Nhận thấy ba kích tím có giá trị kinh tế cao, người dân ở các xã vùng cao huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã trồng xen dưới tán rừng, cung cấp sản phẩm cho thị trường.
Giờ đây, ba kích tím không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp bà con vươn lên làm giàu.
Thu lãi trăm triệu
Anh Đinh Văn Tuyến, người trồng ba kích tím dưới tán rừng đầu tiên ở thôn Đồng Tán, cho biết, trên địa bàn xã Minh Cầm từ lâu đã có nhiều loại cây dược liệu như: sa nhân, ba kích tím, chè hoa vàng... mọc tự nhiên dưới tán cây rừng. Bà con đã biết dùng các loại cây này để làm thuốc chữa bệnh, hoặc thu hái bán sang Trung Quốc. Do nhu cầu về dược liệu ngày càng tăng, việc khai thác nguồn cây dược liệu thường diễn ra bừa bãi, không chú ý đến khả năng tái sinh và có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Đầu năm 2014, gia đình anh Tuyến được chính quyền địa phương hỗ trợ triển khai mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, với tổng diện tích hơn 2.000m2. Từ nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình anh được hỗ trợ phân bón và hơn 2.000 cây giống ba kích tím. Đến nay, cây ba kích tím của anh Tuyến đã cho thu hoạch. Với giá bán 300 nghìn đồng/kg, ước tính đồi ba kích tím sẽ đem lại cho gia đình gần 100 triệu đồng.
Những ngày mới bắt tay vào trồng giống cây quý này, anh Tuyến gặp không ít khó khăn, bởi ba kích tím vốn dĩ mọc và phát triển hoang dại dưới tán rừng, nay phải thuần dưỡng và trồng, chăm sóc. Chính vì vậy, anh đã tìm tòi, học hỏi những người có kinh nghiệm trồng cây ba kích với hy vọng sẽ giữ được giống cây quý của địa phương. Sau bao ngày sớm khuya, thấy cây bén rễ, đâm chồi, nảy lộc, anh rất vui vì đã thuần hóa được giống dược liệu quý.
Anh Tuyến tâm sự: “Từ lâu tôi đã thấy ba kích tím là cây có giá trị kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi mong muốn bà con trong thôn, trong xã mạnh dạn trồng ba kích tím, bởi hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác”.
Gìn giữ thương hiệu
Nói về giá trị của cây ba kích tím, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Minh Cầm, cho biết: Từ trước đến nay, bà con trong xã đã biết trồng ba kích tím làm thuốc chữa bệnh. Nhận thấy cây có nhiều tiềm năng, nên chúng tôi đã phối hợp với Phòng nông nghiệp huyện cử cán bộ tới tận thôn, bản để hướng dẫn kĩ thuật trồng cây ba kích tím dưới tán rừng cho bà con. Nhiều hộ được giao đất, giao rừng đã bảo tồn và khai thác thường xuyên, bình quân giá bán 250 - 300 nghìn đồng/kg tươi. Cả xã hiện có hơn 20ha ba kích tím. Với việc được Nhà nước hỗ trợ phân bón, giống, thời gian tới, diện tích trồng ba kích tím trong xã sẽ được mở rộng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con các dân tộc vùng cao còn khó khăn”.
Cũng giống như hộ anh Tuyến, gia đình anh Nịnh Thanh Xuân ở thôn Khe Ốn, xã Thanh Lâm cũng chọn ba kích tím là cây trồng chính trong phát triển kinh tế của gia đình. Với trên 4.000m2 đất đồi, anh tiến hành trồng trên 2.000 gốc ba kích tím. Đến nay, vườn ba kích tím đã cho thu hoạch, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 500 triệu đồng. Anh Xuân cho biết: “Từ khi trồng loại cây dược liệu này, kinh tế gia đình khấm khá dần lên và không những đủ ăn, mà còn có tiền cho các con ăn học đến nơi đến chốn, xây được nhà kiên cố”.
Theo anh Xuân, đầu năm nay, nhiều người tìm đến gia đình hỏi mua cây giống về trồng. Bởi vậy, anh dự định sang năm sẽ chuyển sang ươm cây giống để bán và tiếp tục mở rộng trồng thêm loại cây dược liệu này trên diện tích đất đồi còn lại.
Thực tế thấy ba kích tím là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững loại dược liệu quý này, người dân cần chủ động trong trồng, phát triển, giữ gìn thương hiệu ba kích tím của huyện miền núi Ba Chẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…