Trồng rau trái vụ; làm giàu từ vườn măng tây xanh; chỉnh trang vườn hộ, vườn mẫu là việc làm của nhiều địa phương trong tuần qua.
Phú Thọ: Làm giàu từ măng tây xanh
Tuy là mới đưa vào trồng thí điểm ở xã Sông Lô, Thành phố Việt Trì, song cây măng tây xanh đã và đang mang lại thu nhập, lợi nhuận cao cho bà con nông dân.
Vườn măng tây của gia đình bà Hòa, huyện Sông Lô
Là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng măng tây xanh, bà Nguyễn Thanh Hòa, khu 4, xã Sông Lô hiểu hơn ai hết về hiệu quả kinh tế cũng như công dụng ưu việt của loại cây này. Trước khi bắt tay vào trồng, bà Hòa đã tìm hiểu về cây măng tây xanh qua tài liệu, học hỏi kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến thăm quan tại các nơi đã trồng loại cây này ở các vùng lân cận.
Sau gần 1 năm, nhờ nắm chắc được kỹ thuật, hiểu đặc tính của cây, đến nay gia đình bà đã có hơn 1ha măng tây xanh với những ngọn măng to, mập, đạt chất lượng cao. Ngày nào gia đình bà cũng có sản phẩm xuất bán, thu hoạch với mức trung bình vài chục cân/sào/ngày.
Bà Hòa cho biết: “Kỹ thuật trồng măng tây xanh không quá phức tạp, sau khi ươm giống trong bầu khoảng 3 tháng thì mang ra vườn trồng. Trước khi trồng, phải lên luống 30cm, bón lót bằng phân chuồng hoai mục; mỗi hốc trồng 1 cây, khoảng cách giữa cây với cây 40 - 50cm, hàng cách hàng 70 - 80cm; có thể trồng 550 - 700 gốc/sào.
Cây măng được trồng 6 tháng là bắt đầu thu hoạch, và thu từ 8-10 năm mới phải thay gốc, năng suất măng các năm sau sẽ cao hơn năm trước. Theo kinh nghiệm của bà Hòa, người trồng măng tây phải biết chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây mới phát triển và cho năng suất cao. Cần tạo độ cao từ 20 đến 30cm để cây khỏi bị ngập úng. Mỗi tháng hai lần bón phân hữu cơ và hằng ngày tưới nước tạo độ ẩm cho cây phát triển.
“Hiện, gia đình thu hoạch khoảng 70kg - 1 tạ măng tây/ngày tùy thuộc vào thời tiết. Với giá bán trung bình 80.000 – 100.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình tôi thu được từ 3-4 triệu đồng từ hơn 1ha măng. Đó là chưa kể năng suất măng sẽ tăng lên theo từng năm, vì thế lợi nhuận thu được từ giống “rau vua” này không hề nhỏ, chỉ cần thu hoạch 1 vụ là đã hòa vốn” – Bà Hòa chia sẻ.
Cây măng tây của gia đình bà Hòa thu hoạch mỗi ngày về được sơ chế cẩn thận, và được vận chuyển trong ngày cho các công ty thực phẩm sạch chủ yếu ở thị trường Hà Nội.
Riêng gốc măng thừa, bà Hòa phơi khô, sao vàng làm trà thảo mộc măng tây dùng uống có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Không chỉ giúp cải thiện kinh tế của gia đình, từ trồng và thu hoạch măng tây, bà Hòa còn tạo việc làm cho 8-10 lao động, có thu nhập 4-5 triệu đồng/ tháng.
Ông Đào Quang Huy - Chủ tịch Hội nông dân xã Sông Lô, T.p Việt Trì cho biết: “Xã xác định măng tây xanh là cây trồng mũi nhọn trong hướng phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương. Để trồng măng tây xanh, nông dân gặp không ít khó khan, bởi giá giống cao (10.000 đồng/cây), chi phí để trồng một sào măng tây xanh lên đến 30 triệu đồng”.
“Để giúp nông dân khắc phục khó khăn, chính quyền xã đã có chủ trương hỗ trợ bà con về giống, phân bón, cũng như phối hợp với trạm khuyến nông tỉnh mở các lớp đào tạo về kỹ thuật.... để nhân rộng mô hình này trong thời gian tới”.
Trồng măng tây xanh so với lúa, ngô, khoai… cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, đầu tư ban đầu không nhỏ, đặc biệt, phải nắm chắc kỹ thuật mới cho hiệu quả tốt. Giá trị kinh tế thu được trên một diện tích canh tác cao, sản phẩm làm ra có thị trường ổn định. Cùng với đầu tư mở rộng diện tích thì việc trồng măng tây xanh theo hướng sạch, an toàn là mục tiêu các hộ gia đình trên địa bàn xã hướng tới.
Hà Tĩnh: Trồng rau trái vụ khó, nhưng hiệu quả kinh tế cao
Với sự phát triển của KHKT, hiện đã có nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh quyết tâm canh tác rau màu trái vụ, nhờ được giá, cây trồng trái vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, Can Lộc) là một trong những hộ đi đầu trong phong trào sản xuất của địa phương. Tận dụng lợi thế gần nguồn nước, gia đình chị xây dựng mô hình vườn mẫu, lắp đặt hệ thống tưới tự động.
