Năm 2018, Việt Nam lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, hiện công tác dự báo về quy hoạch, thị trường còn nhiều hạn chế. Nếu làm tốt công tác này, kim ngạch xuất khẩu nông sản còn có thể tăng lên khá nhiều.
Hậu quả khó lường
Vài năm gần đây, do công tác dự báo về thị trường còn nhiều hạn chế nên dẫn tới nhiều mặt hàng nông sản trồng phá vỡ quy hoạch, không xuất khẩu được phải giải cứu, giá rẻ như cho.
Cây tiêu là một ví dụ. Theo Cục Trồng trọt, quy hoạch đến 2020 tầm nhìn 2030, diện tích hồ tiêu của cả nước ở mức 50.000ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000ha. Tuy nhiên, năm 2017, diện tích tiêu đã đạt 152.000ha, sản lượng 240.000 tấn, chiếm 48% sản lượng hồ tiêu thế giới. Như vậy, diện tích sản xuất đã vượt 3 lần so với quy hoạch.
Trong 3 năm qua, diện tích và sản lượng hồ tiêu liên tục tăng nóng, cung - cầu mất cân đối làm giá tiêu liên tục giảm, khiến nông dân và những người tham gia chuỗi đều bị động, rủi ro. Có thời điểm giá thu mua hạt tiêu đen chỉ từ 47.000-48.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều hộ dân không có lãi, thậm chí bị lỗ. Đây là lý do năm 2018, hồ tiêu xuất khẩu tăng 7,9% về lượng nhưng giảm 33,4% về giá trị.
Trước thực trạng cung vượt cầu, ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, khuyến cáo: “Nông dân toàn tỉnh cùng doanh nghiệp khi xuống giống, quyết định trồng tiêu thì nên tìm hiểu khi thu hoạch bán ở đâu và bán cho ai?”.
Theo ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, từ năm 2016 đến nay, người dân trong tỉnh đã trồng mới hơn 19.000ha hồ tiêu. Nhiều diện tích trồng mới không kiểm soát được chất lượng giống, xử lý đất, vệ sinh đồng ruộng nên tiềm ẩn dịch bệnh lây lan làm nhiều vườn tiêu chết hàng loạt, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng và chất lượng tiêu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, sự phát triển “thần tốc” của ngành hồ tiêu trong những năm qua đang đặt ra những vấn đề lớn mà nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm cho hồ tiêu bị tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.
Người tiêu dùng còn nhớ tháng 10/2018, giá thanh long tại Ninh Thuận và nhiều tỉnh khác xuống thấp kỷ lục, có thời điểm chỉ còn 500 - 1.000 đồng/kg mà chẳng ai mua. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới giá thấp kỷ lục, trong đó có việc trồng vượt quy hoạch, thời điểm này người dân Trung Quốc ít ăn thanh long, trong khi 70 - 80% sản lượng loại quả này tiêu thụ tại Trung Quốc. Đặc biệt, hiện Trung Quốc đã trồng được khoảng 20.000ha thanh long, dự kiến năm 2019 sẽ là 30.000ha.
Hẳn người dân cả nước còn nhớ các lần giải cứu dưa hấu, giải cứu hành tím... Để xảy ra hậu quả này, nguyên nhân chính là do công tác dự báo còn hạn chế dẫn tới điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa, giải cứu nối tiếp giải cứu.
Trước thực trạng nhiều mặt hàng nông sản sản xuất phá vỡ quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai?”.
Dự báo còn yếu
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, một số sản phẩm nông nghiệp hiện nay sản xuất đã vượt xa so với quy hoạch. Chẳng hạn, cà phê vượt 21,9%, cao su vượt 25%, hồ tiêu vượt 149%. Dự báo trong quy hoạch còn thiếu chính xác, có quy hoạch cao hơn nhu cầu của thị trường dẫn đến quy hoạch rất cao, mặc dù sản xuất chưa đạt yêu cầu của quy hoạch nhưng vẫn không tiêu thụ được sản phẩm.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, những dự báo chính xác về thị trường nước ngoài vẫn là khâu yếu nhất hiện nay. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng của Chính phủ phải đưa ra những thông tin về thị trường đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
Một số ý kiến cho rằng, công tác dự báo, cảnh báo nắm bắt xu thế trước những biến động của thị trường là việc làm hết sức quan trọng. Từ đó, giúp doanh nghiệp chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế. Chính các doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm thông tin về dự báo, tin tức chính xác trên thị trường là vấn đề cốt lõi cho hoạt động xuất khẩu. Có như vậy, doanh nghiệp mới không bị thua thiệt khi tham gia sân chơi toàn cầu.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tìm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: “Các cơ quan ngoại thương, ngoại giao cần làm gì để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường?”.
Giải pháp nào?
Trong Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Chính phủ nêu rõ: Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại thông qua phát triển hệ thống thông tin thương mại thị trường, tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp thông tin tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu.
Để nâng cao chất lượng dự báo hỗ trợ xuất khẩu, cần thành lập các điểm thông tin thị trường ở các vùng chuyên canh có tỷ suất hàng hóa lớn. Phối hợp hoạt động của các điểm thông tin với hoạt động của các tổ chức khuyến nông, các câu lạc bộ, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Tăng cường việc theo dõi, nghiên cứu thị trường quốc tế, thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp và nông dân.
Duy trì và phát triển các trang điện tử về nông sản và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản. Đặt vấn đề với các tổ chức quốc tế, đề nghị trợ giúp kỹ thuật xây dựng thí điểm sàn giao dịch nông sản và nâng cao năng lực xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản.
Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết, sắp tới, VCCI sẽ xây dựng cổng thông tin trực tuyến. Tổ chức các hội thảo hỗ trợ xuất khẩu, liên kết kinh doanh; xuất bản cẩm nang xuất khẩu Việt Nam, tổ chức diễn đàn xuất khẩu thường niên để các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt thông tin về các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cần tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nghiên cứu các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng, đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.
Còn theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, để góp phần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đều phải “đi tiếp thị” cho sản phẩm của Việt Nam để tìm thị trường mới.
Công tác dự báo hỗ trợ xuất khẩu nông sản là rất quan trọng, để làm tốt việc này, Bộ Công thương cần tăng cường hoạt động của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, củng cố, mở rộng hệ thống cơ quan đại diện xúc tiến thương mại tại nước ngoài nhằm cung cấp cho doanh nghiệp các phân tích, dự báo tình hình thị trường cũng như luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán đặc thù của từng khu vực thị trường.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hơn 40 tỷ USD. Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành 3,0%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 43 tỷ USD. Để thực hiện được mục tiêu trên, công tác phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…