Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh Khánh Hòa đều gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Các sở, ngành, địa phương đã và đang tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân.
Khách hàng mua bưởi da xanh Khánh Vĩnh tại một điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.
Các khâu đều gặp khó
Theo báo cáo của Sở Công Thương, do dịch Covid-19, hơn 40.000 tấn xoài thu hoạch vụ này không thể tiêu thụ hết, giá thu mua giảm mạnh so với các năm trước. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa trái mùa, một số diện tích xoài không thu hái kịp thời nên bị nứt, hư hỏng, gây thiệt hại nặng nề cho người trồng xoài. Về bưởi da xanh, tuy vụ thu hoạch đã kết thúc nhưng vẫn còn khoảng 20 tấn tồn đọng ở các vườn. Cuối tháng 7 vừa qua cũng là thời điểm thu hoạch rộ một số loại trái cây như: Sầu riêng, chuối, chôm chôm, quýt… Tuy giá thu mua không giảm nhiều so với các năm trước nhưng việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số loại nông sản đã và đang vào vụ thu hoạch, nhưng chưa có thương lái hợp đồng mua bán như mọi năm, khả năng tiêu thụ rất khó khăn. Cụ thể như: Táo có sản lượng hơn 400 tấn, vụ thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 10; mía tím bắt đầu thu hoạch từ tháng 9 với sản lượng dự kiến khoảng 11.000 tấn…
Về thủy sản, một số loại thủy sản giá bán giảm, tiêu thụ chậm như: Tôm hùm bông 1,3 - 1,7 triệu đồng/kg; tôm thẻ 120.000 - 130.000 đồng/kg (loại 50-60 con/1kg), 70.000 - 80.000 đồng/kg (loại 100 con/kg); ốc hương 150.000 -160.000 đồng/kg.
Trong khi đầu ra khó tiêu thụ, giá giảm thì chi phí sản xuất nông, thủy sản (giá mua các loại giống, phân bón, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh...) lại tăng cao. Bên cạnh đó, nông, thủy sản tuy đã đến thời điểm thu hoạch nhưng do không tiêu thụ được nên vẫn phải tiếp tục nuôi trồng, chăm sóc, tốn thêm nhiều chi phí để duy trì và chờ tiêu thụ. Một số cơ sở chế biến thủy sản khô, gia vị, chế biến các loại trái cây... không thu mua nguyên liệu, tạm ngừng sản xuất do tiêu thụ sản phẩm chậm. Còn các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, thủy sản lớn gặp khó khăn do các chi phí: Vận chuyển, giao nhận; xét nghiệm nhân viên phục vụ giao, nhận hàng... đều tăng lên. Mặt khác, sức mua sụt giảm do các nhà hàng, khách sạn phải tạm ngừng hoạt động…
Kết nối chuỗi cung ứng
Với tình hình nói trên, Sở Công Thương đã có văn bản gửi Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các siêu thị, doanh nghiệp phân phối trên toàn quốc… đề nghị phối hợp, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh. Tỉnh đoàn tổ chức chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân, thanh niên nông thôn vượt qua đại dịch Covid-19”. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa kết nối với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua xoài; phối hợp với Viettel Post đưa các mặt hàng nông sản của tỉnh lên Sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn, tổ chức bán hàng tại điểm giới thiệu sản phẩm của hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức thu mua hàng chục tấn nông sản chủ yếu là rau, củ, quả cho nông dân…
Hiện, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Vì vậy, tỉnh cần phải sớm kết nối chuỗi cung ứng, nhất là trong giai đoạn này. Để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy tiêu thụ, ổn định đầu ra cho nông sản và tránh tình trạng ứ đọng nông sản, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cơ sở sản xuất trong điều kiện dịch bệnh.
Cụ thể: Tiếp tục hỗ trợ giá điện cho các cơ sở sản xuất, lưu trữ nông sản; tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ và có các chính sách về vay vốn để tái sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đầu tư công nghệ, máy móc, trang thiết bị để thực hiện quá trình chế biến sâu các sản phẩm như: Xoài, sầu riêng, tỏi, bưởi da xanh... để từ đó nâng cao giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy tạo đầu ra ổn định cho các nông sản của tỉnh.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tạo điều kiện trong thu hoạch, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa, nông sản, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nông dân. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các loại thủy sản. |
Theo baokhanhhoa.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.