Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 10 năm 2019 | 22:53

Nghệ An: Thu 75 tỷ đồng/tháng từ đánh bắt hải sản

Ra khơi chỉ trong tháng 10, ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đã thu về 4.500 tấn hải sản, đạt giá trị kỷ lục gần 75 tỷ đồng.

Từng biết đến là xã có nghề lưới vây rút chì cho hiệu quả cao, những ngày cuối tháng 10, hàng chục tàu cá của xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) về bờ đem lại nguồn thu nhập khủng.

 

bbien-991.jpg

Nhiều tàu cá của xã Quỳnh Long về bờ đều trúng đậm hải sản. Ảnh: Việt Hùng

 

Có thể kể tới chiếc tàu cá do thuyền trưởng Đào Ngọc Anh, thôn Đại Hải, một trong số chủ tàu cá xa bờ, vừa thu về hàng chục tấn hải sản, doanh thu hơn 2 tỷ đồng, đứng đầu toàn xã.

Không giấu nổi niềm vui khi vừa từ biển trở về, ngư dân Đào Ngọc Anh chia sẻ: “Tháng này, tàu chúng tôi vươn khơi 2 chuyến, chuyến đầu được hơn 500 triệu đồng, chuyến gần đây được 2 tỷ đồng. Mỗi thuyền viên thu từ 15 - 18 triệu đồng/người/tháng”.

Thời gian này, hàng chục tàu cá nghề vây rút chì ở xã Quỳnh Long cũng được mùa hải sản có giá trị như: cá thu, cá ngừ, cá hố, bạc má... Chỉ tính riêng tháng 10/2019, có những tàu cá đánh bắt từ 7 - 10 ngày đã mang về từ 1 - 2 tỷ đồng/chuyến.

 

Toàn xã Quỳnh Long có 152 tàu cá, trong đó có 86 tàu khai thác xa bờ công suất trên 90CV, với tổng số lao động gần 3.000 người. Tính từ đầu năm đến ngày 27/10, sản lượng đánh bắt đạt 24.500 tấn. Riêng sản lượng trong tháng 10 đạt hơn 4.500 tấn, doanh thu gần 75 tỷ đồng (kỷ lục từ trước đến nay).

Ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long, cho biết: “Trong tháng 10 này, qua nắm bắt tình hình khai thác hải sản, từ bà con ngư dân, trên địa bàn xã có khoảng 25 tàu, thu nhập từ 1 - 2 tỷ đồng, và khoảng 17 tàu có thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, tháng 10 này, ngoài sản lượng tăng cao, giá trị các loại hải sản cũng tăng lên. Như tháng 9 vừa rồi, sản lượng đạt khoảng gần 4.000 tấn cho doanh thu 50 tỷ đồng, nhưng sang tháng 10, đạt 4.500 tấn, song giá trị đạt 75 tỷ đồng.”

Đi biển mùa sương, điều thú vị của ngư dân Hà Tĩnh

Đi biển mùa sương, ngư dân Hà Tĩnh phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đánh bắt hải sản. Song, cũng là “cuộc chơi” thú vị của những ngư dân cừ khôi, khi họ phải trổ hết kinh nghiệm và tình yêu với biển cả…

 

bb-33.jpg

 Đi biển mùa sương, vừa là mưu sinh, vừa thể hiện tình yêu biển.                                                                                          

Mùa sương tuy không kéo dài, nhưng trong những ngày sương mù xuất hiện, ngư dân được đón rất nhiều luồng hải sản có giá trị.

Ngư trường mùa sương không sôi động như những ngày hè, nhưng tàu thuyền vẫn khá tấp nập. Trong tiết khí ấy, họ phải nắm rõ thời tiết để quyết định ra khơi hay vào lộng.

Ông Phạm Tiến Cảnh (65 tuổi, ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián, Nghi Xuân) cho biết: “Vào mùa này, thời tiết thất thường, có khi sớm đang nắng, thuyền ra khơi, nhưng khoảng 3 giờ chiều, sương mù bỗng ở đâu ùn ùn kéo tới, chỉ một chốc, cùng ngồi trên một con thuyền, mà không ai nhìn rõ mặt nhau.

Thậm chí, có những ngày không chỉ sương mù, mà còn kèm theo gió to, sóng lớn, khiến cho công việc đánh bắt trở nên khó khăn hơn bội phần”.

Theo cha vào nghề từ năm 13 tuổi, đến nay, ông Cảnh đã có thâm niên hơn 50 năm đi biển. Biển cả với ông không chỉ là nơi mưu sinh, mà còn là nơi gieo gửi tình yêu quê hương, đất nước của mình.

Bởi thế, khi cuộc sống thay đổi, hầu hết các phường bạn cùng lứa tuổi đã bỏ nghề đi biển, thì ông vẫn đều đặn mỗi sáng sớm, dong thuyền ra khơi.

Đặc biệt, với ông Cảnh, đi biển mùa sương, còn là một niềm thích thú. Sương mù tuy khó đi, hải sản không đa dạng, nhưng lại được những loài hải sản ngon.

