Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 11 năm 2016 | 8:53

Liên kết tiêu thụ tôm sạch: Sự sống còn của người nuôi tôm và doanh nghiệp

Sự kiện Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) ký kết hợp đồng tiêu thụ tôm sạch với 10 hợp tác xã và tổ hợp tác vào tháng 10 vừa qua cho thấy, cả doanh nghiệp lẫn người nuôi tôm đều ý thức được tầm quan trọng của việc liên kết, nhằm tạo ra sản phẩm ngày một chất lượng hơn, giá trị cao hơn.

Hiệu quả trước mắt

Do việc ký kết hợp đồng đã vào thời điểm cuối vụ, nên số lượng tôm tiêu thụ theo hợp đồng không nhiều, nhưng cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức đại diện nông dân vẫn cảm thấy hài lòng và vững tin vào thành công của mối liên kết trong thời gian tới. Điều đó, được thể hiện qua những đề xuất, đóng góp tại buổi rà soát kết quả thực hiện hợp đồng diễn ra vào ngày 4-11.

Tại buổi đối thoại, các bên đều có chung nhận định: Khó khăn trong quá trình thực hiện là không thể tránh khỏi, nhưng vấn đề là làm sao xây dựng được lòng tin lẫn nhau. Đánh giá về công tác thu mua, Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 Ngô Công Luận cho rằng: Cách lấy mẫu và thu mua của Vina Cleanfood là rất nhanh, đặc biệt có lợi cho người nuôi tôm. Ông Luận dẫn chứng: "Do ảnh hưởng mưa nhiều, 1 ao tôm của hợp tác xã buộc phải thu hoạch sớm. Nhưng khi nhận được tin báo, công ty vẫn cử cán bộ xuống lấy mẫu, thu mua rất nhanh chóng và giá thu mua cũng rất tốt. Trước đây, thường những ao như thế này khi kêu thương lái họ ép giá rất dữ, còn công ty thì vẫn mua đúng theo giá cam kết. Sau đợt thu mua này, những ao còn lại, các thành viên đều muốn bán cho công ty".

Tôm sạch nuôi bằng công nghệ sinh học được Vina Cleanfood thu mua giá cao hơn thị trường 5.000 – 7.000 đồng/kg.


Cũng theo đại diện các hợp tác xã, liên kết đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp là mong muốn bấy lâu của họ. Thực tế, qua thực hiện liên kết dù chỉ trong thời gian ngắn, số lượng tôm bán theo hợp đồng chưa nhiều, nhưng hiệu quả là rất rõ ràng và hợp tác xã rất hài lòng. Đại diện hợp tác xã Bình Hòa, xã Gia Hòa 2 (Mỹ Xuyên), bày tỏ: chỉ cần doanh nghiệp cân đủ và mua đúng giá là người nuôi đã hài lòng và điều này Vina Cleanfood đã làm rất tốt. Đặc biệt, thường tôm thu hoạch trong tháng 7 và tháng 8 hay bị ép giá, nên khi có liên kết, người nuôi rất yên tâm. Dù chưa có hợp đồng với Vina Cleanfood, nhưng Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh Nguyễn Văn Nhiệm vẫn thừa nhận, giá thu mua của công ty hiện cao hơn giá do hiệp hội đang bán ra.

Tuy công tác thu mua bước đầu vẫn còn đôi lúc trục trặc, nhưng theo các hợp tác xã vẫn tốt hơn so với cách mua của thương lái. Ngay câu hỏi: "Tại sao thương lái mua tôm của người nuôi giá cao hơn nhà máy mà họ vẫn có lời?" cũng được chính cả đại diện các hợp tác xã cùng nhau phân tích và đưa ra câu trả lời hết sức thỏa đáng. Theo đại diện Hợp tác xã Bình Hòa, có rất nhiều cách để họ gian lận, từ chuyện trừ bì rổ cân tôm, cho đến phân cỡ, rồi cân kéo… Nói chung kiểu nào họ cũng "móc túi" của người nuôi tôm được hết. Đó là chưa kể trường hợp vào vụ thu hoạch rộ hay khi ao tôm có vấn đề phải thu hoạch sớm thì cầm chắc người nuôi sẽ bị ép giá.

Giải tỏa băn khoăn

Đại diện Hợp tác xã Thành Đạt, xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên) nêu thắc mắc, do cuối vụ, nên hợp tác xã chỉ còn 1 ao cỡ tôm 53 con/kg, nhưng khi gọi thì đại diện công ty trả lời không thể vô mua vì số lượng quá nhỏ. Cùng trường hợp như Hợp tác xã Thành Đạt, một hợp tác xã ở TX. Vĩnh Châu cũng không hài lòng khi có ao tôm buộc phải thu hoạch sớm báo lên, nhưng công ty không xuống mua. Vì vậy, họ đề nghị công ty cần tổ chức lực lượng thu mua đủ mạnh do điều kiện nuôi phần lớn là nhỏ lẻ.

