Chủ vườn đào thất thốn Lâm Đồng, bất ngờ phát hiện bông hoa trắng đột biến nở bung, khách đã đặt mua giá vượt trội
Sau một năm chăm sóc, chủ vườn đào thất thốn ở Hiệp An, Đức Trọng (Lâm Đồng), bất ngờ phát hiện màu hoa trắng đột biến bung nở, nhiều khách hàng đã đặt mua giá cao vượt trội, nhưng chủ nhà chưa bán.
Hoa đào thất thốn trắng như tuyết tại xã Hiệp An
Dự kiến Festival Hoa Đà Lạt cuối năm 2019, hoa đào trắng ở đây được “trình làng” phục vụ nhu cầu thưởng lãm mới lạ của người dân địa phương và khách du lịch.
Kết thúc tháng 9/2019, vườn hoa đào 6.000 m2 của chủ nhân 8X Trần Văn Toàn, thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, Đức Trọng đã khoanh nuôi được 20 cây đào thất thốn hoa trắng cánh đơn và kép, được phát hiện cùng thời điểm này năm 2018.
Trong đó, có 1 cây đào thất thốn hoa trắng cánh đơn, được một khách hàng phương Nam ra giá 50 triệu đồng, nhưng chủ nhân vẫn chưa bán, vì muốn giữ lại để triển lãm dịp Festival Hoa Đà Lạt sắp tới.
Cây đào hoa trắng 50 triệu đồng, cao hơn 1 m, tán rộng 90 cm, gồm 15 cành lớn nhỏ, đường kính gốc 30 cm. Trên cành đang bung nở khoảng 3 đóa hoa trắng như tuyết, nhị hoa tua tủa, đính trên đầu những bao phấn hoa màu vàng rực, li ti như hạt tấm.
Anh Toàn cho biết: “Đến nay, trong 20 cây hoa đào thất thốn trắng phát hiện một năm qua, có 5 cây trổ nhiều búp hoa trên cành, có thể chăm sóc thành cây thương phẩm từ năm 2020 trở đi”.
Cũng theo anh Toàn, còn lại 15 cây tiếp tục thâm canh thêm vài năm nữa. Trước mắt, 5 cây ra hoa trắng, bố trí riêng một khu vực, chỉ theo dõi mỗi cây bung nở vài búp nụ, còn lại phải ngắt bỏ hết, để tập trung dinh dưỡng nuôi thân, cành, đủ sức bung nở đồng loạt hoa vào dịp Tết năm 2020…”.
Thực tế, giống đào thất thốn, chính thức được gia đình anh đưa từ miền núi phía Bắc về, gồm 5 cây tại thôn Trung Hiệp, vào đầu những năm 2000.
Khoảng 7 - 8 năm sau, lần lượt 5 cây phát triển tươi tốt và nở hoa màu nhung đỏ, màu hồng phai, mỗi đóa hoa gồm những cánh đơn và cánh kép xếp chồng lên nhau.
Anh Toàn để hoa trắng, nở tươi tự nhiên trong vườn, đến gần một tháng mới tàn. Sau đó, quyết định nhân giống đại trà, làm cây thương phẩm.
Hình thức nhân giống đào thất thốn bằng gieo ươm hạt, ghép mầm chồi với gốc đào bản địa Đà Lạt. Cụ thể, mỗi năm vào tháng 7, 8, những trái đào thất thốn lần lượt chín và rụng xuống đất.
Anh Toàn cẩn thận lấy hạt nhân gieo, một tháng sau, hạt nẩy mầm và sinh trưởng thành một cặp lá cách ly trên mặt cát, anh bứng vào nuôi trong bịch ni lông.
Ba tháng sau, cây cao 20 cm thì đưa ra vườn trồng. Tương tự, trái đào lông Đà Lạt chờ chín rụng, lấy hạt gieo trong cát. Sau 4 - 5 tháng, cây cao 30 cm, cắt thành 2 cành, ghép với mầm chồi cây đào thất thốn.
Nhân giống liên tục, với hai hình thức hữu tính (gieo hạt) và vô tính (ghép mầm chồi) như trên, tháng 9/2019, vườn đào thất thốn của anh Toàn đã có hơn 200 cây.
Chưa kể, hàng năm, anh Toàn còn bán hàng chục cây đào thất thốn, với giá 2 - 10 triệu đồng/cây. Cá biệt, có cây đến 50 triệu đồng.