Chị Tuyết đã gieo trỉa gần 1 sào rau cải vụ trái thứ 2, nay đã nảy mầm, phát triển tốt
Chị chia sẻ: "Quan điểm của gia đình là không cho đất nghỉ và không chờ mùa vụ đến. Đối với nhiều người, đây có thể là cách làm chưa hợp lý, song nhiều năm năm chúng tôi đều có thu nhập khá nhờ rau màu trái vụ như rau cải, đậu xanh lòng…".
Dẫn chúng tôi ra vườn, chị kể tiếp: "Đầu tháng 6 dương lịch, khi thời tiết mùa hè ở giai đoạn nắng nóng khắc nghiệt nhất, vợ chồng tôi xuống giống khoảng 10 thước đất trồng rau cải (tương đương 2/3 sào) và 1,5 sào đậu xanh lòng. Sau khi gieo hạt, tôi dùng rơm tấp lại để tạo độ ẩm cho hạt nảy mầm. Tiếp đó, chú ý việc tưới nước hàng ngày, không để đất bị khô”.
“Để trừ sâu bệnh, tôi làm theo kỹ thuật đã được học trước đó, giã nhuyễn hỗn hợp ớt, tỏi, gừng, rượu rồi pha với nước phun định kỳ. Đến giữa tháng 7, thương lái đến mua tận nhà, với giá bán từ 5-6 nghìn đồng/bó, gia đình thu lãi gần 5 triệu đồng. Với diện tích đậu xanh trái vụ, đến nay đã thu hoạch 3 lứa, dự kiến đến cuối vụ sẽ thu hoạch khoảng 9 yến, nếu bán ngay tại chợ, gia đình sẽ thu thêm khoảng 4,5 triệu đồng"- Bà Hòa cho biết.
Không để đất nghỉ, hiện tại, chị Tuyết đã gieo gần 1 sào rau cải vụ thứ 2. Cũng theo chị Tuyết, làm rau màu trái vụ khó hơn nhiều lần, đặc biệt tốn nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, ưu điểm là thời gian ngắn, thị trường khan hàng nên giá bán cao, người trồng thu lãi lớn hơn nhiều lần so với việc sản xuất đúng mùa vụ.
Không chỉ sản xuất quy mô vườn hộ, HTX Nông nghiệp Thuận Hòa (xã Thạch Văn, Thạch Hà) đang tích cực chuẩn bị xuống giống khoảng 3 ha củ cải và cà rốt trên đất cát ven biển. Tận dụng hệ thống tưới tự động được đầu tư khá lớn, năm 2017, HTX bắt đầu thử nghiệm sản xuất rau trái vụ, kết quả xã viên đạt được mức lợi nhuận từ 120-150 triệu đồng/ha. Hiện tại, HTX đã hoàn thành công tác làm đất và chuẩn bị phân bón, chờ thời tiết thuận lợi để gieo hạt.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Hòa cho biết "Vụ rau này, HTX sẽ sản xuất theo hình thức cuốn chiếu. Nghĩa là sản xuất trên diện tích 3 ha nhưng chia ra nhiều đợt gieo hạt, mỗi đợt chỉ sản xuất khoảng 5 sào. Năm ngoái, khi sản xuất củ cải trái vụ, HTX đạt được mức lợi nhuận "khủng" nhờ giá bán cao.
Để đạt hiệu quả, người sản xuất phải theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, tiến hành xuống giống đảm bảo hạt nảy mầm, cây con bám rễ trước những đợt mưa dông. Sản xuất trái vụ đã khó, việc trồng trên cát lại càng khó hơn, song, với việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, chúng tôi tin vụ rau năm nay sẽ tiếp tục thành công, góp phần giúp xã viên nâng cao thu nhập".
Thạch Hà: Chỉnh trang, xây dựng 2.400 vườn hộ, vườn mẫu
Trong tháng cao điểm thi đua xây dựng khu dân cư nông thôn mới (21/6 - 21/7), các địa phương của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã ra quân sôi nổi, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong khu dân cư.
Trong đợt ra quân cao điểm (21/6 - 21/7), huyện Thạch Hà chỉnh trang được 2.211 vườn hộ, đạt 123% so với chỉ tiêu; xây dựng 252 vườn mẫu, đạt 304% chỉ tiêu. Mặt khác, huyện cải tạo và chỉnh trang 177 công trình chăn nuôi, đạt 96% so với chỉ tiêu; che chắn 466 công trình chăn nuôi, đạt 96%; di dời và xây dựng mới 47 công trình chăn nuôi, đạt 73%.
Xây dựng vườn mẫu không chỉ làm đẹp cảnh quan môi trường mà còn phải cho thu nhập cao.
Việc phát động phong trào cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ ở Thạch Hà đã tạo ra bộ mặt mới cho vùng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như sản xuất sâu rộng trong thôn xóm, đến từng hộ gia đình.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…