư chăm sóc, nâng cao chất lượng và năng suất cà phê trên vườn cây nhận khoán”, A Ben bộc bạch.
Trên thực tế, trong quá trình nhận chăm sóc, ý thức được trách nhiệm của mình, A Ben luôn có những nỗ lực ở khâu chăm sóc, bảo đảm vườn cà phê sinh trưởng tốt. Trong vụ thu hoạch cà phê vừa qua, vườn cà phê (0,72 ha) của Công ty do gia đình A Ben tuy mới thu bói, nhưng đạt trên 10 tấn quả cà phê tươi.
Theo ông Nguyễn Văn Bể - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 704, cánh đồng mẫu sản xuất cà phê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở làng Kon Klôk, là cánh đồng mẫu đầu tiên của Công ty được đầu tư xây dựng trên cơ sở chuyển đổi từ vườn cao su già cỗi, năng suất thấp, sang phát triển cây cà phê giống cao sản của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Cà phê Eakmat.
Cánh đồng mẫu được đầu tư phát triển cà phê từ năm 2016 với diện tích 80 ha. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu này, đến nay trên 16 tỷ đồng.
Tại cánh đồng này, có 93 người dân tham gia trồng cà phê, trong đó có 61 người đồng bào DTTS ở làng Kon Klôk nhận trồng, chăm sóc cà phê được Công ty đóng bảo hiểm xã hội.
Trong giai đoạn đầu khi mới trồng cà phê, người dân được sản xuất các cây trồng ngắn ngày xen canh trong lô cà phê, để tăng thêm thu nhập; đồng thời, được Công ty trả công chăm sóc vườn cây, theo từng công đoạn.
Qua quá trình phát triển và chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, thâm canh cà phê theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Toàn bộ vườn cây được Công ty lắp đặt hệ thống béc tưới.
Hiện, cà phê đang phát triển tốt và một số diện tích đang đi vào giai đoạn kinh doanh. Trên diện tích cà phê đi vào kinh doanh, Công ty đang từng bước có kế hoạch khoán vườn cây cho người lao động.
“Người dân nhận khoán vườn cây tiếp tục được Công ty đầu tư phân bón, thuốc BVTV và chuyển giao kỹ thuật sản xuất, để nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây; bảo đảm vườn cây phát huy hiệu quả kinh tế và góp phần nâng cao đời sống người dân chuyên canh cà phê”, ông Bể nhấn mạnh.
Đắk Nông: Công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm 50% chi phí sản xuất
Tưới nhỏ giọt cho cà phê đang được người dân ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil) ứng dụng rộng rãi, góp phần tiết kiệm nước, chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Các van khoá trong hệ thống tưới nhỏ giọt của ông Đình
Nhờ áp dụng tưới nhỏ giọt, việc tưới cho cà phê đối với ông Trần Văn Đình, ở thôn Đức Sơn, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) đã trở nên nhẹ nhàng. Ông chỉ cần khởi động máy bơm, mở van xả nước, hệ thống tưới nước nhỏ giọt được kích hoạt, nước chảy đến từng gốc cà phê.
Hệ thống tưới nhỏ giọt trên toàn bộ 3,4 ha cà phê được ông Đình lắp đặt vào đầu năm 2020, dưới sự hỗ trợ của dự án VnSAT Đắk Nông. Ông cho biết, trước đây, để tưới cho cà phê, gia đình ông phải liên tục làm việc trong khoảng gần 60 giờ đồng hồ. Ông còn phải thuê thêm 2 nhân công để vừa tưới, vừa bón phân.
Giờ đây, với hệ thống tưới nhỏ giọt, ông Đinh chỉ mất 10 giờ làm việc, với 2 lần xả van, và hòa phân vào bồn rồi dẫn vào hệ thống tưới. Hệ thống tưới nhỏ giọt của ông sử dụng công nghệ Israel rất hiện đại, nước và phân đều được phân bổ đều đến từng gốc cây.
Để chủ động nguồn nước tưới, ông Đình còn múc ao chứa rộng hơn 100m2, chôn đường ống dẫn nước từ ao đến hệ thống tưới nhỏ giọt.
Theo tính toán của ông Đình, trong điều kiện thời tiết khô hạn ở vùng đồi thoai thoải dốc như rẫy của ông, việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm tối đa 50% các chi phí, nước so cách tưới truyền thống.
Hệ thống tưới nhỏ giọt được lắp đặt, vận hành dễ dàng, lượng phân bón được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng hấp thụ, không bị thất thoát và khắc phục được hiện tượng rửa trôi, đất bạc màu nơi có địa hình dốc...
Tương tự, gia đình ông Trần Xuân Hoàn, thôn Đức Vinh, xã Đức Mạnh, cũng đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ 3 ha cà phê đang thu hoạch. Ông Hoàn cho biết, với hệ thống tưới nhỏ giọt, việc tưới cà phê rất thuận lợi và không tốn nhiều công sức.Toàn bộ hệ thống ống nước, đã được chôn lấp đến từng gốc cà phê, nên chỉ cần một mình tôi là có thể tưới nước, bỏ phân cho 3 ha cà phê.
Hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel được ông đầu tư từ năm 2020, với sự hỗ trợ của dự án VnSAT Đắk Nông. Chi phí lắp đặt hệ thống này cho mỗi ha cà phê vào khoảng 60 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 50%.
Theo ông Hoàn, nếu như tưới béc 1 lượt, được 100 cây cà phê, thì hệ thống tưới nhỏ giọt 1 lượt, tưới được tầm 600 cây (tùy công suất máy bơm), phần lớn nước được tập trung vào gốc cà phê. "Chỉ so sánh vậy thôi cũng có thể thấy hiệu quả của việc tưới nhỏ giọt mang lại", ông Hoàn nhấn mạnh.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Đức Mạnh cho biết, HTX Đức Mạnh có 40 ha cà phê, được dự án VnSAT Đắk Nông, hỗ trợ phát triển hệ thống tưới nhỏ giọt. Phương pháp tưới này cũng thực hiện được ở nhiều địa hình.
Đồng thời, cũng có thể kết hợp với bón phân qua hệ thống tưới, giúp kiểm soát lượng phân bón thích hợp, làm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất. Điều quan trọng nữa là, tưới nhỏ giọt còn giúp tiết kiệm 30 - 60% lượng nước, phân bón, tiết kiệm được chi phí sản xuất và nhân công.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…