Chẳng riêng gì ông Cảnh, với hầu hết ngư dân, đi biển mùa sương còn là một thử thách về độ kiên nhẫn, và kinh nghiệm đánh bắt.

Ông Nguyễn Văn Hóa (82 tuổi, thôn Hồng Phong, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) cho biết: “Nếu sóng to thì đánh bắt cua ghẹ sẽ thắng; nếu trời yên biển lặng, nắng hửng thì đi te (vớt tép biển) sẽ được nhiều…

Đặc biệt, mùa sương, chúng tôi còn đánh bắt được rất nhiều cá cháo - đặc sản được nhiều người rất yêu thích”.

Ngoài ra, trong tiết khí sương giáng này, ngư dân Hà Tĩnh còn đánh bắt được rất nhiều tôm he. Đây là một trong những hải sản mà vùng biển Hà Tĩnh được ưu ái, bởi các chủ thuyền chẳng cần đi quá xa, cũng đã có thể gặp luồng tôm rồi. Nếu may mắn, mỗi sáng có thể đánh bắt được 5 - 30 kg.

Ngư dân cho biết, mỗi ký tôm he hiện dao động từ 100 - 250 ngàn đồng tùy kích cỡ. Đặc biệt, mùa sương cũng báo hiệu mùa đánh bắt cá trích. Năm ngoái, không ít thuyền đã kéo được những mẻ cá trích lên đến vài tấn

Những hải sản đánh bắt được trong mùa sương không chỉ làm giàu cho ngư dân, mà còn làm phong phú thêm đời sống ẩm thực của người dân Hà Tĩnh. Chẳng gì thú vị bằng, trong những ngày sương giăng se se lạnh, được thưởng thức bát canh cá cháo tươi ngon.

Bà Nguyễn Thị Quý (83 tuổi, ở làng chài Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) cho biết: “Cá cháo từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của gia đình tôi. Người ta có thể ăn cá cháo hàng ngày không chán.

Ngoài cách chế biến cùng rau cải, hành tăm và ớt bột, nhiều người còn biến tấu thành món lẩu cá cháo, cá cháo chiên bột… Món nào cũng ngon và đậm đà hương vị biển cả”.

Cùng với cá cháo, thực khách cũng trông đợi nhiều món ăn được chế biến từ cá trích. Những con cá trích tươi xanh sẽ trở thành món gỏi, cá trích nướng, cá trích chiên giòn, trên những mâm cỗ giản dị.

Đặc biệt, người miền biển còn có cách nấu xổi, tuy mộc mạc nhưng lại giữ được hương vị trọn vẹn của cá. Đó cũng là cách mà ngư dân thường nấu. lúc đang lênh đênh trên biển.

Những khuyến cáo nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh

Cam Ranh vừa có văn bản gửi các cơ quan chuyên môn và các xã, phường khuyến cáo nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh.

Theo đó, kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Thủy sản trong các tháng gần đây cho thấy, hàm lượng chất rắn lơ lửng, vi khuẩn Vibrio, khí độc NH4, NO2 vượt ngưỡng cho phép.

 

cr-961.jpg

 

Trong khi đó, số lượng lồng bè nuôi trên vịnh Cam Ranh phát triển mạnh, việc gìn giữ môi trường nuôi của ngư dân còn hạn chế, chất lượng môi trường dễ diễn biến xấu, gây thiệt hại cho người nuôi...

Với tình hình đó, thành phố yêu cầu các cơ quan chuyên môn, chính quyền xã, phường, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi không đầu tư mới, phát sinh thêm lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Giảm mật độ lồng, mật độ thủy sản; quản lý tốt thức ăn, theo dõi sức khỏe thủy sản; theo dõi, giám sát môi trường hàng ngày; khi có dấu hiệu bất thường báo ngay cho cơ quan quản lý nuôi, để có kế hoạch phòng tránh...

Xuất khẩu tôm sang EU giảm đột biến

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng năm 2019, xuất khẩu tôm đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tôm tồn kho tại các thị trường cao. Nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tang, khiến giá tôm nhập tại các thị trường, hạ thấp hơn so năm trước.

 

tom-631.jpg

EU là thị trường giảm mạnh nhất. Tháng 9, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 61 triệu USD, giảm 23% so cùng kỳ 2018. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU, Anh và Hà Lan giảm 2 con số, lần lượt là 37% và 32%, Đức giảm 9%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 513,4 triệu USD, giảm 20,8% so cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình nhập tôm của các thị trường này đều giảm 1 USD/kg so năm 2018.

EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới, và chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020.

Tôm xuất sang thị trường Mỹ đạt 476,9 triệu USD, tăng 1% so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi thị trường Nhật Bản giảm 1,9%, chỉ đạt 444,7 triệu USD trong 9 tháng.

Riêng thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm có dấu hiệu khả quan (tăng 7,2%), đạt 382,3 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay, nhờ tăng trưởng dương liên tiếp từ tháng 7 đến tháng 9.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top