Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2019 | 14:28

Khi người lính làm nông trại

Xuất ngũ năm 1982, ông Nguyễn Văn Vọng ở xã Ninh Xá (Thuận Thành - Bắc Ninh) về địa phương, rồi đi học đại học. Ra trường, ông làm đủ nghề để kiếm sống.

1.JPG
Ông Hoa (trái), cùng chủ nhà thăm khu nuôi gà của trang trại.

 

Tuy nhiên, dấu mốc quan trọng nhất là năm 2010, khi ông quyết định làm trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng, rồi thu lãi tiền tỷ mỗi năm như ngày nay.

“Chất lính” trong bài toán kinh tế

Ông Vọng cho biết, ông tham gia chiến trường phía Bắc năm 1978 - 1982. Khi xuất ngũ trở về quê, ông nhận thấy, làm kinh tế cũng phải có trí tuệ, như trong một trận chiến. Vì vậy, ông tiếp tục học tập và thi đỗ Đại học Nông nghiệp. Ra trường, ông được phân công làm đủ nghề như: kế toán trưởng HTX chuyên mua bán, tín dụng và sản xuất nông nghiệp, với 8.000 xã viên, trên 500ha đất. Sau khi xoá bao cấp, ông chuyển sang kinh doanh nhiều mặt hàng như: Vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép; thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Đặc biệt, khi rảnh rỗi, ông thường đi du lịch, tham quan học hỏi kinh nghiệm để làm kinh tế tốt hơn. Một lần sang Thái Lan, thấy họ chăn nuôi gà với quy trình khép kín hàng vạn con, ông rất tâm huyết, trăn trở. Làm sao để theo kịp quy mô chăn nuôi gà sạch như Thái Lan, khi họ đã đi trước chúng ta 20 - 30 năm? Vậy là, năm 2010, ông quyết định xây dựng trang trại 2ha, nuôi 18 vạn gà CP, chia thành 2 khu như hiện tại. Thức ăn cho gà mua tại Công ty CP ở Xuân Mai (Hà Nội).

Thời gian sinh sản của gà CP 12-16 tháng/lứa, sau đó phải thay mái; giá gà thải loại  40.000-60.000 đồng/kg (bình quân 100.000 đồng/con); gà sinh sản mua vào 120.000 đồng/con. Trung bình, hàng tháng gà đẻ trứng đạt 85-95%, giá trứng lúc thấp nhất 700 đồng/quả, cao nhất 2.000 đồng/quả, trung bình 1.400 đồng/quả. Đầu ra là thị trường Hà Nội, chủ yếu cung cấp cho các nhà máy sản xuất bánh kẹo, hoặc làm thức ăn cho các khu công nghiệp ở Bắc Ninh. 

“Doanh thu bình quân đạt 11 tỷ đồng/năm, tuy nhiên, thời điểm này không lãi cao, do từ  Tết Kỷ Hợi đến nay, giá trứng thấp, có lúc chỉ còn 700-1.100 đồng/quả, nay lên 1.400 đồng/quả, trong khi giá thành sản xuất 1 quả trứng là 1.250 đồng. Do vậy, lãi ròng chỉ đạt 900 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nông trại còn có ao cá sạch, cho thu 4-5 tấn/năm. Hiện, nông trại có 9 công nhân, thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng”, ông Vọng cho biết.

Đồng hành cùng người dân phát triển nông trại

Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình phát triển chăn nuôi ở các nông trại sản xuất lớn không thuận lợi, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi kéo dài.

Do vậy, Hội Nông nghiệp và PTNT Thuận Thành  đã phối hợp với các ngành chuyên môn, trạm thú y, tuyên truyền hội viên, nông dân thực hiện tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, đã tiêm 2.274.730 liều vắcxin các loại cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là vệ sinh, tiêu trùng khử độc môi trường như phun hoá chất, rắc vôi bột. Kết quả, đã thực hiện trên tổng đàn gia súc, gia cầm 663.823 con, trong đó, riêng gia cầm 585.635 con.  

Mặt khác, Hội đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Đề án của tỉnh, “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”, vận động bà con sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng. Đáng ghi nhận là, những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện ngày càng nhiều , nhiều hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Đồng thời, chú trọng phát triển mô hình trang trại, gia trại để ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, Hội còn vận động bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học vào sản xuất, ví như: mô hình trồng thảo dược, trồng cây ăn quả tại xã Hoài Thượng; trang trại tổng hợp ở xã Đại Đồng Thành; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái ở Ninh Xá, Hà Mãn, Trí Quả... Qua đó, phát động phong trào giúp đỡ hội viên nghèo ổn định cuộc sống, nỗ lực thoát nghèo…

Ông Vương Đăng Hoa, Phó chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Thuận Thành, cho biết: “Phát huy tinh thần người lính, sau  khi tốt nghiệp đại học, ông Vọng bắt tay làm kinh tế. Vừa có kiến thức nhà nông, vừa làm ăn khoa học, nên đàn gà của ông ổn định từ năm 2010 đến nay, và thu lãi lớn. Để hỗ trợ ông, Hội đã cho vay 600 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Hiện, Thuận Thành có trên 10 trang trại chăn nuôi gà Thái Lan, Ai Cập, bền vững như ông Vọng, song, quy mô nhỏ hơn.

Đáng ghi nhận là, các trang trại đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, giữ gìn sức khoẻ  cho đàn gà rất tốt. Ví như: Cho gà nghe nhạc để chúng không cắn nhau, khi đẻ không ăn trứng. Hoặc, có tiếng ồn xung quanh, công nhân đến dọn chuồng, đàn gà không bị hoảng loạn. Ngoài ra, còn mua máy cào phân, giải phóng sức lao động cho công nhân, chuồng không có mùi hôi thối”. 

Hội còn kết hợp với các cơ sở mở 2 lớp hướng dẫn chăn nuôi gia cầm, trồng rau an toàn ở An Bình; 1 lớp trồng nấm ở Hà Mãn. Đồng thời, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; sử dụng phân bón NPK cho hàng trăm hội viên, nông dân.

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top