Bất ngờ, vào một ngày tháng 9/2018, ra thăm vườn , anh Toàn phát hiện rải rác hơn 20 cây đào thất thốn nở hoa màu trắng nổi bật.
Lại gần, phân biệt được 3 loại đào thất thốn màu trắng gồm: trắng cánh đơn, cánh kép và sọc hồng. Theo anh Toàn, đây là màu đột biến của cây tái sinh tự nhiên, từ trái chín rụng xuống đất, vì giống gốc chỉ gồm màu hồng phai và màu nhung đỏ.
Nắm bắt ưu đãi này, đầu tháng 9/2019, anh đã chọn 10 trái chín từ 20 cây đào thất thốn trắng, lấy hạt nhân ươm thử trên cát. Nếu mọi việc thuận lợi, trong 3 năm tới, hàng trăm cây đào thất thốn màu trắng các loại, sẽ được anh Toàn nhân rộng, chuyên canh trong diện tích 6.000 m2.
Đắk Lắk: Lại một mùa sầu riêng ảm đảm
Vùng trọng điểm sầu riêng Krông Năng đang bước vào chính vụ. Khác với những năm trước, năm nay hầu hết các chủ vườn không có niềm vui trọn vẹn, khi năng suất vừa không đạt, giá lại giảm rất nhiều.
Vườn sầu riêng của anh Hưng
Dọc tuyến đường về huyện Krông Năng sẽ bắt gặp hình ảnh tấp nập vận chuyển, buôn bán sầu riêng của bà con. Mặc dù năm nay giá sầu riêng giảm so năm 2018, nhưng lượng thương lái các nơi đổ về vẫn đông, nên người dân vẫn mặc cả, lựa thời điểm bán và bán cho ai.
Ông Khuất Duy Thái (thôn Ea Chăm, xã Ea Tân), cho biết, để có đủ lượng hàng trong ngày, cả chục nhân công đang bận rộn hái, gom, dưới sự giám sát của chủ hàng, chủ vườn.
Theo đó, quả chín được tách riêng, tiêu thụ ở những vùng lân cận, chuyển nhanh nhất. Những quả già, phân theo loại 2, 3, quả đạt chuẩn xếp 1 lô riêng để về điểm tập kết.
Thương lái cho biết, họ mua nguyên vườn, và chịu trách nhiệm thu hoạch theo đợt. Bình quân mỗi vườn thu hái 2-3 đợt. Việc phân loại, sẽ ước số lượng hàng tập kết mỗi ngày.
Điều này được thảo luận, và có sự đồng thuận của chủ vườn để bảo đảm sức khoẻ vườn cây, cũng như chất lượng trái khi vận chuyển.
Ông Thái chia sẻ, hiện, vườn sầu riêng xen canh của ông có 180 cây, trong đó có 90 cây sầu riêng Dona, đang thời kỳ kinh doanh, sản lượng khoảng 27 - 28 tấn.
Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng nên chất lượng, mẫu mã đẹp, bán được giá. Được biết, ông đã bán nguyên vườn cho thương lái, với giá xô là 47 triệu đồng/tấn, ước lãi chỉ khoảng 500 – 600 triệu đồng.
Ngoài ra, sau 3 đợt mưa gió vừa qua, khiến sầu riêng bị sốc nhiệt, rụng non trên 2 tấn, vì thế, so với năm 2018, năm nay thất thu khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Lương Xuân Hưng (thôn Ea Chiêu, xã Ea Tân, cũng liên tục có thương lái đến xem, trả giá. Song, ông vẫn chưa bán vì giá sầu riêng xuống quá thấp.
Ông có 7 ha đất, nhưng do trồng xen nhiều loại cây, nên chỉ có 200 cây sầu riêng, đang thu bói, sản lượng ước 5 tấn.
Theo Trạm Bảo vệ thực vật Krông Năng, toàn huyện có 1.150 ha sầu riêng… Trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 400 ha, sản lượng năm 2018 đạt 6.760 tấn.
Dù đang cao điểm, nhưng người trồng không vui. Do sức mua của Trung Quốc - thị trường xuất khẩu có nhiều biến động, giá thu mua tại vườn giảm rất mạnh, chỉ bằng 1/2 năm trước.