Chia sẻ những thắc mắc của các hợp tác xã, Giám đốc Vina Cleanfood Võ Văn Phục cho biết: "Chúng tôi đã xác định, nghề nuôi là rất quan trọng, có tính chất quyết định đến ngành tôm của tỉnh. Vì vậy, công ty quyết định tham gia việc ký kết hợp đồng với người nuôi để góp phần từng bước thay đổi tập quán nuôi của người dân, nhằm có sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu thị trường. Khi tham gia, chúng tôi cũng xác định là sẽ khó khăn, nhưng vẫn phải làm vì đây là xu hướng tất yếu trong tương lai, vì cộng đồng và sự phát triển của công ty nói riêng và ngành tôm Sóc Trăng nói chung".

Liên quan đến giá thu mua, ông Phục giải thích: "Sở dĩ có trường hợp thương lái đến mua với giá từ bằng đến cao hơn giá do công ty đưa ra là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, họ biết được hộ nuôi có ký hợp đồng với công ty là tôm sạch nên sẵn sàng trả giá ngang với mức giá do công ty đưa ra và không cần phải lấy mẫu kiểm nghiệm. Từ đây, người nuôi cho rằng giá của công ty không cao và không có phần cộng thêm 5.000 – 7.000 đồng/kg như thỏa thuận. Thứ hai là có trường hợp doanh nghiệp cần gấp một số lượng tôm nhất định để đủ hàng giao cho đối tác, nên sẵn sàng ra giá cao cho thương lái đi thu gom".

Cũng theo ông Phục, người nuôi không nên lấy mức giá thu mua trước mắt do thương lái đưa ra, mà cần đo lường hết giá trị thực cũng như tính bền vững lâu dài giữa công ty so với thương lái. Ông Phục nêu ví dụ: "Đối với thương lái, chỉ cần cỡ tôm rớt 1 con, người nuôi đã bị trừ 2.000 đồng/kg, còn dưới 1 con chỉ được cộng thêm 1.000 đồng/kg, mà chuyện lên xuống 1 con/kg đối với thương lái là không khó, nên phần thiệt lúc nào cũng thuộc về người nuôi". Do đó, ông Phục đề nghị, các hợp tác xã và công ty hãy cùng bàn bạc thêm về phương thức thu mua để sao cho cả 2 cùng có lợi.

Hướng đến lòng tin

Đại diện các hợp tác xã cho rằng, cả công ty và hợp tác xã đều phải rút kinh nghiệm và thay đổi, điều chỉnh phù hợp hơn để hỗ trợ lẫn nhau. Theo đó, nếu công ty không đủ nhân lực thu mua đến tận ao nhỏ lẻ, hợp tác xã có thể đảm nhận thay và tập kết hàng ra tận xe cho công ty. Về phía mình, các hợp tác xã cũng cho biết, để hạn chế khó khăn về diện tích nuôi nhỏ lẻ, tới đây, các hợp tác xã sẽ điều chỉnh diện tích thả nuôi để làm sao mỗi đợt thu hoạch, có đủ sản lượng tôm theo yêu cầu thu mua của công ty. Tuy nhiên, nghề nuôi không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nên ông Ngô Công Luận đề xuất thêm: "Khi người nuôi gặp trục trặc, báo lên, công ty nên cử người xuống thu mua, dù ít hay nhiều, chứ không nên từ chối như vừa qua, rất dễ mất lòng tin nơi thành viên hợp tác xã".

Theo TS. Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), đối thoại giữa công ty và người nuôi là dịp để đưa các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp gần nhau hơn, thấy được vai trò, vị trí của nhau và cùng đóng góp cho nhau để hoàn thiện hơn nữa trong liên kết chuỗi. TS. Lê Thanh Lựu nhận định: "Mối liên kết chỉ thật sự tốt đẹp khi người nuôi tôm làm tốt khâu sản xuất và doanh nghiệp thực hiện tốt khâu thu mua, chế biến, xuất khẩu. Do đó, bước đầu tiên cần làm là thay đổi khâu tổ chức sản xuất, nhằm có được sản phẩm chất lượng, giá trị cao đưa ra thị trường thế giới". TS. Lê Thanh Lựu cũng cam kết, tới đây, ICAFIS sẽ có thêm một số kênh hỗ trợ hợp tác xã có liên kết với Vina Cleanfood về vốn, giống, thức ăn, thuốc thú y… cũng như việc thu mua sẽ sòng phẳng hơn. Do đó, các bên phải có lòng tin lẫn nhau, vì đây cũng là sự sống còn của ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng trong tương lai.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top