Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo từng là niềm tự hào của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, gần đây, nhiều doanh nghiệp giải thể, một số nhà đầu tư tạm dừng hoạt động, kinh doanh buôn bán èo uột khiến KKT ngày thêm ảm đạm.
Buồn tênh nơi “trái tim” KTT
Nằm ở cửa ngõ KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) từng được xem là “trái tim” của KTT, đây cũng là trạm trung chuyển hàng lớn của Hà Tĩnh và khu vực.
Một thương nhân từng buôn bán đồ điện tử tại thị trấn Tây Sơn cho hay, những năm 2000, đồ điện tử tràn vào nước ta, người dân nhanh chóng chớp cơ hội qua nước bạn Lào tìm mối giao thương, việc thông thương qua cửa khẩu khá dễ dàng. Hàng hóa nhập về một số được chuyển xuống miền xuôi, số khác bày bán khắp các con phố nên Tây Sơn rất nhộn nhịp.
Qua thời buôn bán đồ điện tử, họ chuyển sang buôn lúa gạo, nước ngọt và đặc biệt là gỗ trắc. Thương nhân buôn gỗ được đánh giá là giàu có hơn cả ở thị trấn phố núi này. Ăn nên làm ra, người dân thị trấn đua nhau xây nhà, những ngôi nhà 2 - 3 tầng san sát mọc lên, giá vật liệu đẩy lên cao vút.
“Hầu hết các loại xe như Rolls Royce, Ferrari, Bently, Poscher... đều được các thương nhân giàu có mua sắm, chạy khắp thị trấn. Nhà cửa ở đây phần lớn làm theo kiểu Thái, Lào. Thời kỳ đầu rất lạ mắt, người ta đua nhau xây dựng, cứ thế trong khoảng 3 năm, từ thị trấn nhà cửa lụp xụp biến thành những góc phố phồn hoa”, một người dân tại thị trấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, những đám cưới “khủng” được tổ chức khiến dư luận xôn xao một thời như đám cưới con trai nữ đại gia Nguyễn Thị Liễu vào năm 2012, quy tụ hàng chục siêu xe và những ca sỹ nổi tiếng trong, ngoài nước tham gia.
Tuy nhiên, khác với những năm tháng đó, chúng tôi trở lại thị trấn Tây Sơn vào những ngày cuối năm 2018, không khí nay đìu hiu, buồn tênh đến lạ thường.
Ngồi lặng lẽ bên ly cà phê ở một góc đường, một người dân chép miệng: “Còn nhớ những năm trước xe cộ chạy suốt ngày đêm, nhưng bây giờ Tết gần đến mà không khí buôn bán, giao thương vẫn đìu hiu như ngày thường. Trung tâm thương mại Tây Sơn được xem là chợ buôn bán sầm uất các loại đồ Thái, Lào bây giờ người bán nhiều hơn người mua”.
Nhiều người dân ở đây cho biết, hiện nay hàng hóa trong nước đã bão hòa, mua về bán ra không có lời nên số người kinh doanh giảm hẳn. Nhiều con phố sầm uất nay lặng như tờ, người dân chuyển sang nghề khác hoặc vào Nam kiếm sống.
Vắng vẻ, đìu hiu
Đường lên KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cách thị trấn Tây Sơn khoảng 40km, KKT này từng được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong 9 KKT trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh các lợi thế về sản xuất nông nghiệp, Hương Sơn cũng luôn xác định lợi thế thương mại - dịch vụ và chú trọng quan tâm đến KKT CKQT Cầu Treo. Nhiều năm liền, KKT phát triển, đời sống người dân thay đổi trông thấy.
Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn Nguyễn Kim Hảo cho biết: Trên địa bàn KKT hiện có hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể, nhưng trên thực tế, hầu hết chỉ hoạt động nhỏ lẻ, không đáng kể. Thực tế hiện nay, hàng điện lạnh, điện tử, mỹ phẩm... liên doanh trong nước chất lượng tốt và gần như bão hòa nên các hộ kinh doanh mặt hàng này cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, vì không còn được miễn thuế như trước nên hàng nhập về phải chịu thuế cao hơn, khiến người kinh doanh đã khó lại càng khó thêm.
Cũng theo ông Hảo, hoạt động buôn bán qua cửa khẩu giảm, khách qua lại theo đó cũng giảm mạnh. Thậm chí, một số người trước đây đi buôn hàng Thái, hàng Lào, nay đã giải nghệ về… bán rau, bán xôi!
Một thực tế buồn ở KKT Cầu Treo trong vài năm lại đây là nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình “bể nợ” nặng vì buôn bán gỗ. Khi nước bạn Lào thực hiện chính sách đóng cửa rừng, nhiều doanh nghiệp đã mắc kẹt gỗ phía bên kia không nhập về được. Một số khác, trước đây thu gom gỗ trắc buôn bán nhưng sau đó, loại gỗ này “rớt” giá liên tục. Hàng chục gia đình bị phát mại tài sản, đất đai, nhà cửa do vay tiền ngân hàng buôn gỗ, bị “bể nợ”.
Đại diện Agribank Chi nhánh Tây Sơn tiết lộ, toàn chi nhánh còn hơn 45 tỷ đồng nợ tồn đọng khó thu hồi. Ngân hàng cũng đang làm hồ sơ chuyển trung tâm đấu giá 11 ngôi nhà để thu hồi vốn. Tuy nhiên, do lượng tiền trong dân khan hiếm nên việc này cũng sẽ gặp không ít khó khăn.
Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Lê Văn Hạnh trầm ngâm cho biết: “Chưa bao giờ KKT Cầu Treo lại hiu hắt như thời gian gần đây. Năm 2014 thu ngân sách KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đạt 225 tỷ đồng, năm 2015 đạt 186 tỷ đồng, năm 2016 đạt 111 tỷ đồng, năm 2017 chỉ còn 45 tỷ đồng. Những tháng cuối năm thường là thời điểm hoạt động xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu sôi động nhất, chi cục thu được mỗi tháng 3-4 tỷ đồng nhưng năm nay, từ tháng 9 đến giờ, mỗi tháng chỉ thu được chưa đầy 1 tỷ đồng”.
Bài 2: Vì sao kém sôi động?
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.