Hàng nghìn xe container chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại các cửa khẩu của Lạng Sơn nhiều ngày qua nhưng vẫn chưa được thông quan đã khiến một số chủ hàng buộc phải đưa xe hàng quay đầu và đỗ dọc quốc lộ 1A để mở container bán đổ bán tháo...
Một số chủ hàng buộc phải đưa xe hàng quay đầu và đỗ dọc quốc lộ 1A để mở container bán đổ, bán tháo với giá rẻ nhằm gỡ gạc phần nào chi phí.
Tại ngã tư Phai Trần trên quốc lộ 1A, chị Nông Thị Thúy (người dân TP.Lạng Sơn) cùng mẹ của mình đang dỡ hàng tấn mít chất đầy trong khoang xuống để bán cho khách dọc đường sau khi xe đã ăn chực, nằm chờ hơn chục ngày qua không thông quan được. Làm nghề buôn bán trái cây qua biên giới đã hơn 5 năm nay, nhưng chưa năm nào tình cảnh lại khó khăn như hiện tại. Một chiếc xe container chở mít như thế này, chủ hàng thiệt hại khoảng hơn 400 triệu đồng. Hơn 20 xe hàng của chị nằm ở bãi xe tại cửa khẩu Tân Thanh khiến chị như ngồi trên đống lửa. Chỉ tính riêng trong tháng này, gia đình chị đã lỗ hơn 6 tỷ đồng:
“1 xe container có 24 tấn như thế này bây giờ bán vội được có 70-80 triệu, còn chưa đủ tiền cước xe trả cho tài xế, tiền hàng thì xác định là mất trắng, không lấy lại được. Nếu đỗ ở trên cửa khẩu quá 15 ngày vẫn chưa sang được thì hoa quả hầu hết là bị hư hỏng, nếu còn chờ nữa thì sang đến kia cũng chỉ là 1 đống đổ nát phải bỏ đi, nên quay lại bán được chút nào thì bán, nhiều quả bán 5.000- 10.000 đồng mà không ai mua vì hỏng hết. Mấy tuần này gia đình chúng tôi đã có hơn chục container phải quay đầu”, chị Nông Thị Thúy than thở.
Một chủ hàng khác là anh Vũ Văn Chung thở dài khi những quả mít được dán tem truy xuất nguồn gốc, vốn dĩ thuộc hệ “xuất ngoại” nhưng giờ phải vứt bỏ chỏng chơ nơi góc đường đầy khói bụi, không còn cách nào khác là phải quay đầu xe, bán đổ bán tháo để gỡ gạc.
“Mít này tôi lấy từ Tiền Giang ra đây, lên cửa khẩu có xe nhiều nhất 25 ngày vẫn chưa được thông quan. Không xuất đi được nên mình buộc phải cho xe quay về đây, nếu không để thêm mấy ngày nữa là trái cây hỏng, bây giờ về đây bán được quả nào đỡ được quả nấy thì đỡ một phần nào tiền cước. Nếu quay sớm thì bán tầm được 100 triệu đồng/xe thì gần đủ tiền cước xe, còn nếu để quá tí nữa thì chắc chỉ được 40 triệu đồng/xe, những quả hỏng thì lại phải mất tiền thuê xe chở đổ đi”, anh Vũ Văn Chung nói.
Nhìn những quả mít được dán tem truy xuất nguồn gốc, vốn dĩ thuộc hệ “xuất ngoại” nhưng giờ lại nằm chỏng chơ nơi góc đường đầy khói bụi mà xót xa thay cho tình cảnh hiện tại.
Tính đến sáng nay (17/12), tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đã lên đến gần 4.800 xe. Trong đó, cửa khẩu Chi Ma đã hơn 1 tuần này không diễn ra hoạt động thông quan hàng hóa.
Trước đề nghị của phía Trung Quốc tạm dừng thông quan hàng hóa trước và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành công văn đề nghị các ban, ngành chức năng địa phương ứng phó. Mặc dù chính quyền và ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã liên tục khuyến cáo nhưng lượng xe chở nông sản xuất khẩu của các tỉnh vẫn tiếp tục đổ dồn về khu vực cửa khẩu.
“Cuối năm cũng là thời điểm vào vụ hoa quả tại nhiều địa phương nên tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, lượng xe đổ dồn về rất lớn, hiện nay, trong bãi Bảo Nguyên đã tồn hơn 1.000 xe, còn tại bãi phi thuế quan là gần 1.500 xe. Do lượng xe dồn ứ lớn nên các lực lượng đang hết sức tập trung để thực hiện việc điều tiết phương tiện, đảm bảo thông quan nhanh nhất trên cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại cửa khẩu nhằm hỗ trợ cho bà con. Hiện nay, 95% tờ khai xuất khẩu đều được phân luồng xanh, do vậy, việc chúng tôi thực hiện thủ tục hải quan là cực kì nhanh chóng, tuy nhiên, với những khó khăn hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn trong thời gian hiện tại”, ông Bế Thái Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Lượng xe đổ dồn về mỗi ngày đã gây áp lực rất lớn đến hạ tầng bến bãi tại tỉnh Lạng Sơn.
Cùng với Lạng Sơn, tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng cũng xuất hiện tình trạng xe container ùn tắc chờ thông quan. Cụ thể, tại Cao Bằng hiện có khoảng 200 xe chờ thông quan, trong khi mỗi ngày chỉ có khoảng 20 xe có thể qua biên giới. Lượng ùn tắc giảm đôi chút so với tuần trước do lái xe, chủ hàng biết thông tin ùn ứ tại các cửa khẩu. Còn tại Quảng Ninh, hiện vẫn còn khoảng 1.400 xe đang chờ thông quan, riêng tại cửa khẩu Bắc Luân 2 là gần 300 xe, quá nửa là hàng thủy sản đông lạnh, hoa quả xuất khẩu.
Trước thực trạng này, các ngành chức năng cũng đề nghị các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản trái cây cần chủ động nắm thông tin, tình hình xuất nhập khẩu để chủ động điều tiết xe hàng lên cửa khẩu, đồng thời phải nhanh chóng chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch. Thực tiễn cũng cho thấy, hàng hóa xuất khẩu chính ngạch có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ đường biên. Có như vậy, năng lực thông quan mới được nâng lên, tình trạng ùn ứ hàng hóa, phương tiện dịp cuối năm mới được khắc phục./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…