Sầu riêng của ông Hưng, do mới cho thu bói, nên sản lượng rất thấp. Cộng với phương pháp trồng thân thiện môi trường, hạn chế sử dụng phân hóa học, nên hình thức quả không đẹp, khiến giá càng thấp.
Trong khi sầu riêng giá 45- 47 triệu đồng/tấn, thì vườn ông Hưng chỉ 37 - 38 triệu đồng/tấn. Như vậy, 200 cây sầu riêng, thu về không đến 200. 000 đồng/kg loại I.
Theo ông Cao Xuân Sơn, Trạm trưởng Trạm trồng trọt huyện, ngoài giá thu mua giảm, thì năm nay năng suất sầu riêng cũng đạt thấp hơn năm trước khoảng 2 tấn/ha.
Một phần do thời tiết, phần do nhiều nông hộ vẫn chưa am hiểu lắm về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc. Vì vậy, để góp phần phát triển sầu riêng theo hướng bền vững, huyện đã tổ chức tập huấn quy trình trồng xen sầu riêng, bơ, hồ tiêu trong vườn cà phê, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho gần 1.200 lượt nông dân.
Tới đây, sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, để thúc đẩy người dân sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn VietGAP, Global GAP… vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao tính cạnh tranh trong hội nhập.
Buôn K'Ho trù phú từ cây dâu tằm
Vài năm nay, người K’Ho ở Đinh Văn đã quen thuộc với cây dâu con tằm, vật nuôi mới mang lại no ấm cho buôn làng K’Ho.
Kiểm tra kén ở nhà chị K’Er, tổ dân phố Ryông Srê
Ông Đinh Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn, chia sẻ, Đinh Văn có 11 tổ dân phố người K’Ho. Trong đó, có nhiều tổ bà con K’Ho chiếm đa số như Kon Tách Đăng, Pốt Pe, Ryông Srê…
Ông Khương cho biết, bà con K’Ho chủ yếu trồng cà phê, chỗ nào có ruộng trồng thêm lúa nước. Đất Đinh Văn vốn không quá hợp cho cây cà phê, trồng lúa lại không chủ động nguồn nước, chỉ được một vụ nhờ nước trời.
Đã thế, đất sản xuất lại hạn chế, mỗi hộ chỉ dăm sào trồng cà phê, cuộc sống rất chật vật. Nhưng nay, đời sống của bà con đã thay đổi hẳn, nhờ vào cây dâu con tằm.
Chị K’Ột, tổ dân phố Ryông Srê có 4 người con từ phổ thông đến đại học. Không có công làm, cà phê, lúa không đủ tiền cho con đi học. Chị chuyển 5 sào lúa nước sang trồng dâu.
Nhà lúc nào cũng có tằm, kén bán. Chị cho biết: “Làm lúa thấp, mấy tháng mới được 2 triệu đồng/sào, không đủ sống. Trồng dâu tằm khá hơn, tháng nào cũng có tiền, giá kén lại cao. Nhờ vậy, đủ tiền cho con đi học”.
Ngay sát nhà chị, chị K’Er, cũng đang xuất lứa kén mới. Do con cái đi học hết, nhà có 4 sào dâu tằm, trước đây đi làm thuê, nay ở nhà trồng dâu, nuôi tằm, thu nhập tốt hơn nhiều.
Anh K’Bin, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, cho biết, hầu hết các tổ dân phố có đồng bào K’Ho, nhà nào cũng trồng dâu nuôi tằm. Ban đầu, có vài hộ học theo người Kinh làm, sau đó, Thị trấn động viên bà con chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm
Đồng thời, tổ chức các lớp học, hướng dẫn trồng dâu, nuôi tằm, thuốc trị bệnh… Bà con ứng dụng khá tốt, nuôi tằm trên giàn sắt, dùng né gỗ vuông.
Vì vậy, năng suất kén đạt 45-50 kg/hộp tằm giống. Nhiều hộ còn chuyên trồng dâu, cung cấp cho các hộ nuôi tằm. Hiện 1 kg dâu cành 7 ngàn đồng, dâu lá 12 ngàn đồng/kg. Toàn thị trấn có 800 - 1 ngàn hộ K’Ho trồng dâu nuôi tằm.
Hiện, thị trấn hỗ trợ bà con trồng dâu 500 ngàn đồng/sào; vận động bà con thành lập tổ hợp tác, để tăng giá trị cho những chiếc kén trắng, đem no ấm cho buôn làng K’Ho.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…