Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 7 năm 2019 | 13:45

Nâng cao giá trị hàng Việt cần xây dựng thương hiệu QG

Trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa hiện nay, việc xây dựng sản phẩm mang thương hiệu quốc gia (THQG) là nhiệm vụ không chỉ của Nhà nước mà còn là  sự “sống còn” của doanh nghiệp.

Vì vậy, việc xây dựng THQG cần phải được xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau.

 

tr16.jpg
Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ. Ảnh: Vũ Sinh

 

“Made in” hay “Made by”?

Theo luật sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hải Chi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), Made in Vietnam hay Made in China, Made in Korea đều là các chỉ dẫn về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, và đều được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Cách xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa này được quy định tại Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa.

Theo quy định này, khái niệm cơ bản trong xuất xứ hàng hóa được giải thích: “là quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

Luật sư Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, THQG sẽ không chỉ là “những gì được làm tại Việt Nam”, mà còn là “những gì người Việt đang làm ra”.

Nói một cách cụ thể, “made by Vietnam” - được tạo ra bởi người Việt, sẽ dần thay thế “made in Vietnam” - được làm tại Việt Nam,  vì vậy, chúng ta phải có những quy định  phù hợp theo mô hình đánh giá thương hiệu quốc gia ở góc độ này.

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hàng Việt Nam hoặc hàng hóa thương hiệu Việt đã có định nghĩa chính thức tại Tài liệu tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì biên soạn và phát hành vào tháng 11/2012.

Theo đó, hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài.

Hàng hoá thương hiệu Việt là hàng hoá do doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam.

Hàng hóa, dịch vụ trong nước chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật hiện hành như: Luật Chất lượng, Luật Đo lường, Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn;…

Lấy ví dụ về hàng hóa của Samsung sản xuất tại Việt Nam, đại diện Vụ Thị trường trong nước  cho biết, tất cả các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam cũng đều được coi là hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong khi hàng hóa là máy móc, thiết bị đã có quy chuẩn thì hàng tiêu dùng vẫn chưa có định nghĩa chính xác để làm căn cứ xác định đâu là hàng Việt?

Xây dựng thương hiệu xứng tầm

Theo Tiến sỹ Hoàng Thị Thu Phương (Trung tâm Pháp Việt,  Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), việc xây dựng thương hiệu Việt cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh, đó là Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nhà nước phải xây dựng lên những bộ quy tắc, tiêu chí về “made in Việt Nam” và “made by Việt Nam”, trên cơ sở đó doanh nghiệp căn cứ thực hiện việc sản xuất hàng hóa của mình theo những bộ quy tắc, tiêu chí trên của Nhà nước.

Xã hội phải làm tốt công tác truyền thông, vận động người tiêu dùng, tương tự như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam phát động.

Đối với doanh nghiệp, phải không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa, đảm bảo hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại có trên thị trường do nước ngoài sản xuất. Có như vậy, thương hiệu của sản phẩm cũng như thương hiệu của doanh nghiệp mới có chỗ đứng trên thị trường.

Người tiêu dùng phải có tinh thần và trách nhiệm đối với sản phẩm hàng hóa được sản xuất từ Việt Nam, việc người Việt Nam lựa chọn sản phẩm Việt cũng là hình thức để nâng cao giá trị doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Bà Phương cho biết thêm, Việt Nam đã có những thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trên cả thị trường thế giới như Vinamilk, Bitis’, Trường Hải… nhưng số lượng còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới thì thương hiệu càng có ý nghĩa, vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp.

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, THQG đã mang lại nhiều giá trị vô hình to lớn và đang được các nước tiếp tục phát triển ở mức độ cao hơn để nâng cao sức cạnh tranh.

Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, ông Nguyễn Trường Thịnh cho biết, THQG không phải là phần thưởng cho doanh nghiệp mà đây chính là động lực, cơ hội để thúc đẩy doanh nghiệp nỗ lực nghiên cứu cải thiện chất lượng, công nghệ, giúp nâng tầm và vị thế của doanh nghiệp trong dài hạn.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết, thông qua thương hiệu sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp để Chính phủ xây dựng hình ảnh và thương hiệu của quốc gia.

Khi doanh nghiệp đạt THQG thì sẽ có nhiều lợi thế về thị trường,  phân phối sản phẩm, lợi thế cạnh tranh, phát triển kinh doanh, giá trị khối tài sản vô hình…

“Tuy nhiên, để có thương hiệu đã khó, để có thương hiệu nổi tiếng, thương hiệu đại diện cho quốc gia lại càng khó hơn, nhất là đối với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Việt nói.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình THQG cho rằng, xây dựng THQG không chỉ là việc của doanh nghiệp mà phải cả hệ thống chính trị, từng địa phương và cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài. Trong giai đoạn vừa qua, do nguồn lực còn có hạn, nên Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận đơn giản nhất, đó là xây dựng THQG dựa trên việc phát triển các sản phẩm, định vị theo thị trường xuất khẩu.

Sắp tới, THQG không chỉ quan tâm tới các sản phẩm, doanh nghiệp mà phải quan tâm tới thị trường trong nước. Chính những người dân Việt Nam mới là những người khẳng định giá trị THQG, nên “Hình ảnh THQG phải được xây dựng từ từng người dân”, ông Thịnh nhấn mạnh.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top